Nghiên cứu khoa học
ẢNH HƯỞNG CỦA MẠNG XÃ HỘI FACEBOOK TỚI SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

Sự phát triển và sức lan toả mạnh mẽ của Facebook đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội đặc biệt đối với giới trẻ trong đó phần lớn là sinh viên – nhóm đối tượng sử dụng Facebook đông nhất Việt Nam. Đó cũng là lực lượng đóng vài trò nòng cốt trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.Việc sử dụng Facebook đối với sinh viên lực lượng có tri thức như một công cụ giao tiếp, học hỏi mới và gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Việc nhận thức và sử dụng về mạng xã hội Facebook như thế nào, cần điều chỉnh, và hướng dẫn những gì khi nó đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống văn hoá của sinh viên Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch Thanh Hóa? Đây là những vấn đề tác giả quan tâm

  1. Mạng xã hội facebook

              Facebook là một trang Website truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điều hành, là loại hình sở hữu tư nhân. Các thành viên trên facebook được phép hoạt động trên nguyên tắc nhất định của hệ thống, mọi người đều có thể tham gia Facebook cũng như là thành viên của các nhóm hoạt động như: Nơi làm việc, trường học, gia đình… Nhằm giao lưu, học hỏi, chia sẻ trạng thái tâm lý của mình, đồng thời giải trí, giảm căng thẳng, mệt nhọc sau một ngày lao động dài.

              “Ngày xưa chúng ta sống trong hang động, sau đó sống trong thành phố, bây giờ chúng ta sống trên mạng” – Đây là câu nói khá nổi tiếng trong bộ phim “The social Network” (nói về sự ra đời và phát triển của mạng xã hội Face book). Câu nói này đã tóm tắt khá đầy đủ xu hưởng của con người hiện đại, nhất là giới trẻ  mà sinh viên thuộc tầng lớp đó trong xã hội hiện nay.

  1. Sinh viên trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa với mạng xã hội facebook

            Sự phát triển và sức lan toả mạnh mẽ của Facebook đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội đặc biệt đối với giới trẻ trong đó phần lớn là sinh viên – nhóm đối tượng sử dụng Facebook đông nhất Việt Nam. Đó cũng là lực lượng đóng vài trò nòng cốt trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Ở Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây, facebook được xem là mạng xã hội không thể thiếu của nhiều sinh viên, trường Đại học Văn hóa, Thể thao và du lịch Thanh Hóa không ngoại lệ. Trên facebook, họ đăng tất cả mọi thứ mà họ quan tâm. Từ việc ăn món gì, đi chơi ở đâu, gặp gỡ bạn bè thế nào đến việc bày bức xúc những vấn đề xã hội hay những chia sẻ đúc rút từ cuộc sống… Xét ở một góc độ nào đó Facebook giống như một cuốn nhật ký online, nơi các bạn sinh viên ghi chép lại cuộc sống của mình, bày tỏ tâm tư tình cảm cá nhân và chia sẻ nó với mọi người. Những sự chia sẻ ấy được thiết lập giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm, nhóm với nhóm, những chia sẻ cá nhân cũng có thể được cả nhóm chứng kiến và ngược lại mở rộng không giới hạn của những sự kết nối. Thuật ngữ “cộng đồng mạng” đã hoàn toàn quen thuộc với giới trẻ. Hiện nay, sinh viên “rất khó cưỡng lại sức hút kinh khủng của mạng xã hội, cụ thể là facebook” như lời của một bạn nữa sinh viên năm 4, khoa Văn hoá – Thông tin có nói.

Vào facebook cũng đồng nghĩa với việc bạn vào một thế giới ảo, một thế giới thông tin đa dạng và khác biệt. Ở đó không phân biệt bạn là ai, bạn đến từ đâu, địa vị và đẳng cấp cũng như vị thế như thế nào. Và những thông tin, hoạt động của bạn bè, bạn của bạn bè, đến cả những người mình theo dõi, quan tâm hay không quan tân từ lúc họ sử dụng facebook đã được lưu và tích luỹ lại tại đây. Chính vì facebook hấp dẫn như vậy mà mỗi sinh viên truy cập lại có những múc đích khác nhau.

Qua kết quả khảo sát có thể thấy một số mục đích chính được rất nhiều bạn trẻ đăng tải suy nghĩ/thôngtin/hình ảnh/clip… trên trang Facebook cá nhân của mình như sau:

Bảng 2.1. Kết quả thống mục đich sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

[Nguồn: tác giả điều tra, tháng 12/2018]

Theo biểu đồ trên đây cho thấy 100% sinh viên đăng tải các suy nghĩ, thông tin, hình ảnh video clip của mình lên trang cá nhân Facebook với mục đích là lưu giữa làm kỷ niệm, điều đó cũng không có gì là ngạc nhiên và khó hiểu bởi vì nhóm đối tượng mà tác giả tham gia khảo sát là sinh viên thuộc nhóm đối tượng thanh thiêu niên trong giai đoạn phát triển dần trưởng thành nên việc tâm sinh lý luôn thay đổi rõ rệt, luôn muốn dãi bày và được lắng nghe chia sẻ, cùng với đó Facebook lại được thiết kết timeline – một dạng nhật ký online.

Trên thực tế việc sinh viên sử dụng Mạng xã hội  Facebook để thực hiện nhiều mục đích khác nhau cùng một lúc như: vừa Lướt theo dõi thông tin mới hàng ngày, hàng giờ trên trang chủ vừa Chat, gọi âm thanh, gọi video  và Quản lý và Chia sẻ thông tin hoạt động cá nhân, chia sẻ hình ảnh, video … đó là việc sinh viên đang vào mạng để thoả mãn những nhu cầu khác nhau cùng một lúc. Tuy nhiên, tác giả còn mong muốn nhận được thông tin từ sinh viên với câu hỏi sau: Có bao giờ không có mục đích gì nhưng bạn vẫn tham gia và Facebook bình thường không? và thật bất ngờ  bởi có 77,4 % người trả lời có tham gia và Facebook khi không có mục đích gì, chỉ có 22,6% SV trả lời ngược lại. Kết quả cũng đáng ngạc nhiên khi quan sát biểu đồ dứới đây thể hiện mức độ thường xuyên vào Facebook không có mục đích gì:

Biểu đồ 2.1 : Mức độ thường xuyên khi vào mạng xã hội Face book của sinh viên Trường Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

 [Nguồn: tác giả điều tra, tháng 12/2018]

Đến thời điểm này Mạng xã hội  Facebook là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của sinh viên nhất là sinh viên trường Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Facebook đã hấp dẫn và giữ chân họ, để rồi nó trở thành một thói quen với đại bộ phân sinh viên trường Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Bên cạnh đó phải khẳng định rằng múc đích sử dụng Facebook của SV luôn có chiều hướng thay đổi, sự thay đổi này đương nhiên vì chúng ta biết rằng mạng xã hội luôn được tích hợp những tính năng mới để thu hút người sử dụng. Điều này lại càng phù hợp với sự tò mò của sinh viên.

Qua các con số thống kê từ bảng khảo sát về mục đích sử dụng mạng xã hội facebook của sinh viên trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Bảng 2.2 Kết quả thống mục đich sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa  

Mục đích sử dụng mạng xã hội Facebook

Số phiếu

Tỉ lệ

Tìm kiếm thông tin phục vụ cho học tập

54

10,8%

Lướt theo dõi thông tin mới hàng ngày, hàng giờ trên trang chủ

450

90%

Chat, gọi âm thanh, gọi video

500

100%

Quản lý và Chia sẻ thông tin hoạt động cá nhân, chia sẻ hình ảnh, video

289

57,8%

Kết bạn

110

22%

Kinh doanh

15

3%

Tìm việc làm thêm

23

4,6%

Chơi trò chơi nghe nhạc, xem phim

68

13,6%

[Nguồn: tác giả điều tra, tháng 12/2018]

Khi tham gia Mạng xã hội  facebook những hoạt động thường diễn ra của sinh viên là gần 100 % số sinh viên tham gia mạng xã hội facebook để Lướt theo dõi thông tin mới hàng ngày, hàng giờ trên trang chủ Chat, gọi âm thanh, gọi video sau đó đến việc Quản lý và Chia sẻ thông tin hoạt động cá nhân, chia sẻ hình ảnh, video sau cùng mới đến những mục đích như: Kết bạn, Chơi trò chơi nghe nhạc, xem phim , Tìm kiếm thông tin phục vụ cho học tập chỉ chiếm 10,8%. Như vậy, có thể thấy sinh viên lên facebook chỉ để phục vụ cho việc thư giãn và liên lạc

Từ số liệu trên ra thấy số người truy cập vào facebook với mục đích tìm kiếm thông tin phục vụ cho mục đích học tập chiếm tỷ lệ vô cùng thấp. Nếu có, chủ yếu rơi vào những đối tượng đang làm bài thi, nghiên cứu khoa học hoặc khoá luận, luận văn tốt nghiệp. Tuy nhiên cũng có một số ít sinh viên cũng đã tự tìm tòi học hỏi quan mạng xã hội facebook và gặt hái được thành công nhất định. Bằng chứng là họ tham gia các nhóm của lớp, các nhóm về các chuyên ngành mà mình học.

Khi tiến hành phỏng vấn sâu để làm rõ mục đích của sinh viên khi tham gia mạng xã hội facebook, các câu trả lời khá trung khớp với kết quả khảo sát định lượng. Nhiều sinh viên đồng tình với ý kiến như sau của bạn nữ sinh viên năm 2 khoa Luật và quản lý Nhà nước: “Facebook là nơi em có thể thoả mái bộ lộ quan điểm cá nhân, cập nhật tin tức từ bạn bè nhanh chóng nhất. Vào facebook chủ yếu là để chia sẻ cảm xúc và các sự kiện của bản thân hoặc gia đình, mọi niềm vui nỗi buồn của em kho chia sẻ lên mạng đều nhận được sự đồng cảm từ bạn bè, người thân, điều đó khiến mọi người hiểu biết em hơn và ngược lại”[Tháng 12/2018] sinh viên coi facebook là nơi để thể hiện bản thân: nói lên suy nghĩ cá nhân và trao đổi hiểu  biết lẫn nhau.

Ngoài những đóng góp không thể phủ nhận trong việc trợ giúp sinh viên học tập, facebook cũng mang đến những hệ luỵ nhất định. Nghiên cứu tìm hiểu về một số vi phạm chủ yếu của sinh viên liên quan Facebook để thấy được mặt trái của nó. Quan sát bảng 2.2 dưới đây

Bảng 2.3  Mức độ vi phạm kỷ luật liên quan đến facebook của SV trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Mức độ vi phạm

Lỗi vi phạm

Không bao giờ

Hiếm khi

Thỉnh thoảng

Thường xuyên

Nói chuyện điện thoại, chat hoặc sử dụng facebook trong giờ học

1,6 %

3,6%

20 %

65,6 %

Đi học muộn, ra trước giờ, bỏ tiết để truy cập facebook

48,4 %

37,8 %

13,8 %

0 %

Gian lận trong thi cử (tìm kiếm thông tin, đáp án trên facebook)

57,4%

22%

20%

 

0,6 %

[Nguồn: Nguồn: tác giả điều tra, tháng 12/2018]

Có thể nhận thấy ba hành vi trên của sinh viên có cấp độ nghiêm trọng tăng dần từ nói chuyện đến đi học muộn rồi cuối cùng là gian lận trong thi cử, tương ứng với sự tăng dần về cấp độ nghiêm trọng chính là sự tăng dần về tỉ lệ sinh viên không bao giờ vi phạm. Tuy nhiên số sinh viên còn lại sẽ thuộc nhóm có vi phạm những hành vi đó với các mức độ khác nhau. Ở mức độ “thỉng thoảng và thường xuyên có 70,6 % sinh viên nói chuyện điện thoại và chat trong giờ qua facebook, có 13,8 % đi học muộn, ra trước giờ, bỏ tiết để truy cập facebook, 20,6% gian lận trong thi cử (tìm kiếm thông tin, đáp án, nói chuyện trao đổi đáp án trên facebook). Các con số trên đáng báo động với nhà quản lý dịch vụ mạng và quản lý đào tạo.

Mạng xã hội đã lấy đi rất nhiều thời gian, sự quan tâm và chú ý của sinh viên gây ảnh hưởng xấu đến những hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động học tập và rèn luyện kỹ năng nghề ( hoạt động chủ đạo của sinh viên). Facebook gây ra các hành vi chống đối xã hội, sống tiêu cực, uống nhiều rượu, hoang tưởng; ảnh hưởng xấu đến tâm lý của sinh viên gây mất ngủ, lo âu, trầm cảm. Từ đó dẫn đến hiện tượng thường xuyên bỏ học, kết quả học tập sút kém; không phân biệt được đâu là ảo, đâu là thật, không thể hòa nhập với cuộc sống thực; nhiều sinh viên chỉ biết kết nối với những người ảo trên mạng mà quên đi những người thân xung quanh mình, quên đi những nhiệm vụ phải thực hiện trong đời sống thực – đó là nhiệm vụ học tập.

Tất nhiên cái gì quá cũng không tốt và thậm chí có hại. Chẳng riêng gì Facebook, kể cả ăn, chơi, ngủ,… nếu quá đà cũng gây hại lớn. Chính vì thế, hãy biết cân bằng các yếu tố, như về thời gian, về sức khỏe, về mọi thứ để công việc và học tập có hiệu quả hơn mà không bị mất sức. Còn riêng với Facebook, hãy biết cân bằng giữa yếu tố thông tin và yếu tố giải trí trên đó. Trong thời gian ôn thi, bạn dành từ 4 đến 5 tiếng một ngày để lên Facebook, nhưng trong thời gian đó, bạn dùng phần lớn vào việc học nhóm, và tìm kiếm thông tin thì chẳng có gì là lãng phí thời gian cả.

  1. Một số đề xuất trong việc quản lý sử dụng mạng xã hội

Facebook ngày nay chính là một kênh thông tin giúp nhà trường nắm bắt tình hình, cũng như suy nghĩ và tâm tư nguyện vọng của sinh viên. Tuy nhiên, biện pháp và mức độ trong việc quản lý sinh viên trên Facebook phải khéo léo để đảm bảo tính riêng tư và quyền tự do của sinh viên.

Xây dựng mạng xã hội cho trường học

Một tài liệu khác được áp dụng cho các giáo viên ở Canada có tên là Facebook Guide for Teachers (Hướng dẫn sử dụng facebook cho giáo viên) cũng cảnh báo các giáo viên quá quen với đường lối giáo dục truyền thống và luôn “dị ứng” với thời đại truyền thông mạng: “Hãy đối diện với một sự thật là những người đến từ cấp mẫu giáo đến sinh viên hiện nay đang ngày càng xã hội hóa việc học hành nhiều hơn”. Vậy tại sao giáo viên không thử gặp gỡ, kết nối họ ngay trên vùng đất của học sinh, sinh viên bằng facebook hay các phương thức học mang tính tương tác? Như vậy giáo viên có thể kết nối tốt với học sinh, cũng như ngầm dạy chúng cách cư xử tốt trên facebook.

- Facebook của nhà trường có thể dùng để trao đổi và kết bạn giữa các thành viên trong trường và trao đổi giữa học sinh và thầy giáo về môn học, bài giảng, thắc mắc,... Mỗi giảng viên có thể là host (chủ) của một nhóm (môn học), trong đó có thảo luận, chia sẻ,... học sinh sẽ là thành viên của nhóm đó. giảng viên tốt nhất không nên trao đổi riêng với sinh viên của mình ở trạng thái cá nhân, cũng như hạn chế không nêu rõ hết thông tin cá nhân của mình. Tham gia thế giới facebook tốt nhất là xây dựng một trang mở, ghi danh thành viên. Luôn để sinh viên của mình đăng ý kiến mà người khác có thể nhìn thấy. Điều đó giúp sinh viên chịu trách nhiệm với những ngôn từ mà họ dùng, cũng như tạo môi trường tương tác tốt hơn.

- Giảng viên hay nhà trường cũng sẽ không thể có đủ thời gian để quản lý hết trang facebook ấy. Vì vậy, tốt nhất nên chia việc cho các sinh viên uy tín, thân cận, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm gương mẫu quan tâm đến các lời bình và nội dung đăng tải... Giúp nhà trường quản lý tốt hơn đến các lời bình hay nội dung đăng tải của trang Facebook.

- Điều quan trọng nhất ở môi trường Facebook riêng trong nhà trường này là khiến sinh viên mở lòng để làm bạn với mình, chứ không phải là kiểm soát và răn đe. Điều này sẽ giúp các thầy cô sử  dụng thăm dò dư luận để rút kinh nghiệm, nâng cao công tác giảng dạy, hỗ trợ sinh viên của mình kịp thời trong mọi tình huống.

* Giáo dục nhân cách và kỹ năng sống, định hướng cho sinh viên sử dụng Facebook hợp lý

Nhà trường nói chung mà cụ thể là đoàn thanh niên cần chú trọng đổi mới phương thức giáo dục lý tưởng và lối sống cho sinh viên. Trong đó đẩy mạnh hơn việc giáo dục thông qua phong trào hành động cụ thể, lấy môi trường thực tiễn để bồi dưỡng, rèn luyện và vun đắp những giá trị tốt đẹp cho thanh niên, sinh viên trở thành người có đạo đức, biết đối nhân xử thế, biết vận dụng các lợi thế từ FB vào học tập, tu dưỡng và rèn luyện:

- Nhà trường có thể phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình trong việc định hướng tuyên truyền cho tầng lớp thanh niên, sinh viên về facebook. Cần để sinh viên có cách hiểu tích cực, hiểu đúng về những lội ích từ các trang facebook cũng như những hạn chế, tích cực của nó đối với cư dân mạng nói chung và học sinh nói riêng. Hướng dẫn cho các em biết được việc đưa các nội dung thông tin cá nhân của bản thân lên facebook dễ bị các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng, tác động về mặt chính trị, tư tưởng, gây hoang mang dao động, mất phương hướng,… làm phát sinh các nguyên nhân và điều kiện gây mất an ninh chính trị, trật tự toàn xã hội…

- Bên cạnh việc làm thường niên như xây dựng các điển hình tiên tiến đạt thành tích cao trong học tập và hoạt động tập thể, cần có hình thức giáo dục phê bình, lên án và kiên quyết xử lý các trường hộp học sinh, sinh viên vi phạm nội dung, quy chế học tập, nội quy và quy định của nhà trường, nhất là việc lợi dụng FB để kích động, tuyên truyền, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường, kêu gọi học sinh biểu tình, tụ tập đông người trái phép; tuyên truyền các tài liệu chống phá Đảng và Nhà nước.

Nếu các biện pháp nêu trên được tiến hành sẽ góp phần giúp cho các em sinh viên nhận thức rõ được phần nào mặt tích cực và tiêu cực của facebook. Mục tiêu của những hoạt động này là tạo cho sinh viên có những hoạt động lành mạnh và bổ ích, nâng cao tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho sinh viên, giúp sinh viên có tư tưởng vững vàng, lý tưởng trong sáng để phấn đấu hoàn thiện bản thân và góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

               Tuyên truyền, giáo dục để sinh viên có lập trường, quan điểm và tư tưởng vững vàng

Sinh viên là những trí thức tương lai của đất nước, không ai khác mà chính bản thân họ là người đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Do đó, họ phải là những công dân am hiểu nhất về những vấn đề chính trị và xã hội, có nhận thức đúng đắn, có lập trường, quan điểm vững vàng.

Trước hết, bản thân mỗi sinh viên phải nâng cao hiểu biết của mình bằng cách học hỏi từ thầy cô và bạn bè. Sự trao đổi kiến thức xã hội và những hiểu biết chuyên ngành từ giảng đường sẽ là nền tảng vững chắc nhất để hình thành một nhận thức đúng đắn về xã hội hiện đại và niềm tin chính trị vững vàng, từ đó có thể đưa ra những nhận định sáng suốt khi gặp những thông tin sai, xấu, thiếu văn hóa hay vi phạm luật pháp. Đó mới là điều cốt lõi tạo nên bản lĩnh cho Sinh viên không bị lôi kéo, cám dỗ bởi những luận điệu nhập nhằng sai trái phản động từ facebook hay rộng hơn là Internet.

Sinh viên cần tích cực tham gia các câu lạc bộ thể thao, văn hóa nghệ thuật để có thêm nhiều môi trường tiếp xúc với bạn bè, cơ hội phát triển bản thân chứ không phải là kết nối với những con người ảo trên mạng hay chìm đắm tỏng các tính nâng giải trí khác của facebook. Thế giới tưởng tượng cũng tốt nhưng phải cân bằng với cuộc sống thực. Chỉ khi lăn vào cuộc sống thực, lớn lên trong thế giới thực con người mới rèn luyện được cách sống, chứ không phải là trong môi trường ảo.

Chính vì thể mà để nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng xử có văn hóa cho sinh viên trên facebook cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, gia đình và chính bản thân sinh viên. Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ sẽ đem lại hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đức Dân (2011), “Đưa ngôn ngữ chat vào từ điển tiếng Việt”,http://.dantri.com.vn
  2. Phạm Đức Dương (2002), Từ Văn hoá đến Văn hoá đọc, Nxb Văn hoá, Hà Nội
  3. TS Nguyễn Minh Hoà (2010), Mạng xã hội ảo – đặc điểm và khuynh hướng, Viện nghiên cứu và phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
  4. S Lê Thị Thanh Tâm (2010), Mạng xã hội ảnh hướng đến lối sống của thanh niên thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu và phát triển thành phố Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thủy
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 LỄ HỘI ĐỀN LÊ XƯA VÀ NAY (22/03/21)
 MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐÌNH LÀNG XỨ THANH (22/08/19)
 LÀNG CỔ ĐÔNG SƠN VÀ NHỮNG VĂN BIA MA NHAI CÒN LẠI (22/08/19)
 HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THÔNG TIN LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG THỜI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0 TẠI THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA (22/08/19)
 NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGÀNH THÔNG TIN HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA , THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP (25/02/19)
 TÌM HIỂU PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC HỘ GIA ĐÌNH NGƯ DÂN XÃ NGHI SƠN, HUYỆN TĨNH GIA, TỈNH THANH HÓA (22/02/19)
 VAI TRÒ CỦA KIỂM HUẤN VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH THỰC TẬP CỦA SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI (22/02/19)
 Di tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Lang Chánh và vấn đề phát huy giá trị trong hoạt động du lịch (11/12/18)
 GIẢI PHÁP NẦNG CAO CHẤT LƯỢNG THỰC HÀNH, THỰC TẬP SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI (29/11/18)
 TÁC ĐỘNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐẾN GIA ĐÌNH Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY (29/11/18)
Hôm nay 1902
Hôm qua 2464
Tuần này 7089
Tháng này 21215
Tất cả 3200437
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn