Tin tức - Sự kiện
THÀNH NHÀ HỒ - TRUYỀN THUYẾT, KIẾN THỨC VÀ NGHỆ THUẬT

Nói Đến Thanh Hóa, người ta sẽ nghĩ ngay đến thành nhà Hồ vì nơi đây từng là kinh đô của nhà nước Đại Ngu được trị vì bởi Hồ Quý Ly. Thành nhà Hồ nổi tiếng vì lối kiến trúc độc nhất vô nhị, bề thế và vững chắc nhất thời ấy.


                 

THÀNH NHÀ HỒ

TRUYỀN THUYẾT VÀ KIẾN TRÚC, NGHỆ THUẬT

 

                                                                      Lê Thị Thảo[1] – Nguyễn Văn Long[2]

 

Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành An Tôn, thành Tây Đô, thành phủ Thanh Hóa, Tây Kinh, thành Tây Giai, Thạch Thành) nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tuy tồn tại với tư cách là một kinh thành không lâu (9 năm) nhưng Thành Nhà Hồ lại chứa đựng giá trị lịch sử tiêu biểu của thời đại và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 27 tháng 6 năm 2011, Ủy ban Di sản Thế giới, UNESCO đã chính thức quyết định đưa Thành Nhà Hồ vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.

  1. Việc xây dựng Thành Nhà Hồ

Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, việc xây thành hay dời đô đều hết sức hệ trọng, gắn liền với vận mệnh quốc gia (để phát triển đất nước hay đối phó với họa ngoại xâm). Sự ra đời Thành Cổ Loa, Hoa Lư hay kinh thành Thăng Long đều gắn với vai trò quyết định của các vị vua, chỉ riêng Thành Nhà Hồ lại gắn với Hồ Quý Ly lúc chưa lên ngôi. Dời đô có thể coi là một trong những cải cách táo bạo và quyết liệt nhất của Hồ Quý Ly.

Chọn đất Thanh Hóa để dựng kinh đô mới có lẽ gắn với nhiều suy tính, nhưng chắc chắn nằm trong tầm nhìn chiến lược phòng thủ đất nước của Hồ Quý Ly trước ý đồ xâm lược của quân Minh lúc bấy giờ đã lộ rõ. Bởi "nói về mặt đô hội thì Thanh Hóa không rộng rãi bằng Thăng Long, mà nói về mặt hình thể thì Thăng Long không hiểm cố bằng Thanh Hóa. Cho nên lập đô dựng nước ngoài Thăng Long ra có lẽ không đâu hợp hơn Thanh Hóa[1]".

Thành Nhà Hồ tọa lạc ở một khu đất bằng phẳng, được che chắn kỹ càng một cách tự nhiên bởi dãy núi trùng điệp ở phía Bắc, hai dòng sông Mã và sông Bưởi bao bọc hai mặt Đông, Tây. Thành lại nằm bên cạnh đường thượng đạo ở miền Tây Thanh Hóa. Địa thế này tránh được thế trống trải khó phòng thủ, lại thuận tiện giao thông thủy bộ ngược – xuôi và ra Bắc, vào Nam. Vì vậy, vùng đất An Tôn vừa hiểm yếu, vừa có điều kiện phát triển và mở rộng kinh thành. Về phong thủy, có núi Tượng Sơn ở phía Bắc làm hậu chẩm, núi Đốn Sơn ở phía Nam làm tiền án, hai ngọn Hắc Khuyển ở phía Đông và An Tôn ở phía Tây tạo thành thế tay ngai, sông Mã và sông Bưởi vây quanh, hợp lưu ở ngã ba Cầu Công tạo nên thế thủy tụ thành minh đường[2].

Ảnh 1: Các dấu tích kiến trúc tại đàn tế Nam Giao, khai quật 2009

Ý đồ chuyển đô về Thanh Hóa chắc chắn đã được Hồ Quý Ly tính toán từ sớm và hết sức chu đáo. Câu nói của Hồ Quý Ly về việc xây dựng kinh đô mới “Chí ta đã quyết từ trước”[3] đã chứng minh cho điều đó, đồng thời cũng thể hiện sự quyết tâm dời đô, bất chấp sự ngăn cản của nhiều triều thần.

Cổng Nam thành nhà Hồ

Ảnh 2. Cổng Nam thành nhà Hồ

Việc xây dựng thành được tiến hành một cách gấp rút. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Đinh Sửu (Quang Thái) năm thứ mười (1397)… Mùa xuân, tháng Giêng sai lại bộ thượng thư kiêm thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn Xã Tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất”[4]. Theo tư liệu này, Thành Nhà Hồ được xây dựng chỉ trong 3 tháng. Có nhà nghiên cứu khi phân tích sự đồ sộ của tòa thành với kỹ thuật của thế kỷ XIV, cùng việc tìm hiểu thêm sử liệu, cho rằng công trình ít nhất được triển khai từ cuối năm 1396, đến 15 tháng 3 năm 1398 tổ chức lễ khánh thành xác định quá trình hoàn tất tòa thành. Như vậy, tòa thành được xây dựng ít nhất trong một năm rưỡi. Thời gian sau đó còn tiến hành một số công việc như: xây dựng La thành (1399), gia cố mặt thành xây gạch lên trên (1401), xây đàn Nam Giao (1402)…[5] Dù 3 tháng hay một năm rưỡi đều là khoảng thời gian kỳ tích để xây dựng một tòa thành đá kiên cố, to lớn như Thành Nhà Hồ.

Ảnh 3. Rồng đá thành nhà Hồ

Chính bởi sự quyết tâm, gấp gáp nên Hồ Quý Ly đích thân là vị tổng chỉ huy, trực tiếp giám sát mọi công việc đến khi hoàn thiện công trình.

Ảnh 4. Tường thành phía Bắc

Sự khẩn trương trong việc xây dựng thành còn lưu lại trong nhiều truyền thuyết dân gian. Người dân trong vùng còn kể rằng, cứ sau một ngày, người ta nhặt được hàng rổ ngón chân, ngón tay người xây thành do mệt mỏi, gấp gáp mà gặp tai nạn. Đoạn hào thành thông ra sông Mã được Hồ Quý Ly ra lệnh buộc phải hoàn tất trong một đêm. Do làm trong đêm, lại vội vàng nên đoạn này đã bị đào lệch về phía Bắc khoảng 800m (đoạn đào nhầm gọi là Mau Rẹ). Hồ Quý Ly rất tức giận đã ra lệnh chém tất cả những người đào nhầm đoạn hào đó.

Việc xây thành còn gắn với câu chuyện bi thương: nàng Bình Khương là vợ của Cống Sinh (Trần Công Sỹ), quan đốc công trông coi việc xây đoạn tường thành phía Đông. Do nền móng yếu, đoạn thành gần cửa Đông cứ xây xong được vài đêm lại sụp đổ. Biết chuyện, Hồ Quý Ly rất tức giận và cho rằng Cống Sinh có ý làm phản nên ra lệnh chôn sống Cống Sinh dưới chân thành để thị uy quân sĩ. Trước cái chết oan khuất của chồng, nàng Bình Khương tìm đến công trường xây thành kêu oan, rồi nàng đập đầu vào tảng đá xây thành cho đến chết. Tảng đá nàng Bình Khương đập đầu in rõ hình vầng trán và hai bàn tay của nàng hiện được đưa vào thờ tại ngôi đền phía Đông thành.

Ảnh 5. Tường thành phía Đông

Dân làng Đông Môn cũng bị phạt bằng cách tịch thu hết lương thực, trâu bò, lợn, gà trong làng làm thức ăn cho quân lính xây thành. Sắp Tết, không còn gì ăn, dân làng đành ra đồng đào chuột về giết thịt để ăn Tết. Về sau thành lệ, đến giáp Tết, người dân Đông Môn lại ra đồng đào chuột về ăn để tưởng nhớ về sự gian khổ khi xưa.

Ảnh 6. Rồng đá

Có lẽ Hồ Quý Ly đã dùng mọi biện pháp, kể cả cưỡng chế để có đủ nhân tài, vật lực cho việc xây thành trong một thời gian ngắn ngủi. Nhiều dòng họ ở khu vực An Tôn cho biết tổ tiên họ ở nơi khác đến xây dựng thành Nhà Hồ rồi ở lại lập nghiệp nơi đây. Rất có thể tù binh Chăm đã được sử dụng một cách triệt để. Thợ thủ công khắp nơi được trưng tập. Vùng An Hoạch (TP. Thanh Hóa) – nơi có nhiều thợ đá tài hoa được trưng dụng để xây thành Nhà Hồ, hiện vẫn còn lưu truyền câu ca dao:

Mồng một anh hát với cồ,

Mồng hai anh lại thành Hồ anh xây,

Mồng ba anh hát ở đây,

Mồng bốn anh lại đi xây thành Hồ...

Sự vĩ đại và thời gian xây dựng nhanh chóng của tòa thành khiến người ta không lý giải được, có khi viện đến những thế lực siêu nhiên. Một câu chuyện dân gian địa phương còn lưu truyền: thủa đó Hồ Quý Ly đã bắt dân nộp giấy bản để xây thành. Ban ngày thấy có đoạn thành dán bằng giấy, qua đêm, giấy đã biến thành đá, như thể họ Hồ đã dùng phép thuật để xây thành.

  1. Kiến trúc và nghệ thuật.

Khu vực được công nhận là Di sản văn hóa thế giới bao gồm ba thành phần chính: Hoàng thành, Đàn tế Nam giao và một phần của La thành.

2.1. Hoàng thành

Tòa Hoàng thành bằng đá kỳ vĩ là hạng mục chính tạo nên giá trị toàn cầu của Thành Nhà Hồ. Thành có bình đồ gần vuông, mặt chính quay về hướng Nam chếch Đông. Hai tường thành phía Nam và phía Bắc dài 877,1m và 877m, hai tường thành phía Đông và phía Tây dài 879,3m và 880m. Thành có chu vi 3.513,4m và diện tích 769.086m2[6].

Từ hiện trạng còn gần như nguyên vẹn của tòa thành và các kết quả nghiên cứu khảo cổ học trong những năm gần đây, bước đầu có thể xác định được những thành phần kiến trúc cơ bản của Hoàng Thành gồm: Tường thành, cổng thành, hào thành, dấu tích các hồ nước và kiến trúc bên trong.

- Tường thành và cổng thành

Trải qua 6 thế kỷ, các bức tường thành đã bị hủy hoại khá nhiều. Tuy nhiên, một số đoạn tường thành vẫn còn cao trung bình từ 5m đến 6m, có nơi cao tới 10m (Cửa Nam). Mặt thành còn rộng chừng 4 - 5m, thoải dần vào phía trong. Ở tường thành phía Đông, có điểm dày tới 21,365m.

Từ bên ngoài, có thể thấy toàn bộ tường thành được xây bằng các khối đá khổng lồ hình chữ nhật, xếp không trùng mạch theo hình chữ Công (I). Trên thực tế, tường thành được cấu tạo bởi ba lớp gắn kết chặt chẽ với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt:

- Lớp ngoài: tường thành được xây dựng bằng “những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách tài tình[7]. Các khối đá vuông thành sắc cạnh có kích thước trung bình 2,2 x 1,5 x 1,2m, có khối đá lớn kích thước tới  4,2 x 1,7 x 1,5m. Đặc biệt ở thành phía Tây có khối đá kích thước 5,1 x 1 x 1,2m, nặng tới 26,7 tấn[8]. Nhìn từ mặt ngoài, các khối đá được đặt chồng khít lên nhau theo phương thẳng đứng, hơi thu nhỏ phía trên kiểu “thượng thu, hạ thách”. Ở mặt bên trong, đá được chèn nối tiếp kiểu “nanh sấu”, ăn sâu vào trong lõi tường tới khoảng 4m. Đá dăm trộn chất kết dính được đổ đầy vào các khoảng trống của những khối đá này. Với kĩ thuật đa dạng như vậy, các khối đá liên kết với nhau rất chắc chắn theo chiều ngang và chiều dọc, giữa lớp trong và lớp ngoài bằng khớp, giữa lớp trên với lớp dưới bằng sức nặng.

- Lớp giữa (lõi tường) được đắp bằng đá mồ côi (các khối đá rời tự nhiên), chèn ốp bên trong theo từng lớp đá bên ngoài

- Lớp trong là lũy đất đắp bằng đất sét trộn cát sỏi, nện kỹ từng lớp, có độ dốc thoải dần vào phía trong thành. Cứ dày khoảng 60cm - 70cm lại có một lớp cát mỏng trộn với sỏi.

Dù hiện nay không còn, nhưng tư liệu lịch sử cho biết thành Tây Đô được xây dựng "trên bằng gạch, dưới bằng đá"[9]. Nhiều nhà dân trong vùng hiện vẫn còn nhiều viên gạch hình khối chữ nhật to lớn lấy từ Thành Nhà Hồ. Các nhà khoa học cho rằng, có thể có những ụ bắn bằng gạch được xây trên tường thành. Tác giả Nguyễn Thị Thúy (Thanh Hóa) khi nghiên cứu địa bạ xã Tây Nhai đã lưu ý về địa danh "xứ Xạ Đôi" ở ngay giáp góc phía Tây thành. Địa danh này có thể gợi ra vị trí và hình ảnh của một gò bắn, nơi phòng vệ và luyện tập quân sự trong cấu trúc Thành Nhà Hồ (cũng giống như Xạ Đôi trong khu Giảng Võ ở phía Tây thành Thăng Long)[10].

Thành Nhà Hồ có 4 cửa: Cửa Nam, Cửa Bắc, Cửa Đông và Cửa Tây. Các cửa phía Bắc, Tây, Đông chỉ có một lối vào, riêng cửa Nam là cửa chính, được xây dựng lớn nhất, có 3 lối vào, dài 34,85m, dầy 15m, vòm giữa cao 8,5m, rộng 5,850m hai vòm bên cao 7,8m, rộng 5,455 và 5,470m. Các cổng thành đều được xây theo kiểu vòm cuốn, với kỹ thuật xếp các khối đó hình múi bưởi khổng lồ được gia công phẳng phiu, mạch đá xếp xít xao, chồng xếp lên đến độ cao hàng chục mét, vừa vững bền lại đầy tính nghệ thuật. Mỗi cổng đều có dấu vết của cửa gỗ với hai cánh mở vào bên trong. Trên mặt cổng Bắc và cổng Nam vẫn còn các lỗ chân cột, là dấu tích của các vọng lâu thời xưa. Ngoài ra còn có hệ thống lỗ chốt cắm lan can và rãnh thoát nước. 

- Hào thành và hệ thống đường đi

Bao quanh các bức tường thành đồ sộ là hệ thống hào thành, như thường thấy ở các tòa thành Đông Á. Lưu Công Đạo (thế kỉ XIX) mô tả hào thành của Thành Nhà Hồ như sau: “Hệ thống hào còn được gọi là trì, trì rộng 36 tầm, bốn cửa đều có cầu đá vào thành”[11]. Ngoài chức năng phòng vệ, đất đào hào được dùng để đắp tường thành, hào có tác dụng giao thông đường thủy và tiêu thoát nước cho kinh thành. Ở phía Bắc, hào thành được thông ra sông Mã, nơi đây vẫn còn địa danh Bến Ngự. Ngày nay, nhiều phần của hào thành đã bị lấp cạn. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận thấy rất rõ dấu tích của hào thành ở phía Bắc, phía Đông và một nửa phía Nam (đầu phía Đông) của thành. 

Theo các tài liệu sử học, các đường phố đã được bố trí quy củ cho việc đi lại trong thành. Lịch triều hiến chương loại chí (thế kỷ XIX) miêu tả: “đường đi lối ngang lối dọc đều được lát đá hoa[12].

Trục đường chính, phần ở khu vực Cửa Nam của thành, được thư tịch cổ gọi là đường Cái Hoa, Hoa Nhai hay Hòe Nhai, nay được UNESCO gọi là đường Hoàng Gia. Phần đường bên trong thành được lát toàn bằng đá xanh nguyên khối. Phần đường bên ngoài thành được lát bằng đá phiến nhiều cỡ và bó vỉa bằng đá xanh nguyên khối. Những cuộc khai quật khảo cổ học gần đây cho biết, lòng đường trong nội thành rộng 4,85m, bên ngoài thành rộng 4,35m. Ở cổng thành phía Nam, dấu tích của các khoảng sân lát đá đã được phát hiện cả ở bên trong và bên ngoài thành. Theo sử sách đây là nơi đã từng được triều Hồ mở hội cho nhân dân khu vực kinh thành tham dự[13]. Đây có lẽ là con đường chính của kinh thành, nối liền Hoàng thành với Đàn tế Nam Giao.

- Các kiến trúc trong thành

Ngày nay, các kiến trúc xưa trong thành không còn, nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời đó trong thành có điện Hoàng Nguyên (nơi nhà vua ngự triều); cung Nhân Thọ (nơi ở của Thượng Hoàng), Đông Cung (nơi ở của Thái Tử), cung Phù Cực (nơi ở của Hoàng Hậu), Đông Thái miếu (nơi thờ tổ họ Hồ), Tây Thái miếu (nơi thờ họ ngoại là Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông), đàn Xã Tắc… Nối giữa các công trình này là những con đường lát đá[14]. Các câu chuyện dân gian và các địa danh cũng gợi nhắc đến một số kiến trúc và các khu vực có các chức năng khác nhau, phục vụ cho đời sống sinh hoạt trong thành như Ao Vàng, Ao Gạo, Đội Đèn, Nhà Ngục….Có lẽ đó là các kho tàng, chòi thắp đèn, nơi canh giữ tù nhân[15]

Qua các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây, người ta đã tìm được nền đất đắp dầy 0,4m, nền gạch lát nằm ở độ sâu 1,4m, móng trụ sỏi hình tròn, cống thoát nước được xây bằng gạch. Đặc biệt còn thấy kiến trúc bó nền gồm 12 khối đá sa thạch chạy theo hướng Đông Tây. Các khối đá này được gia công khá nhẵn hình chữ nhật. Ngoài ra, còn phát hiện được nhiều di vật, tiêu biểu nhất là chân tảng đá được chạm nổi 16 cánh hoa sen và nhiều loại gạch hình chữ nhật, hình vuông, ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói mũi lá, ngói âm dương, ngói bò, ngói lá đề, ngói gắn hình uyên ương, tượng đầu rồng, tượng chim phượng…

Theo năm tháng, cung điện, lầu gác không còn nữa. Ở khoảng trung tâm tòa thành, hiện còn lại đôi rồng đá, có thể là đôi rồng thành bậc của một kiến trúc quan trọng trong thành, nay đã bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu. Rồng được tạc khối tròn, dáng lượn hình sin 7 khúc, dài 3,8m, cao đến đầu 0,95m, thân dày 0,35m, phong cách tạo khối căng đầy, khỏe mập. Đây là sản phẩm mỹ thuật đặc trưng thời Trần rất quý hiếm còn lại ở Thanh Hóa. Đây cũng là cặp rồng kiến trúc Hoàng cung sớm nhất của Việt Nam được phát hiện cho đến nay. Điểm đặc biệt là đôi rồng bị mất đầu. Chưa có cách giải thích thỏa đáng co hiện tượng này, nhưng trong dân gian vẫn lưu truyền chuyện kể, sau khi thành nhà Hồ thất thủ, năm nào làng Tây Giai (phía cổng tây thành nhà Hồ) cũng xảy ra hỏa hoạn. Có ông thầy giỏi địa lý đi qua nói rằng làng bị cháy là do đôi rồng đá trong Hoàng thành quay đầu vào làng gây họa. Vì vậy, dân làng Tây Giai đã chặt đầu đôi rồng rồi chôn lấp trong thành. Mãi đến năm 1938, khi người Pháp cho làm con đường chạy qua thành, mới làm phát lộ đôi rồng đá này.

Di vật nghệ thuật bằng đá của Thành Nhà Hồ còn lại đôi sấu đá thành bậc, một được phát hiện ở cổng thành phía Đông, một ở di tích Đàn tế Nam Giao. Sấu có thân căng mập, cổ phủ kín các đao lửa xoắn tròn ngược chiều kim đồng hồ. Sấu cũng bị mất đầu như đôi rồng trong thành nội. Đây là một điểm bí ẩn của Thành Nhà Hồ đến nay chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Ngoài các kiến trúc được sử liệu thời Nguyễn nhắc tới, trong thành có núi Thọ Kỳ và Hồ Dục Tượng([16]). Núi nay không còn thấy dấu vết. Bên cạnh đó vẫn còn dấu tích các hồ Dục Thúy, hồ Bơi Chải, hồ Bán Nguyệt, hồ Dục Tượng.

- Nguồn gốc vật liệu và kỹ thuật xây thành

Để có nguyên vật liệu xây thành, Hồ Quý Ly đã cho "dỡ gạch ngói, gỗ lớn ở các cung điện Thụy Chương, Đại An, giao hết cho các châu Từ Liêm và Nam Sách chở tới kinh đô mới[17]". Đến năm 1401, Hồ Hán Thương đã "hạ lệnh cho các lò nung gạch để dùng vào việc xây thành[18]". Đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện có 294 địa danh hành chính trong cả nước đóng góp xây dựng Thành Nhà Hồ[19].

Để xây dựng tường thành cần một khối lượng đất, đá khổng lồ, ước tính tới 100.000m3 đất, hơn 20.000m3 đá phiến, nhiều khối đá nặng trên 20 tấn. Việc đào, đắp, xây dựng một khối lượng lớn đất đá trong một thời gian ngắn đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu kinh ngạc. Học giả L.Bezacier khi nghiên cứu về thành Tây Đô đã từng mệnh danh người An Nam là những người "đào đất khổng lồ". Tuy không có tư liệu lịch sử ghi chép cụ thể, nhưng có thể đoán định đất được tận dụng từ việc đào hào theo truyền thống xây dựng thành lũy phương Đông. Các khối đá nhỏ xếp chặn bên trong tường thành chủ yếu được khai thác từ các núi đá xung quanh. Cát, đá cuội có thể được khai thác từ sông Mã. Theo truyền thuyết dân gian, Hồ Quý Ly còn cho xây dựng con đường Cống Đá để vận chuyển vật liệu từ sông Mã vào xây dựng thành. Dấu tích của con đường này được nhận thấy bằng việc phát hiện các khối đá lớn dùng để lát đường trên con đường từ cuối thôn Tây Giai tới thôn Thọ Đồn ở phía Tây thành. Các vật liệu được chở từ Thăng Long về chắc hẳn cũng được vận chuyển trên con đường này.

Về nguồn gốc các khối đá lớn xây thành, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết chưa thống nhất. Năm 2011, người ta đã phát hiện ra công trường khai thác đá cổ ở núi An Tôn, chứng minh đây là một trong những nơi khai thác đá để xây thành Nhà Hồ. Ngoài ra, các khối đá còn có thể được khai thác ở các núi đá khác ở vùng lân cận. Những người thợ chế tác đá ngay tại chỗ theo kích cỡ đã được định trước sau đó được vận chuyển về thành bằng đường sông và đường bộ, khi xếp đá vào tường thành lại tiếp tục được đẽo gọt cho vừa vặn. Hiện vật sưu tầm được sau các cuộc khai quật khảo cổ học cho biết, "băng chuyền" thủ công của những người thợ đá lúc bấy giờ là các bi đá và các con lăn bằng gỗ. Sức kéo dùng voi, trâu, bò và cả sức người. Với "băng chuyền" thủ công này, những phiến đá lớn đã được nhích chuyển từng bước về nơi xây thành. Sau đó người ta phải đắp đất bên trong có độ dốc thoai thoải, và vẫn bằng kỹ thuật băng chuyền như trên, kéo dần các phiến đá lên rồi xếp thành bức tường theo phương thẳng đứng, mạch đá theo hình chữ Công (I). Đá lớn xếp dưới, đá nhỏ xếp lên trên. Đất sau khi đào hào được trộn lẫn với cát, sỏi, đá dăm đắp thành lũy bên trong, được nện chắc, có khả năng chống trơn trượt, tạo nên mặt phẳng nghiên để kéo đá lên. Khi tường đá xây xong thì tường đất bên trong cũng hoàn thiện.

Ở các cửa vòm cuốn, kỹ thuật xây phức tạp hơn nhiều. Đá phải nhẵn, phẳng, chế tác theo hình múi bưởi (hình thang cân), kích thước phải có độ chính xác cao ở tất cả các mặt. Người ta phải đắp đất hình vòm cuốn để làm "cốt", khi xây dựng xong chỉ việc lấy cốt ra, sức nặng của các khối đá hình múi bưởi tự ép xuống tạo thành các cửa thành bằng đá kiên cố mà hơn 600 năm qua bất chấp sự tàn phá của thời gian vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Có giả thuyết cho rằng, những người thợ đã phải xếp mô hình các phiến đá bằng giấy hoặc cót, sau đó mới phiên sang tạc trên đá thật để đạt tới độ chính xác tuyệt đối. Có lẽ vì thế, L.Bezacier đã phải thán phục: "Ngôi thành này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn được đẽo gọt và lắp ghép một cách tài tình,, bởi vì nhìn chung, trong các công trình xây dựng nhà cửa, người Việt Nam chỉ dùng đá làm bệ chân cột, làm bậc thềm, làm tháp, đôi khi làm lan can, nhưng trường hợp này rất hiếm có"[20].

Tuy nhiên, công việc đẽo gọt và lắp hơn 20.000m3 đá thành những bức tường thành thời đó, với kỹ thuật hoàn toàn bằng thủ công, lại trong thời gian gấp gáp là một thách thức lớn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ”([21]). Các truyền thuyết về việc xây dựng thành đề cập đến ở trên đã phản ánh nội dung này.

2.2. Đàn Nam Giao

Đàn Nam Giao được Hồ Hán Thương cho xây dựng vào tháng 8 năm 1402 trên sườn phía Nam núi Đốn Sơn (dân gian gọi là núi Đún). Lễ tế Giao đầu tiên của triều Hồ được tổ chức cùng năm[22].

Đốn Sơn là một quả núi dài, có hai đỉnh, cách Cửa Nam Thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía Đông - Nam. Di tích đàn tế Nam Giao, nằm trong lòng hai đỉnh của núi này theo thế dựa vào tay ngai. Do địa thế sát chân núi, thoải dần về phía Nam nên khu vực Nam Giao quanh năm khô ráo.

Các báo cáo khải quật khảo cổ học ở Đàn Nam Giao cho biết Đàn Nam Giao có diện tích 4,3ha, hướng phía Nam (nhìn ra sông Mã). PGS.TS. Tống Trung Tín trong lời mở đầu cuốn Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới, tập 2: Di tích Đàn Nam Giao – Tây Đô đã miêu tả Thành Nam Giao Tây Đô được chia thành 2 phần: Nội đàn và Ngoại đàn. Nội đàn và Ngoại đàn được phân cách bởi tường đá hình chữ nhật có lượn tròn ở các góc Đông Bắc và Tây Bắc. Ngoại đàn có dấu tích của 2 công trình phụ trợ có khả năng là Thần Khố, Thần Trù và sân nền tập kết đoàn rước lễ của Hoàng đế. Nội đàn gồm 4 tầng nền được bố trí cao dần từ chân núi lên lưng chừng núi Đún. Ở mỗi tầng nền đều phát hiện các dấu tích kiến trúc phù hợp với chức năng của mỗi tầng. Chính giữa là trục thần đạo 5 làn xếp đá, đi từ tầng nền Ngoại đàn lên tầng nền thứ nhất qua 3 cổng lớn. Làn chính giữa là đường đi của Thượng đế và các thần linh, các làn bên là của Hoàng đế và đoàn tùy tùng rước lễ. Theo thứ tự từ ngoài vào thì tầng nền đầu tiên là nơi Hoàng đế bước qua mộ cái cổng 3 gian tiến vào Trai Cung (ở phía Tây) và sử dụng nước giếng Ngự Duyên (ở phía Đông) để thực hiện các nghi thức Trai giới trước khi hành lễ. Tầng nền tiếp theo có bố trí 2 cụm kiến trúc tương tự như ở tầng nền tiếp theo được đoán là nơi chuẩn bị đồ lễ, chuẩn bị đội ngũ hành lễ và nghi trượng trước khi tiến lên sân hành lễ. Tần tiền tiếp theo nữa là nơi sắp xếp đồ lễ, bài vị tế lễ thần linh ở 2 bên, chính giữa là đội hình chính thức phục vụ hành lễ. Tầng nền trên cùng là nơi có nền đàn hình tròn tượng trưng cho Trời, nơi đặt lễ chính và là nơi Hoàng đế thực hiện các nghi lễ tế Trời. Phía sau tầng nền này có cổng mở đi lên đỉnh núi Đún... Di tích vẫn còn một phần diện tích chưa khai quật hết như Trai Cung và một số vị trí của sân nền móng tường[23].

  Đàn tế Nam Giao là kiến trúc tâm linh có vai trò quan trọng bậc nhất vì là nơi tế Trời, cầu cho quốc thái dân an, lễ tế giao là lễ trọng của triều đình. Kiến trúc Đàn Nam Giao Tây Đô gần gũi với Đàn Nam Giao ở các nước Á Đông (cách bố cục viên đàn ở chính giữa, các nền đàn thờ đăng đối ở hai bên, giữa là trục thần đạo). Bên cạnh đó, Đàn Nam Giao Tây Đô có nhiều điểm độc đáo, hiếm có trong lịch sử các đàn tế phương Đông: được dựng ở vùng núi (trong khi hầu hết các đàn Nam Giao khác được dựng ở vùng đồng bằng), sử dụng vật liệu đá, tận dụng tối đá đá núi tại chỗ trong xây dựng, có quy mô to lớn, cấu trúc rõ ràng. Đàn tế Nam giao đều có ở kinh thành Thăng Long, kinh thành Huế, thành Hoàng Đế (Bình Định)... Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có Đàn tế Nam Giao ở Thành Nhà Hồ được phát hiện còn giữ được tính nguyên bản của nền móng kiến trúc, đồng thời cũng cung cấp những tư liệu, hiện vật có giá trị được sử dụng trong nghi thức tế Nam Giao.

2.3. La thành

Bao bọc toàn bộ Hoàng thành, hào thành và Đàn tế Nam giao là La thành. Đây là một tòa thành lớn bằng đất, một số nơi đất còn được trộn thêm sỏi cho chắc chắn. Toàn bộ La thành được xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên, cách thành trong khoảng 1-3km, từ núi Đốn Sơn (thuộc xã Vĩnh Thành) đến núi Hắc Khuyển (thuộc xã Vĩnh Long), các núi Xuân Đài, Trác Phong, Tiến Sỹ (thuộc xã Vĩnh Ninh), núi Kim Ngọ (thuộc xã Vĩnh Tiến), núi Kim Ngưu, Tượng Sơn (thuộc xã Vĩnh Quang) và hai con sông là sông Bưởi và sông Mã. Vòng thành này dựa trên địa hình tự nhiên sẵn có, người xưa chỉ gia cố thêm một số đoạn, đắp đất, trồng tre, nối liền những dãy núi, con sông sẵn có. La thành được xây dựng vào tháng 9 năm 1399. Đại Việt sử ký toàn thư chép Hồ Quý Ly “Sai Trần Ninh đốc suất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía Tây thành, phía Nam từ Đốn Sơn, phía Bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía Tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi Giang (sông Mã), vây quanh làm toà thành lớn bọc phía ngoài. Dân chúng ai lấy trộm măng thì bị xử tử.”([3]). La thành triệt để sử dụng các ngọn núi tự nhiên, nhiều đoạn đắp theo thế uốn khúc của sông Bưởi, sông Mã, mang thêm chức năng là đê phòng lũ lụt cho toàn bộ kinh thành. 

Có lẽ do sự chuyển dòng của sông và sự xâm hại của thiên nhiên và con người, nhiều đoạn của La thành không còn nhận thấy nữa. Dấu tích La thành hiện còn lại khá rõ ở hai khu vực thuộc cánh đồng xã Vĩnh Phúc (phía Đông Nam) và cánh đồng xã Vĩnh Long (phía Đông Bắc), với chiều dài tổng cộng khoảng 4km.

  1. Kết luận

Đã hơn 600 năm, Thành Nhà Hồ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Đây là di tích kinh đô lớn, điển hình trong di tích kinh thành Việt Nam. Nét nổi bật của di tích là các vòng thành còn tương đối nguyên vẹn, cảnh quan môi trường chưa bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hóa. Lòng đất của toàn bộ thành nội về cơ bản vẫn giữ gìn được mặt bằng chi tiết và quy hoạch kiến trúc tổng thể của một kinh đô cổ Việt Nam. Theo các tư liệu hiện có, mặc dù đá là nguyên liệu khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới, nhưng chưa có kinh đô nào ở Đông Á và Đông Nam Á có vòng Hoàng thành được xây dựng bằng các khối đá lớn như Thành Nhà Hồ. Vì vậy có thể coi Thành Nhà Hồ là một hiện tượng đột khởi, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kiến trúc xây dựng thành lũy, kinh đô ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên, nhà Hồ đã không xây được tòa thành vững chắc nhất là "lòng dân". Thiếu sự ủng hộ của nhân dân nên triều đại này đã nhanh chóng thất thủ trước sự xâm lược của quân Minh. Đây là một bài học lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc./.

Bài viết đã đăng trên Tạp chí Di sản văn hóa, số 3(64)-2018, trang 70-76. Khi sử dụng thông tin xin dẫn nguồn cụ thể.

[1] Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

[2] Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

[3] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 198.

Chú thích

[1] Đặng Xuân Bảng (1997), Sử học bị khảo, Nxb Văn hóa – Thông tin, tr.287.

[2] Theo truyền thuyết, về phong thủy, Hồ Quý Ly cho là đất "thạch bàn long xà, lục thập niên ký" (đất thế rồng chầu rắn cuốn, vững như bàn thạch, có thể ở được 60 năm). Thế nhưng Hồ Hán Thương (con trai thứ 2), lại tâu với Hồ Quý Ly rằng: "Thưa cha con đã xem kỹ đất này, đúng là đất rồng chầu, rắn cuốn nhưng hãy còn non, nên mới chỉ là "long xà ẩm thủy, lục niên ký chủ", chỉ ở được trên dưới 6 năm thôi". Triều thần khi ấy là Nguyễn Nhữ Thuyết cho rằng: An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: "Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm" .

[3] Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Bản dịch của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tr.191.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 190.

[5] Nguyễn Thị Thúy (2014), Thành Tây Đô – Di sản văn hóa thế giới, Nxb Khoa học xã hội, tr.86-87.

[6] Hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

[7] Louis Bezacier 1954, L’ Art Vietnamien, Edition de L’union FranÇaise 3, Rue Blaise – Desgoffe, Paris – vi (Bản dịch lưu tại tại Viện Bảo tàng Việt Nam), tr.86.

[8] Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (2011), Thành Nhà Hồ - Di sản thế giới, Tập 1: Giá trị nổi bật toàn cầu, Nxb Khoa học xã hội, tr.31.

[9] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 202.

[10] Nguyễn Thị Thúy (2014), sđd, tr.30.

[11] Lưu Công Đạo 1816. Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí, Bản dịch, Tư liệu Ban Quản lý Di tích Thành Nhà Hồ, tr. 75.

[12] Phan Huy Chú (2006), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo Dục, tập I, Dư địa chí, q.II, tr.43

[13] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 194-195.

[14] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 197, 200, 201, 205.

[15] Nguyễn Thị Thúy, sđd, tr.161-162

[16] Lưu Công Đạo 1816, đd, tr. 75.

[17] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 193

[18] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 202.

[19] Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, sđd, tr.31.

[20] Loui Bezacier, Nghệ thuật Việt Nam, bản dịch, tr.86.

[21] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 202.

[22] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 203.

[23] Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới, Tập 2: Di tích Đàn Nam Giao – Tây Đô, tr. 6.

        

Tác giả: TS. Lê Thị Thảo
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Thông báo về việc điều động HSSV tham dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019 (12/09/18)
 Thông báo - Nội dung đặt bài Nội san số 01 của Khoa Văn hóa – Thông tin (04/09/18)
 Thông báo nghỉ lễ quốc khánh mùng 2/9/2018 (29/08/18)
 Tuần sinh hoạt công dân - Năm học 2018-2019 (21/08/18)
 Chào đón tân sinh viên Đại học Quản lý văn hóa hệ chính quy - Năm học 2018-2019 (17/08/18)
 Bộ môn Công tác xã hội tổ chức thẩm định đề cương chi tiết học phần học kỳ I - năm học 2018-2019 (10/08/18)
 Bộ môn Thông tin - Thư viện tổ chức thẩm định đề cương chi tiết học kỳ I - năm học 2018-2019 (08/08/18)
 Thông báo buổi sinh hoạt chuyên môn góp ý Đề cương Chi tiết học phần ngành Công tác xã hội (08/08/18)
 Lễ Bảo vệ Luận án Tiến sỹ chuyên ngành Xã hội học - NCS Đoàn Văn Trường  (07/08/18)
 Thông báo buổi sinh hoạt chuyên môn góp ý Đề cương Chi tiết học phần ngành Thông tin - Thư viện (05/08/18)
Hôm nay 1628
Hôm qua 2338
Tuần này 19518
Tháng này 119556
Tất cả 3174670
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn