Nghiên cứu khoa học
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA Ở VIỆT NAM

Gia đình là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, văn hóa và ngay cả bản sắc văn hóa của một quốc gia, dân tộc không phải là một mô hình bất biến. Ngày nay, trước những tác động lớn lao của quá trình hội nhập quốc tế đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình Việt Nam đã có nhiều biến đổi từ hình thái, vai trò đến cách thức tổ chức đời sống. Gia đình đa văn tuy chưa trở thành một hiện tượng phổ biến nhưng rất cần quan tâm nghiên cứu trong bối cảnh hiện nay. Trích: Tập san Thông tin khoa học, số 7 (6/2014), trường Đại học VHTT và DL Thanh Hóa

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA Ở VIỆT NAM

 

ThS. Nguyễn Thùy Dương*

 

Gia đình là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, văn hóa và ngay cả bản sắc văn hóa của một quốc gia, dân tộc không phải là một mô hình bất biến. Ngày nay, trước những tác động lớn lao của quá trình hội nhập quốc tế đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình Việt Nam đã có nhiều biến đổi từ hình thái, vai trò đến cách thức tổ chức đời sống. Gia đình đa văn tuy chưa trở thành một hiện tượng phổ biến nhưng rất cần quan tâm nghiên cứu trong bối cảnh hiện nay. 

 

Trong Hội nghị liên Chính phủ về các chính sách văn hóa tại Venise ở nước Italy năm 1970, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, ông E.Mayor đã đưa ra một khái niệm về văn hóa, vừa mang tính khái quát vừa mang tính đặc thù, được cộng đồng quốc tế công nhận, đó là: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”. Văn hóa gia đình – một bộ phận không tách rời của văn hóa chung cũng sẽ bao gồm tất cả những gì làm cho gia đình của một cộng đồng này, dân tộc này khác với gia đình của các cộng đồng, dân tộc khác.

Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, các cộng đồng người không cô lập với nhau, mà luôn diễn ra quá trình giao lưu, tiếp xúc. Trong văn hóa học, người ta vẫn thường nhắc đến quy luật thích ứng và biến đổi hay còn gọi là quá trình tiếp biến văn hóa. Đây là quy luật của bất kỳ nền văn hóa nào để tồn tại và phát triển. Và đó cũng là tính tương đối của văn hóa.

Văn hóa Việt Nam trong quá trình vận động và phát triển đã trải qua nhiều lần  giao lưu, tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, trong đó có ba lần tiếp xúc quan trọng dẫn tới sự biến đổi về mô hình văn hóa: tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa và văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, sự tiếp xúc đó không làm mất bản sắc văn hóa dân tộc mà văn hóa Việt Nam luôn được đổi mới trên cở sở  tự chủ ở mọi bình diện, chọn lọc tiếp thu những tinh hóa văn hóa nước ngoài. Người Việt và các dân tộc đã bản địa hóa mô hình văn hóa Hán và cả văn hóa Ấn Độ theo tâm thức của mình. Nhà nước Đại Việt sau này cũng đã tích hợp trong lòng nó các nền văn hóa chịu ảnh hưởng Ấn Độ: văn hóa Phù Nam, văn hóa Champa. Người Việt tiếp thu mô hình tổ chức xã hội của Trung Hoa nhưng trong lòng dân tộc vẫn bảo lưu cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, dẫn tới xây dựng một quốc gia dân tộc có nền văn hóa khu biệt với văn hóa Hán (Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng Văn hiến đã lâu/Sơn hà cương vực đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác…- Nguyễn Trãi). Còn quá trình giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã trở thành cơ hội để hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, văn hóa nước ngoài đã và đang xâm nhập một cách ồ ạt vào Việt Nam. Chủ thể đón nhận những làn sóng văn hóa ngoại nhập một cách hồ hởi nhất chủ yếu là tầng lớp trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Những yếu tố văn hóa nước ngoài đã làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa nước nhà, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại. Cũng từ đó, hiện tượng đa văn hóa đã xuất hiện khi có sự giao lưu và tiếp biến giữa các nền văn hóa với nhau. Gia đình đa văn hóa hay quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là một tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế ở khắp các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức đặt ra để phát triển dân tộc, phát triển giống nòi và nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam trong quá trình tiếp thu, chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài giai đoạn hiện nay.

Đã có nhiều quan điểm khác nhau về gia đình đa văn hóa ở Việt Nam, tuy nhiên trong bài viết này, khái niệm “gia đình đa văn hóa” được người viết sử dụng để chỉ một trong số những gia đình sau: Công dân Việt Nam kết hôn với một người nước ngoài và chung sống với nhau dưới một mái nhà; Gia đình được cấu thành nên từ những người nước ngoài được nhận quốc tịch Việt Nam.

Gia đình đa văn hóa là một sự biến đổi của hình thái gia đình cá thể. Kiểu gia đình này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển ở châu Âu như Mỹ, Đức, Anh hay gần đây là một số nước Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Theo số liệu mới nhất, trong vòng năm năm, tính đến hết năm 2011, số trẻ em thuộc các gia đình đa văn hóa ở “xứ sở kim chi” đã tăng 3,4% lên 151.154 em. Dự kiến, số trẻ em thuộc diện trên sẽ tăng thêm 1% ở bậc tiểu học và trung học cơ sở vào năm 2014.[1] Sự tồn tại phổ biến của gia đình đa văn hóa tại các quốc gia này do có số lượng người nhập cư và tình trạng nhập khẩu lao động ngày càng nhiều.

Hình thái gia đình đa văn hóa xuất hiện manh nha từ lâu trong xã hội Việt Nam, nhưng đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà hầu hết do chiến tranh loạn lạc. Trong xã hội cũ hiện tượng con lai hay hôn nhân có yếu tố nước ngoài thường bị lên án và ngăn chặn bởi trong quan niệm của thời bấy giờ “con lai” là “lạc loài”, là “mất gốc”. Tuy nhiên, gần đây do quá trình giao lưu và hội nhập hiện tượng gia đình đa văn hóa hay hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng. Hình thái gia đình này hiện nay ở Việt Nam chưa có một con số thống kê cụ thể nhưng nó đã, đang gây nhiều tranh cãi và trở thành một trong những hướng nghiên cứu mới của các chuyên gia về văn hóa và gia đình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện gia đình đa văn hóa hay hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Vài năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập và giao lưu kinh tế - văn hóa, cơ cấu  người nước ngoài ở Việt Nam có những chuyển động và phát triển mới. Số người nước ngoài ở Việt Nam tăng cao dưới nhiều hình thức: đoàn tụ gia đình, đi học, làm ăn kinh doanh, lao động xuất khẩu theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoặc theo hiệp định hợp tác lao động giữa các nước với Việt Nam. Hoặc có rất nhiều người nước ngoài sau khi đến Việt Nam đã quyết định ở lại làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Theo tài liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay đã có khoảng 78 ngàn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó lao động đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm đến 60%, lao động đến từ các nước phương Tây chiếm khoảng gần 29% và các nước khác khoảng gần 13%. Số lượng này hiện đang chiếm giữ những công việc có vị trí và thu nhập cao ở các thành phố lớn. Trong một vài năm tới, xu hướng người nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam lập nghiệp và làm việc sẽ nhiều hơn. Cũng từ đó, số gia đình người nước ngoài ở Việt Nam sẽ tăng cao.

Thêm vào đó, sự ra đời và tồn tại của các công ty môi giới hôn nhân ngày càng nhiều, cộng với một số cô gái ở những vùng quê nghèo nhưng lại ấp ủ một giấc mơ đổi đời, lấy được chồng người nước ngoài giàu có, dẫn đến hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài ngày càng gia tăng. Hoặc một bộ phận nam nữ Việt Nam có tâm lý ưa chuộng vợ hoặc chồng ngoại quốc. Một số phụ nữ cho rằng người đàn ông nước ngoài, đặc biệt là đàn ông phương Tây rất coi trọng vị trí của người phụ nữ trong gia đình nên đã tìm đến người đàn ông ngoại quốc làm bến đỗ của cuộc đời.... Bên cạnh những cuộc hôn nhân hạnh phúc được coi là những điểm sáng trong bức tranh thì rất nhiều những cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề và nghiêm trọng.

Sự ra đời và phát triển của gia đình đa văn hóa phản ánh sự thay đổi sâu sắc và mạnh mẽ trong lòng xã hội Việt Nam. Đồng thời, nó đã tác động không nhỏ đến văn hóa gia đình Việt Nam.

Hầu hết các nhà nghiên cứu, phân tích đều nhất trí cho rằng, nhân tố căn bản tạo nên mối bất hòa, sự căng thẳng và di hại đến thế hệ thứ hai trong gia đình đa văn hóa là rào cản ngôn ngữ và văn hóa.

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp, thiếu công cụ giao tiếp thì khoảng cách giữa con người với con người tuy gần mà xa. Khi những người nước ngoài đến Việt Nam, đối mặt với những khác biệt về văn hóa và lối sống, những chuyển đổi về môi trường, kinh tế, giáo dục, ngôn ngữ cũng như nhận thức và tình cảm, họ gặp khá nhiều khó khăn để thích ứng với hoàn cảnh sống mới. Nhiều thách thức nảy sinh trong quan hệ hôn nhân của người nước ngoài ở Việt Nam như: Sự tiếp biến văn hóa diễn ra trong các thế hệ gia đình và cộng đồng; mối quan hệ giữa gia đình thông gia và gia đình mở rộng; vấn đề giao tiếp và chất lượng mối quan hệ trong hôn nhân; nuôi dưỡng con cái...

Đặc biệt, đối với những cô gái nước ngoài làm dâu ở Việt Nam thì vấn đề khác biệt ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán là vấn đề đáng bàn nhất. Hạn chế về ngôn ngữ  khiến phụ nữ nước ngoài ở Việt Nam gặp khó khăn trong nuôi dạy con cái, thậm chí trong gia đình dẫn tới xung đột văn hóa. Từ chỗ “ông nói gà, bà nói vịt” dẫn đến nhiều mâu thuẫn không đáng có trong gia đình nhà chồng nói chung cũng như quan hệ vợ chồng nói riêng. Thực tiễn đời sống của nhiều đôi vợ chồng đa văn hóa cho thấy, do thiếu công cụ giao tiếp đã  nhanh chóng xuất hiện những đối kháng dẫn đến những cuộc chia ly vội vã.

Cơ hội học tập của trẻ trong gia đình đa văn hóa ở Việt Nam có những hạn chế nhất định. Việc hòa nhập vào hệ thống giáo dục nước sở tại là khó khăn. Hạn chế về ngôn ngữ khiến khả năng tiếp thu kiến thức không theo kịp các bạn, gốc gác “đa chủng tộc” hay “ngoại lai” cũng khiến cơ hội giao tiếp của các em trở nên hạn chế. Nếu các em học tập tại các trường chuyên biệt thì cơ hội giao lưu với người bản địa ngày càng sẽ bị thu hẹp. Tuy không phải tất cả con trẻ đều có sự mặc cảm về nguồn gốc “con lai”, “con bản xứ” nhưng vốn sinh ra trong một gia đình đa văn hóa vô hình trung đã tạo một bức tường vô hình khi hòa nhập với xã hội nước sở tại, đặc biệt đối với những quốc gia vốn coi trọng sự đồng nhất về sắc dân như Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, hiện tượng gia đình đa văn hóa ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh, khiến nhiều người cho rằng nó đã trở thành mối đe dọa đến tính thuần chủng của dân tộc. Gần đây, ở Việt Nam dù đã có cái nhìn thiện cảm hơn với những trẻ em sinh ra trong gia đình đa văn hóa nhưng sự kỳ thị vẫn chưa thể xóa bỏ.

          Mặt khác, sự xuất hiện các gia đình nước ngoài ở Việt Nam những năm gần đây mang theo luồng văn hóa bản địa vào Việt Nam ở góc độ nào đó đã làm thay đổi diện mạo văn hóa nước nhà. Văn hóa phương Tây vốn đề cao tư tưởng tự do phát triển cá nhân. Nhưng mặt trái của nó là lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ dẫn tới quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình. Điều này đã tác động không nhỏ tới văn hóa gia đình Việt Nam. Trong khi đó, chủ thể đón nhận những làn sóng văn hóa ngoại nhập chủ yếu là thế hệ trẻ - những chủ nhân gia đình tương lai. Vì vậy, có rất nhiều thách thức đặt ra cho văn hóa gia đình Việt Nam trong quá trình tiếp thu, chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài.

Thiết nghĩ, trong xu thế hội nhập phát triển và toàn cầu hóa, sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau thì sự phát triển của gia đình đa văn hóa ở Việt Nam sẽ là một hiện tượng tất yếu của sự phát triển trong xã hội và điều này cũng sẽ đem đến cho Việt Nam những lợi ích nhất định. Những yếu tố văn hóa nước ngoài đã làm cho nền văn hóa nước nhà thêm đa dạng, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại. Chẳng thế mà các bà mẹ Việt vẫn truyền tai nhau về phương pháp chăm con của người mẹ Nhật, phương pháp dạy con của người mẹ Pháp… Việc giao thoa với các nền văn hóa khác nhau sẽ làm phong phú hơn đời sống của người Việt Nam, mang đến sự cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, sẽ là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia trên thế giới ở mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… Mặt khác, dù xã hội vẫn còn tồn tại những cái nhìn không mấy thiện cảm về những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhưng cũng không thể phủ nhận được vai trò của họ trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế qua những câu chuyện trao đổi với cư dân bản địa, qua những món ăn đậm chất Việt Nam. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là phải làm sao để cho các gia đình đa văn hóa thực sự có vai trò tích cực, để họ sẽ là nhân tố quan trọng xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của Việt Nam cũng như sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.  

Một trong những yếu tố lưu giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc một cách lâu dài nhất chính là duy trì tiếng Việt, gìn giữ sao cho tiếng Việt không bị mai một qua các thế hệ. Với thế hệ những đứa con được sinh ra trong gia đình có yếu tố nước ngoài, sợi dây gắn bó với đất nước đã lỏng dần, và việc thế hệ F1 này có còn nhiều chất Việt hay không phụ thuộc phần lớn vào cách giáo dục trong gia đình. Trong gia đình, các bậc phụ huynh dạy con học tiếng Việt, nói với nhau bằng tiếng Việt, những người mẹ ru con bằng những bài ca dao quen thuộc. Tiếng nói thôi vẫn chưa đủ, các bài học tiếng Việt luôn khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người con gốc Việt sau này khi đã trưởng thành đều biết đường tìm về nguồn cội. Gìn giữ và dạy tiếng Việt cho con trẻ trong gia đình đa văn hóa ở Việt Nam là cách lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam lâu dài và bền vững nhất.

Cần phải xây dựng một cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho những gia đình đa văn hóa ở Việt Nam, phải ngăn chặn được những hiện tượng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, không được sự đồng ý của đôi bên hoặc có yếu tố lừa đảo trong việc môi giới kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài nhằm mục đích trục lợi. Việc hình thành những trung tâm tư vấn, những nơi hướng dẫn về văn hóa cộng đồng cũng như những nơi dạy ngôn ngữ ở Việt Nam là điều vô cùng cần thiết, giúp cho những gia đình đa văn hóa ở Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống cũng như văn hóa và phong tục tập quán ở Việt Nam. Giữa các quốc gia cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của các gia đình đa văn hóa. Mục tiêu của chúng ta là nhằm hỗ trợ cho các gia đình đa văn hóa phát triển, đoàn kết vững mạnh, con cái được học hành, thành đạt để đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia. Có thể lấy ví dụ điển hình như ở Hàn Quốc, một quốc gia có số lượng gia đình đa văn hóa khá cao. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những chính phủ có nhiều chính sách chú trọng hỗ trợ các gia đình đa văn hóa. Đặc biệt, Hàn Quốc tích cực đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ về giáo dục cho con em gia đình đa văn hóa. Trong đó, chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em được thực hiện dưới tên gọi "Lớp học hai ngôn ngữ"[2]. Chương trình này bước đầu được áp dụng với trẻ em bậc tiểu học trong các gia đình có bố là người Hàn, mẹ là người Việt. Các giáo viên dạy tiếng Việt, phần lớn là du học sinh, sinh viên của các trường đại học tại Hàn Quốc, họ đến tận nhà tư vấn, hỗ trợ và dạy tiếng Việt cho các con em người Việt. Hoặc chương trình cũng có thể được tổ chức dưới dạng các lớp học cuối tuần với các hoạt động học văn hóa, tham quan dã ngoại, tập hát, tập múa... Từ đó nâng cao hiểu biết cho các con em người Việt về Việt Nam và giúp các em ngày càng trở nên mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống. Thiết nghĩ, đây là một mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Để Việt Nam có thể hội nhập trở thành xã hội đa văn hóa tiên tiến, những nhà hoạch định chính sách cũng cần những đường lối và định hướng để toàn xã hội có một nhận thức tích cực về các gia đình đa văn hóa ở Việt Nam. Cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tiếp thu văn hóa nước ngoài là điều cần thiết, song chúng ta phải chủ động hội nhập, chắt lọc tinh hoa văn hóa bên ngoài để làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc. Ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng của văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là vô cùng cần thiết.

Gia đình Việt Nam đã và đang biến đổi dưới sự tác động của những biến đổi về kinh tế, xã hội và giao lưu văn hóa toàn cầu. Sự biến đổi đó không tách rời hoàn toàn với những đặc trưng của gia đình truyền thống mà là sự điều chỉnh, thích nghi với những hoàn cảnh và điều kiện xã hội mới. Thực tế, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và phải lựa chọn cho mình một khuôn mẫu phù hợp, trong đó có sự cân bằng giữa việc bảo lưu những yếu tố truyền thống bền vững với những thay đổi không ngừng của xã hội hiện đại. Với khả năng thích ứng cao trên nền tảng văn hóa truyền thống, gia đình Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng gìn giữ được những nét bản sắc đặc trưng của nó ngay trong điều kiện phát triển của thế giới hiện đại.

N.T.D

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Đỗ Ngọc Anh, Xây dựng gia đình gắn với phát triển kinh tế, Tạp chí VHNT, số 358, tháng 4 - 2014.

[2]. Trần Cao Ngọc Bội, Tác động của chính sách đa văn hóa Úc đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa thổ dân Úc hiện nay. Tạp chí Phát triển KH&CN tập 13, số XI, 2010.

[3]. Bùi Bạch Đằng, Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Tạp chí VHNT, số 357, tháng 3 - 2014.

[4]. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp.HCM.

[5]. Nguyễn Thị Thúy (2012), Pháp luật về môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài, Luận văn Thạc sĩ ngành Luật Quốc tế.

[6]. Hoàng Bá Thịnh, Hôn nhân Việt Nam - Hàn Quốc: Những khía cạnh văn hóa xã hội, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 09/2008.

[7]. Nguyễn Thu Trang - Ngô Thị Thanh Mai, Hôn hân môi giới Việt - Hàn và những vấn đề xã hội, Tạp chí VHNT số 353, tháng 11 - 2013.

 

 

 

 

*  Phòng Quản lý Khoa học

[1]http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-chu-trong-ho-tro-cac-gia-dinh-da-van-hoa/197266.vnp

 

[2] http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_askme_detail.htm?No=

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 TÁI HÔN Ở NGƯỜI GIÀ  (17/09/18)
 HIỆN TƯỢNG GIA ĐÌNH ĐƠN THÂN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY (17/09/18)
 Sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2017 - 2018 (15/05/18)
 HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2017-2018 (06/05/18)
 Khoa Văn hóa - Thông tin nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm học 2017 – 2018 (02/04/18)
 Thông báo về nghiệm thu đề tài NCKH của sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin năm học 2017 – 2018 (30/03/18)
 Giới thiệu Tạp chí Khoa học Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa  (20/07/17)
 Sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2016 - 2017 (22/05/17)
 HỘI NGHỊ NGHIỆM THU, ĐÁNH GIÁ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA THÔNG TIN NĂM HỌC 2016 - 2017 (22/03/17)
 Thông báo về Lịch kiểm tra tiến độ đề tài NCKH của sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin năm học 2016 – 2017 (02/03/17)
Hôm nay 2312
Hôm qua 3254
Tuần này 17864
Tháng này 117902
Tất cả 3173016
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn