Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
Định hướng công việc sau khi ra trường của người học ngành Công tác xã hội theo nhu cầu thực tế xã hội

Việc định hướng đầu ra cho sinh viên ngành Công tác xã hội là việc làm cần thiết trong công tác đào tạo của các cơ sở đào tạo. Căn cứ vào nhu cầu thực tế xã hội và hệ thống đầu công việc cụ thể, mỗi cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình đào tạo, phù hợp với nhu cầu đó để cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên học ngành Công tác xã hội sẽ thực tế và tăng năng lực cạnh tranh cao hơn.- Trích Nội san số 1- Khoa Luật&QLNN

 

 1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, nghề CTXH đã có từ lâu, được xã hội rất coi trọng. Còn ở Việt Nam thì đây là một lĩnh vực hoạt động mới xuất hiện. Từ năm 2010, bằng Đề án 32 của Chính phủ thì CTXH cũng mới chính thức được công nhận là một nghề cụ thể. Tuy vậy, hiểu biết và nhận thức của xã hội về nghề này vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao hiểu biết của cộng đồng xã hội về ngành nghề này.

Nghề CTXH là một nghề hướng đến việc trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng xã hội “yếu thế” giúp họ phát triển khả năng của bản thân, gia đình cùng với cộng đồng và sự trợ giúp của nhà nước, để họ tự vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Mục tiêu chung của Đề án là “Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.

Ngay sau khi Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 được ban hành, các Bộ, Ngành chức năng đã ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH, Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg. Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH công lập. Như vậy có thể khẳng định rằng Quyết định 32 đã tạo ra một hành lang pháp lý để từng bước phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp. Đồng thời cũng tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp bộ đảng, chính quyền và xã hội về nghề CTXH.

Từ thực tiễn sự phát triển của đất nước cho thấy, hướng ra của những người học nghề công tác xã hội rất rộng. Tuy nhiên, chính việc thiếu hệ thống các đầu việc cụ thể, một mặt là điều kiện thuận lợi nhưng mặt khác là những thách thức, đòi hỏi trình độ, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp ngành công tác xã hội.

2.Giải quyết vấn đề

Theo nhu cầu thực tế hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội thường đang đảm nhiệm các đầu công việc:

2.1. Làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội

Sau 7 năm triển khai Đề án Phát triển nghề CTXH, Việt Nam đã có những bước tiến nhanh trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý. Ban hành được bộ tiêu chuẩn, chức danh của nghề CTXH, mã ngạch tiêu chuẩn chăm sóc và nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động mô hình trung tâm CTXH, tổ chức và cơ cấu lại các cơ sở bảo trợ xã hội để chuyển hướng sang cung cấp các dịch vụ xã hội. Tính đến hết thời điểm năm 2015, Việt Nam đã hình thành trên 400 cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội. Hơn 80.000 nhân viên và cộng tác viên hoạt động tới các dịch vụ ngành CTXH. Họ đang làm việc ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, cơ sở cai nghiện, trung tâm điều dưỡng, các tổ chức xã hội. 

Số liệu điều tra của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước hiện có số người cần trợ giúp các dịch vụ CTXH lên tới 28% dân số, tuy nhiên nghề CTXH ở Việt Nam không hẳn ai cũng biết đến. Khi nhắc tới CTXH, người dân nghĩ ngay tới các hoạt động từ thiện, mang tính giúp đỡ là chủ yếu. Rất ít người biết đến nghề CTXH và người làm CTXH đang làm gì, công việc ra sao,... Do nhu cầu của xã hội, nghề CTXH luôn thiếu người tham gia CTXH ở các đơn vị, tổ chức từ Trung ương tới địa phương. Cụ thể, hiện nay có hàng chục triệu người cần sự hỗ trợ, nhưng hiện chỉ có khoảng 5.000 cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội cho người nghiện ma túy, gái mại dâm. Có khoảng 2.000 người làm trong các cơ quan LĐ-TB&XH và khoảng 3.000 cán bộ chuyên trách cùng vài chục ngàn cộng tác viên, tình nguyện viên cấp xã. Nghề CTXH hiện là ngành mới đào tạo ở Việt Nam, vì vậy học ngành đào tạo CTXH khi ra trường có nhiều về cơ hội việc làm.

2.2. Làm việc tại các cơ quan Nhà nước

Trong hệ thống các cơ quan Nhà nước cũng cần có nhân sự chuyên ngành công tác xã hội phục vụ cho việc hoạch định chính sách xã hội. Cơ quan có chức năng trực tiếp liên quan đến lĩnh vực này là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và một số cơ quan khác như ngành văn hóa, giáo dục, y tế,... từ cấp Trung ương đến địa phương. Để vào làm việc tại các cơ quan này, ứng viên phải trải qua kỳ thi tuyển công chức hàng năm tại các ngành, các địa phương.

2.3. Làm việc tại các tổ chức Phi Chính phủ

Hiện nay, các tổ chức Phi Chính phủ hoạt động tại Việt Nam ngày càng nhiều kéo theo nhu cầu nhân lực ngành công tác xã hội tăng lên. Đây là cơ hội rất tốt cho sinh viên ngành công tác xã hội. Khi làm việc trong các tổ chức Phi Chính phủ, người lao động có cơ hội sử dụng ngoại ngữ, tiếp cận với các yêu cầu, điều kiện làm việc quốc tế. Môi trường này thật sự phù hợp với các sinh viên năng động, cầu tiến, tác phong làm việc chuyên nghiệp và đặc biệt là giỏi ngoại ngữ.

2.4. Làm việc tại các trường học

Những sinh viên tốt nghiệp ngành công tác xã hội, nếu yêu thích và có khả năng giảng dạy thì có thể chọn lựa việc đi dạy tại các trường có đào tạo ngành này. Do đây là một ngành mới ở Việt Nam nên số lượng các chuyên gia, tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành công tác xã hội còn rất ít, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, đòi hỏi phải bổ sung, tăng cường. Đây là cơ hội tốt cho những sinh viên có đam mê và năng lực sư phạm.

2.5. Xuất khẩu lao động

Trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển có nhu cầu rất lớn về nhân viên công tác xã hội như việc trợ giúp người già, người bệnh,... Nếu bạn muốn làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập cao thì bạn hoàn toàn có thể chọn hình thức xuất khẩu lao động. Đặc biệt, chúng ta đang sống trong cộng đồng kinh tế chung ASEAN nên cơ hội việc làm theo hình thức này sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Đương nhiên, những yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc là rất quan trọng nếu bạn muốn tham gia xuất khẩu lao động.

 2.6. Tự tạo việc làm

Không nhất thiết phải đi làm cho các tổ chức, cá nhân khác, bạn hoàn toàn có thể tự tạo việc làm và tạo lập cuộc sống cho mình. Những ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội được phát huy và hiện thực hóa. Bạn hoàn toàn có thể tự mình hoặc cùng với một nhóm bạn thành lập công ty cung ứng dịch vụ công tác xã hội hay là một đơn vị đóng vai trò cầu nối về nhân lực giữa các nhà tuyển dụng với sinh viên học ngành công tác xã hội hoặc một ý tưởng khả thi nào khác. Đương nhiên, để khởi nghiệp thành công không phải là điều dễ dàng. Bạn cần phải học hỏi thật nhiều, quyết tâm cao độ và có bản lĩnh để đối diện với khó khăn, thách thức trên con đường lập nghiệp.

2.7. Làm những ngành gần hoặc ngành khác với chuyên ngành đào tạo

Thực tế, có nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng không làm đúng chuyên ngành. Tương tự như vậy, sinh viên học công tác xã hội có thể đi làm những ngành gần như xã hội học, giáo dục,... hay làm hoàn toàn trái ngành. Những trường hợp này là điều không mong muốn nhưng sinh viên cũng cần phải chuẩn bị tâm lí để đối mặt. Cho dù không làm đúng chuyên ngành, tuy nhiên những kiến thức đã học chắc chắn sẽ có giá trị cho các bạn trong nghề nghiệp.

3.Kết luận

Trên đây là một số hướng ra cho sinh viên ngành công tác xã hội. Mỗi môi trường làm việc sẽ có những yêu cầu, đòi hỏi riêng. Mặt khác, trong thời đại hội nhập ngày nay, để tìm cho mình cơ hội việc làm tốt. Để làm được những công việc dù đúng với ngành được đào tạo hay những việc được cho là trái ngành thì sinh viên cần phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng sau đây:

Sinh viên cần nắm chắc kiến thức chuyên ngành, nhất là những môn liên quan trực tiếp đến định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Sinh viên cần biết các kiến thức về kinh tế - xã hội và cả thời sự - chính trị vì điều này thể hiện trách nhiệm của bạn với đất nước, đồng thời giúp cho việc giao tiếp của bạn cũng trở nên thuận lợi hơn.

Kỹ năng sử dụng vi tính để phục vụ cho công việc. Bạn không cần phải biết hết mọi thứ về máy tính nhưng cần nắm các kỹ năng, ít nhất là những kỹ năng sử dụng vi tính cho hoạt động văn phòng.

Kỹ năng mềm là điều rất quan trọng với người làm công tác xã hội. Ngay từ khi còn là sinh viên, hãy tận dụng mọi cơ hội để tham gia các khóa học kỹ năng mềm và đặc biệt là tiếp cận với thực tiễn để trải nghiệm và rút ra những kinh nghiệm giá trị đối với bản thân.

Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ có thể ví như kỹ năng “mở khóa” để bạn vươn ra thế giới. Do vậy, các bạn sinh viên phải thành thạo ít nhất 01 ngoại ngữ để có thể tham gia vào môi trường làm việc toàn cầu hiện nay.

Với thực trạng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội hiện nay. Với kinh nghiệm và vị trí công tác hiện nay, thiết nghĩ, mỗi cơ sở đào tạo ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, cần trang bị thêm các kiến thức, kĩ năng bổ trợ nghề nghiệp cho sinh viên. Mặt khác, để tăng tính cạnh tranh cho sinh viên của mình, mỗi cơ sở cũng cần hướng đến việc đào tạo song song ngành Công tác xã hội kèm thêm 1 ngành gần như: tâm lí học, giáo dục đặc biệt, ... để sinh viên ngành Công tác xã hội sau khi ra trường có cơ hội việc làm cao hơn.

 

 

 

 

Tác giả: ThS. Đoàn Văn Trường
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Khoa Luật&QLNN tiếp bước truyền thống - Hướng tới tương lai (03/04/18)
 Tiềm năng và điều kiện phát triển ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (18/04/17)
 Nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề công tác xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay (18/04/17)
    Hôm nay 3408
    Hôm qua 22440
    Tuần này 79327
    Tháng này 351183
    Tất cả 7156763
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường