Nghiên cứu khoa học
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGÀNH THÔNG TIN HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA , THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

Trong thời kỳ hội nhập, việc nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề được quan tâm nhiều trong chiến lược phát triển của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trường Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nói riêng. Vấn đề đào tạo ngành thông tin học của Nhà trường đang còn non trẻ và tồn tại nhiều hạn chế. Việc xem xét toàn diện về chất lượng đào tạo ngành Thông tin học thực sự là một chủ đề cấp bách và đáng được bàn luận. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng chất lượng đào tạo ngành Thông tin học tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, đồng thời đưa ra một số đề xuất mang tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Thông tin tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập.

 

  1. Đặt vấn đề

     Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, thời kỳ hội nhập quốc tế diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nền kinh tế tri thức có tác động đến hầu hết các lĩnh vực và trở thành động lực của sự phát triển đất nước. Trong sự phấn đấu chung để theo kịp sự phát triển của thời đại thì sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng. Giáo dục đại học đã và đang cung cấp cho tương lai những chủ nhân có tri thức cao, có khả năng độc lập, tư duy để làm chủ thực sự. Trong bối cảnh xã hội đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề được quan tâm nhiều trong chiến lược phát triển của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trường Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nói riêng.

     Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa với chức năng và nhiệm vụ đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực “Văn hóa, Thể thao và Du lịch” đã không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng các điều kiện thực tế của xã hội hiện nay. Trong Quy mô đào tạo của Nhà trường, đáng chú ý là ngành Thông tin học, đây là ngành học rất phổ biến tại nhiều nước trên thế giới trong thời đại “nền kinh tế tri thức”. Hướng tới việc xây dựng “xã hội thông tin”, từng bước tạo lập “văn hóa thông tin” trong xã hội và thực hiện chủ trương trong cương lĩnh của Đảng là đào tạo đội ngũ nhân lực ngành Thông tin học có trình độ cao, xây dựng tài nguyên thông tin cho xã hội góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập cùng xu thế phát triển của thời đại .

     Năm 2010, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư số 14/ 2010. TT-BGDDT về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học. Theo Thông tư này mã ngành Thông tin - thư viện trước đây được tách thành hai ngành là : Khoa học thư viện và Thông tin học. Vấn đề đào tạo ngành Thông tin học tại Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa mới có lịch sử 4 năm phát triển. Như vậy, xem xét toàn diện về chất lượng đào tạo ngành thông tin học thực sự là một chủ đề cấp bách và đáng được bàn luận.

 

 

  1. Thực trạng chất lượng đào tạo ngành thông tin học tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

     Giáo dục và đào tạo là một hệ thống lớn, mang tính chất phức tạp. Chất lượng đào tạo được xác định bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố cấu thành của hệ thống như: mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên, phương thức liên kết và hợp tác.

  • Mục tiêu và chương trình đào tạo ngành Thông tin học

     Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, năm học 2013-2014, ngành Thông tin học chính thức được lựa chọn để đưa vào đào tạo trực thuộc Khoa Văn hóa – Thông tin với mục tiêu : Xây dựng chương trình đào tạo ngành Thông tin học mang tính khoa học, hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương thích với trình độ phát triển của khu vực. Để thực hiện mục tiêu đó và xây dựng chương trình đào tạo với chất lượng tốt Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng Khoa học khoa Văn hóa – Thông tin đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực thông tin học trong nước và quốc tế. Chương trình đào tạo ngành Thông tin học được xây dựng trên cơ sở chương trình khung giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cùng với tham khảo các chương trình đồng ngành của các trường đại học trong và ngoài nước. Khung chương trình đào tạo có mục tiêu đào tạo, thời gian đào tạo, quy trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy cụ thể.

- Mục tiêu đào tạo được xác định: Chương trình giáo dục đại học trình độ đại học ngành Thông tin học nhằm đào tạo cử nhân khoa học có trình độ lý luận, kiến thức về khoa học thông tin và kỹ năng tổ chức hoạt động thông tin, đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển hoạt động thông tin trong quá trình hội nhập và phát triển.

- Chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo trình độ Đại học được thiết kế gồm 126 tín chỉ (không kể phần nội dung về Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng (với thời gian đào tạo là 48 tháng).

        Chương trình đào tạo ngành Thông tin học đã đảm bảo tính cập nhật những kiến thức mới, cơ bản, hiện đại và phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường nói riêng và điều kiện của Việt Nam nói chung.

  • Các môn học chuyên ngành đã hướng tới chuẩn hóa nghiệp vụ.

  Môn Thông tin học đại cương đã trang bị học tới kỹ năng nắm bắt thông tin trong xã hội “tri thức‘‘ như: Thông tin về khoa học & công nghệ trên thế giới và Việt Nam; các Thông tin quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội,...

 Môn Biên mục mô tả giúp sinh viên có một cái nhìn tổng thể về thông tin học với những giá trị chuẩn hóa trong từng công việc: mô tả tài liệu theo ISBD và AACR2, biên mục máy đọc được theo MARC21, hệ thống mục lục theo tiêu đề (tiêu đề tác giả, tiêu đề nhan đề, và tiêu đề đề mục)...

  • Nhiều môn học có nội dung ứng dụng Công nghệ thông tin

      Trong những năm đầu thế kỷ 21 sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã làm thay đổi  mọi mặt đời sống xã hỗi, máy tính phổ cập, mạng internet có mặt khắp nơi. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quy trình hoạt động thông tin tư liệu ở các nước. Thực tế đó, đòi hỏi ngành thông tin học phải phát triển, bổ sung những môn học mới phù hợp với hiện tại và tương lai. Nhận thấy sự cần thiết đó, trong chương trình đào tạo ngành Thông tin học tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có sự thay đồi. Bên cạnh, những môn học căn bản về nghiệp vụ Thông tin học thì nhiều môn học có nội dung ứng dụng Công nghệ thông tin được đưa vào chương trình đào tạo như: Cơ sở dữ liệu, Cơ sở công nghệ thông tin;...Mặt khác chương trình đào tạo cũng đã thiết lập 2 chuyên ngành để sinh viên có cơ hội lựa chọn: Chuyên ngành Thông tin học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyên ngành Thông tin học theo hướng thư viện – thông tin. Đây là điểm mới trong chương trình đào tạo của ngành thông tin học trước yêu mới người học trong nước và quốc tế (Lưu học sinh Lào).

       Chương trình đào tạo ngành thông tin học đảm bảo cập nhật những kiến thức mới, cơ bản và hiện đại. Nhiều môn học đã hướng đến rèn luyện kỹ năng thực hành cho sinh viên, phát triển tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên. Chương trình đào tạo ngoài các môn học bắt buộc đã có các môn học tự chọn tạo tính linh hoạt, mềm dẻo trong việc lựa chọn môn học phù hợp với sở thích và nhu cầu của sinh viên. Tuy nhiên, chương trình về các môn học chuyên ngành chưa thiết kế chi tiết đến từng nội dung chủ đề khoa học cùng với các yêu cầu về các yếu tố cần thiết đảm bảo cho nội dung, tiêu chí đánh giá và thước đo mức độ cần đạt được tới từng môn học.

     

  • Đội ngũ giảng viên

      Đội ngũ số cán bộ giảng viên chính thức và kiêm nhiệm tham gia giảng dạy các môn học chuyên ngành về Thông tin học của trường là 19 giảng viên, các giảng viên đều có trình độ thạc sĩ, nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ và một số giảng viên đang là nghiên cứu sinh. Nhìn chung, đội ngũ giảng viên còn rất trẻ, linh hoạt nhạy bén, là điều kiện thuận lợi để các giảng viên nhanh nhạy tiếp thu phương pháp giảng dạy hiện đại và không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ giảng viên theo các môn học và chất lượng chuyên môn của họ đang còn nhiều vấn đề. Đặc biệt đội ngũ giảng viên còn yếu về phương pháp dạy học, ngoại ngữ còn hạn chế và chậm được bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn và công nghệ mới.

  • Hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế

       Nâng cao chất lượng đào tạo ngành thông tin học đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải được tích hợp theo hướng liên kết và mở rộng để trở thành một tổ hợp đào tạo. Nhà trường đã và đang liên kết được với một số cơ sở đào tạo trong nước như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ; Trường Đại học Dân lập Đông Đô; trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bạc Liêu,...hợp tác trong việc tham khảo các khung chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên giảng dạy chuyên đề, đào tạo liên thông .

        Như vậy, xuất phát từ nhu cầu mới của thực tiễn xã hội với nội dung chương trình đào tạo phù hợp; đội ngũ giảng viên trẻ nhiệt huyết; trao đổi, hợp tác với các cơ sở đào tạo cùng chuyên ngành thì ngành Thông tin học xứng đáng là một ngành học mang tính mới và tiềm năng nhằm xây dựng thương hiệu của Trường Đại học Văn  hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng như góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên trong thực tế thì ngành học này đang còn non trẻ, chất lượng đào tạo vẫn chưa cao. Do vậy, Nhà trường cần phát huy hơn nữa nguồn lực và tiềm năng sẵn có bên cạnh những chiến lược phát triển cụ thể đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng thương hiệu là cơ sở đào tạo theo mô hình đại học sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa – Thông tin nói riêng và Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung.

  1. Một số đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo ngành Thông tin học tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

     Trong bài viết này, tác giả xin được đưa ra một số đề xuất mang tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Thông tin học như sau:

3.1. Hoàn thiện và đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn

   Chương trình đào tạo khi được thiết kế cần trả lời các câu hỏi sau: Dạy cái gì? và Dạy như thế nào? Nội dung chương trình đào tạo phải đảm bảo các yêu cầu như: cơ bản, hệ thống, cập nhật và sát với thực tiễn.

- Chương trình đào tạo thiết kế bổ sung thêm các học phần thực hành, thực tập tăng kỹ năng làm việc độc lập và thu thập kinh nghiệm thực tế của sinh viên.

- Chương trình đào tạo cũng phải đáp ứng tính liên tục, kế tiếp và phát triển theo các cấp độ khác nhau: giữa các cấp học và giữa các môn học của ngành học.

  • Đào tạo đội ngũ Giảng viên có uy tín, chất lượng

    Trong mối tương quan giữa chất lượng đào tạo và các điều kiện đảm bảo thì đội ngũ giảng viên là nhân tố quan trọng và quyết định nhất. Để phát triển và kiện toàn đội ngũ giảng viên hiện nay, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Tích cực bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ đối với giảng viên tại chỗ;

- Ngoài việc nghiên cứu, học tập trong nước, Nhà trường cần cử giảng viên đi thực tập, khảo sát thực tế hoạt động Thông tin học ở nước ngoài;

- Mời các chuyên gia giảng dạy trong nước và nước ngoài để bổ trợ trao đổi chuyên môn với giảng viên trẻ.

  • Mở rộng liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế

    Liên kết và mở rộng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo sẽ giúp cho việc hạn chế các yếu kém trong nhà trường hiện nay, phát huy các nguồn lực hiện có, thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng uy tín xã hội đối với nghề Thông tin học. Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà trường cần triển khai các hình thức hợp tác như:

- Trao đổi chương trình đào tạo với các cơ sở đào tạo chuyên ngành Thông tin học, đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình và giữa các môn học trong từng cơ sở đào tạo;

- Biên soạn, hoàn thiện giáo trình, tài liệu tham khảo chuyên ngành, ngành gần; trao đổi tài liệu giảng dạy tạo sự kết nối giữa nhà trường với các cơ sở đào tạo để học hỏi kinh nghiệm.

- Kết hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, thực hiện việc trao đổi giảng viên và sinh viên, thực hiện việc dự gờ chéo giữa các đơn vị.

- Thiết lập và từng bước mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo ngành Thông tin học ở nước ngoài để thực hiện việc đào tạo cán bộ Thông tin với các văn bằng đạt chuẩn quốc tế.

  1. Kết luận

      Nhìn chung, chương trình đào tạo ngành thông tin học tại trường trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đang còn tồn tại nhiều bất cập rất cần nhận được sự quan tâm từ phía lãnh đạo Nhà trường. Những đề xuất mà tác giả đưa ra xuất phát từ thực tế của Nhà trường, với mong muốn các đề xuất này sớm được đưa vào thực hiện và trở nên khả thi. Hy vọng, trong thời gian tới, với sự đồng lòng nổ lực của toàn bộ giảng viên bộ môn cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, chất lượng đào tạo ngành Thông tin học càng được nâng cao, góp phần xây dựng Nhà trường ngày một phát triển vững mạnh, có uy tín.

 

 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Các văn bản chỉ đạo

[1]. Nghị quyết 49-CP (năm 1993) của Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90.

[2]. Quyết định số 01/2005/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc ban hành Bộ chương trình khung giáo dục đại học khối ngành nhân văn trình độ đại học.

[3]. Thông tư số 14/ 2010. TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo về Ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học.

  1. Các tài liệu tham khảo

[4]. Đại học Quốc gia Hà Nội, (2012), “Khoa học và thực tiễn hoạt động Thông tin – Thư viện”, Kỷ yếu hội thảo.

[5]. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, (2011), “Sự nghiệp Thông tin – Thư viện Việt Nam sau 25 đổi mới và hội nhập quốc tế”, Kỷ yếu hội thảo khoa học.

[6]. Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh hóa, (2012), Chương trình đào tạo Đại học ngành Thông tin học.

[7]. Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh hóa, (2012), “Giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Kỷ yếu hội thảo khoa học.

[8]. Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh hóa, (2016), Khung chương trình các ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy theo hệ thống tin chỉ.

[9]. Nguyễn Hữu Hùng (2005), Thông tin từ lý luận tới thực tiễn, Văn hoá – thông tin, Hà Nội.

[10]. Nguyễn Văn Thiên (2011), "đổi mới chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thư viện - thông tin tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, "Tạp chí nghiên cứu văn hóa.

[11]. Trần thị Quý (2001), “Đào tạo cán bộ Thông tin – Thư viện ở Việt Nam – nhu cầu cấp bách trong thời kỳ Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Báo cáo Hội thảo khoa học tại Viện Gorthe .

 

 

 

 

Tác giả: ThS. Tào Ngọc Biên - ThS. Lê Thị Dương
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 TÌM HIỂU PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC HỘ GIA ĐÌNH NGƯ DÂN XÃ NGHI SƠN, HUYỆN TĨNH GIA, TỈNH THANH HÓA (22/02/19)
 VAI TRÒ CỦA KIỂM HUẤN VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH THỰC TẬP CỦA SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI (22/02/19)
 Di tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Lang Chánh và vấn đề phát huy giá trị trong hoạt động du lịch (11/12/18)
 GIẢI PHÁP NẦNG CAO CHẤT LƯỢNG THỰC HÀNH, THỰC TẬP SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI (29/11/18)
 TÁC ĐỘNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐẾN GIA ĐÌNH Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY (29/11/18)
 TIN HỌC HÓA QUY TRÌNH QUẢN LÝ THI (NỘP ĐỀ, RA ĐỀ, TỔ CHỨC THI) TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (29/11/18)
 YẾU TỐ TỘC NGƯỜI TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH THIẾT CHẾ VĂN HÓA TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI THANH HÓA (29/11/18)
 TỤC KẾT CHẠ CỦA LÀNG VĨNH YÊN (29/11/18)
 SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀN DÃ TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA TẠI TRƯỜNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA. (29/11/18)
 NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TẠI BỆNH VIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP (10/10/18)
Hôm nay 3674
Hôm qua 3521
Tuần này 12945
Tháng này 75306
Tất cả 3044089
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn