Tin tức - Sự kiện
VỀ ĐỀN THỜ VÀ LĂNG PHÚC KHÊ TƯỚNG CÔNG NGUYỄN VĂN NGHI (XÃ ĐÔNG THANH, HUYỆN ĐÔNG SƠN, TỈNH THANH HÓA))

Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi có thể tạm coi là công trình thờ tự tư nhân có niên đại sớm nhất nước của tầng lớp quan lại, quận công thời Lê - Trịnh. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của di tích này gợi mở hoặc minh chứng cho nhiều vấn đề lịch sử - văn hóa đương thời, mặt khác góp phần khẳng định thêm những giá trị quý báu của một di tích vốn đã vượt ra khỏi phạm vi của dòng họ để trở thành di sản quốc gia.

Về đền thờ và lăng Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi

(xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Lê Thị Thảo*

 

Tóm tắt:

Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi có thể tạm coi là công trình thờ tự tư nhân có niên đại sớm nhất nước của tầng lớp quan lại, quận công thời Lê - Trịnh. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của di tích này gợi mở hoặc minh chứng cho nhiều vấn đề lịch sử - văn hóa đương thời, mặt khác góp phần khẳng định thêm những giá trị quý báu của một di tích vốn đã vượt ra khỏi phạm vi của dòng họ để trở thành di sản quốc gia.

Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, hay còn gọi là nghè Phúc, miếu Phúc, tọa lạc tại thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều người quen gọi di tích này là lăng Nguyễn Văn Nghi, hay lăng quận Đăng (Nguyễn Khải - con trai thứ của Nguyễn Văn Nghi). Điều này là do ở đây có những thành phần kiến trúc gần gũi với một lăng mộ (có tượng chó đá, voi, ngựa và quân hầu. Thực chất trung tâm di tích là một hệ thống các gian thờ mang đặc trưng của một đền thờ, các nhà nghiên cứu Khảo cổ học và Hán Nôm dựa vào bia ký ở đây mà gọi là Phúc Khê tướng công từ. Do vậy, chúng ta có thể gọi di tích này là đền thờ và lăng Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi cùng một số người trong dòng họ của ông.

Đây là công trình được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990. Một đền thờ vượt ra khỏi không gian của dòng họ để trở thành trở thành di sản văn hóa của quốc gia không chỉ bởi sự vinh hiển của dòng họ ấy mà còn ở những giá trị nghệ thuật tự thân mang tính điển hình của một thời, ẩn chứa những tư tưởng mênh mông, trí tuệ siêu việt của người xưa.

  1. Về những nhân vật được thờ tự

Xưa người Ái Châu có câu "Đông Sơn tứ Bôn, Hoằng Hóa lưỡng Bột"[1] để chỉ những vùng đất hiếu học và đỗ đạt ở xứ Thanh. Nếu như Hoằng Hóa nổi tiếng là đất có "nghề học" với 12 vị đậu đại khoa trong đó có 7 tiến sĩ được ghi danh trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thì Đông Sơn cũng không kém danh tiếng với nhiều người đỗ đạt cao, nắm những vị trí trọng yếu trong triều đình như Lê Nhữ Tốn (khai quốc công thần khởi nghĩa Lam Sơn), Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang (thời Lê sơ), Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, Thượng thư Nguyễn Khải, các Tiến sĩ Nguyễn Trừng, Cao Cử, Thiều Sỹ Lâm (thế kỷ XVII)...

Trong Tỉnh Thanh Hóa, Le Breton đã ghi lại truyền thuyết giải thích vì sao vùng đất Cổ Bôn lại có nhiều người đỗ đạt như vậy: Ngày xưa, vào triều nhà Trần, có một Thái hậu du chơi dưới sông Bôn, bà thấy nước sông Bôn trong vắt, lại có mùi thơm, bà cho là có một vị thần nào ở mặt sông, bèn cho lập đền thờ Đế Thích, đắp đê, làm giếng và nhờ long mạch của giếng mà làng Bôn có nhiều người đỗ đạt như vậy[2].

Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng trên mảnh đất của dòng họ, ở ngay trong lòng vùng đất danh tiếng ấy.

Vào thế kỷ XVI - XVII, dòng họ Nguyễn ở Đông Thanh, huyện Đông Sơn là một dòng tộc danh gia thế phiệt. Bia Phúc Khê tướng công từ dựng năm 1617 ở trong đền cho biết cụ cao tổ của Nguyễn Văn Nghi tên húy là Hồ, là bậc khai quốc công thần, chức Đại tướng quân, con cháu đời đời được tập ấm. Các cụ Tằng tổ, Hiển tổ đều là những nhân vật có công lớn, được giữ những chức vụ trọng yếu trong triều đình. Thân sinh Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Tứ, làm Tham nghị Thái Nguyên, phong Thái bảo. Các em của Nguyễn Văn Nghi cũng đều là những người có quyền cao chức trọng.

Bản thân Nguyễn Văn Nghi đỗ Chế khoa xuất thân năm 1554. Sử thần Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đã nhận xét "Ông là bậc danh nho đỗ cao, được 3 vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các Nho thần đầu thời trung hưng"[3]. Là người đoan chính, trọng khuôn phép, ông được Trịnh Kiểm tin cậy giao cho làm Hiệu lý Viện hàn lâm. Đồng thời, ông cũng là thầy dạy của vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Ông làm quan Thượng thư Bộ lại, nhập thị Kinh diên, kiêm Đông các học sĩ. Khi ông mất, nhà vua gia ân tặng Công bộ Thượng thư, gia thăng Thái bảo.

Về các con của ông, các con gái đều gả cho những nhà danh gia vọng tộc, các con trai cũng đều là những người công danh lừng lẫy. Trong đó có Nguyễn Khải (??? - 1632) là con trai thứ hai của nguyễn Văn Nghi, có công phò giúp  Bình An Vương Trịnh Tùng (1523-1600) nên dưới thời Lê Kính Tông (1600 - 1619) đã được thăng Hiệp mưu dương vũ công thần, Trung quân đô đốc phủ Tả đô đốc phó tướng tước Đặng quận công, rồi thăng lên Thái bảo, Binh bộ Thượng thư. Đến thời vua Lê Thần Tông (1619 - 1643), ông giữ vương vị Thái phó, Binh bộ Thượng thư và bậc quốc lão tham dự triều chính.

Tài liệu văn bia trong đền thờ cho biết chính ông là người có công xây dựng mở mang đền thờ của dòng họ, lấy ruộng đất nhà để mở rộng đất nhà thờ, lại lấy ruộng giao cho dân xã lo liệu giỗ chạp hàng năm, dùng vào việc thờ cúng các ngày rằm, mùng một hàng tháng... Với con cháu dòng dõi, ông cấp ruộng giáo dục, xây dựng nền tảng vững vàng, rạng rỡ tiếng ông cha thuở trước, cơ nghiệp mãi mãi lưu truyền.

Ông cũng là người có công trong việc xây dựng quê hương. Ông tự xuất của nhà mua gỗ từ rừng cao về, mời thợ giỏi trong khắp nước đến làm 8 chiếc cầu như cầu Long Nhĩ, Ngân Đái, Phúc Lai... trong đó, cầu Ngọc Khê bắc qua sông Phồn Giang (kênh đào nhà Lê) ở Cổ Bôn được coi là chiếc cầu lớn nhất, đẹp nhất vùng thời đó.

Có thể thấy đền thờ Phúc Khê tướng công là công trình thờ tự của một dòng họ có công nghiệp lớn. Sự bề thế của các điện thờ gia tộc bên trong cùng với sân chầu đông đúc các tượng người và linh thú bên ngoài, đã tạo ra một khuôn viên của một khu đền thờ hết sức trang nghiêm, đầy ẩn ý, phản ánh trí tuệ, thanh thế, sự nghiệp của người đã khuất.

  1. Việc xây dựng đền thờ và lăng

Khi nghiên cứu các công trình kiến trúc thời kỳ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam chúng ta thấy rằng thời Lý, Trần, Lê sơ chủ yếu là các công trình liên quan đến vua và triều đình, cùng lắm là của cộng đồng làng xã nhưng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Sang thế kỷ XVI, khi kinh tế hàng hóa bắt đầu manh nha phát triển, các công trình kiến trúc của cộng đồng làng xã nở rộ, tuy nhiên, về cơ bản đó cũng là những công trình của tập thể. Nền kinh tế tiểu nông bao trùm cả nước chưa thúc đẩy các cá nhân thật sự giàu có hình thành, đặc biệt là từ các hoạt động kinh tế tư nhân phi nông nghiệp. Thế nhưng bối cảnh lịch sử lúc này đã làm xuất hiện một lực lượng các quận công, quan tướng triều đình khá lớn. Họ đại diện cho một thế lực quan trọng trong xã hội, khi công trạng đã viên mãn, họ thường quay về quê xây dựng lăng mộ, đền thờ nhằm báo hiếu tổ tiên và cũng là vinh danh cho chính họ. Thời kỳ này, xứ Thanh là vùng đất thang mộc của vua, chúa, nên số lượng các quận công, quan tướng triều đình khá lớn. Thanh Hóa lại là nơi có nghề chế tác đá An Hoạch nổi tiếng, trữ lượng đá phong phú với nhiều loại đá quý cho nên ở đây đã xuất hiện đền thờ và lăng mộ của tư nhân, đến nay được biết đến, là có niên đại sớm nhất: đền thờ và lăng Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, niên đại Hoằng Định thứ 18 (1617)[4]. Tiếp sau đó, ở Thanh Hóa và Bắc Bộ xuất hiện hàng loạt công trình tư nhân liên quan đến các quận công, quan tướng thời Lê Trung hưng: lăng Dương Lễ công Trịnh Đỗ (Thanh Hóa, niên đại 1630), Từ vũ Võ Hồng Lượng (Ân Thi - Hưng Yên, niên đại 1660), từ chỉ họ Đặng (Lương Tài - Bắc Ninh, niên đại 1675), lăng Họ Ngọ (Hiệp Hòa – Bắc Giang, niên đại 1697), lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa – Bắc Giang, niên đại 1727), lăng Mãn Quận công (TP. Thanh Hóa, niên đại 1782)...

Việc  xây cất lăng mộ nở rộ thời kỳ này cho thấy sự quan tâm đặc biệt về đời sống tâm linh của các tầng lớp trên, mong có một sự bền vững và thịnh vượng cho dòng họ cũng như quốc gia. Tuy quy mô ở mức độ trung bình, nhưng các công trình trên có phong cách nghệ thuật đặc sắc, cởi mở, phóng khoáng, vừa mang tính quy phạm lại pha trộn tính dân gian phong phú, vừa thể hiện được uy quyền của một tầng lớp quan lại được trọng dụng, lại vừa ẩn chứa những tư tưởng sâu xa mang tính trí tuệ dân dã.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, đền thờ và lăng Nguyễn Văn Nghi có thể tạm coi là công trình tư nhân sớm nhất với nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, kế thừa được thành tựu kinh nghiệm, tinh hoa nghệ thuật của thời kỳ trước, đặc biệt là nghệ thuật thế kỷ XVI và nó đã đạt đến một đỉnh cao của nền kiến trúc nghệ thuật dân tộc ở thế kỷ XVII. Nghệ thuật chế tác đá trong di tích đánh dấu một giai đoạn lịch sử phát triển hưng thịnh của nghề này ở Thanh Hóa.

Mặt bằng kiến trúc của đền thờ Nguyễn Văn Nghi bao gồm 2 vòng tường bao với 2 lần cửa. Hiện tượng di tích có nhiều lần cửa thường mang tính chất cung điện (đền vua Đinh, vua Lê - Hoa Lư, Ninh Bình, Văn Miếu). Vòng ngoài lăng là sân chầu với các tượng người, voi, ngựa, chó đá, giếng đá. Vòng trong là một hệ thống điện thờ, hiện nay chỉ còn lại 1 gian và dấu vết nền móng. Thông giữa hai vòng tường là cổng lăng, đường linh đạo ở chính giữa. Kiểu thức mặt bằng kiến trúc này như được lặp lại ở lăng Họ Ngọ (Bắc Giang, xây dựng sau lăng Nguyễn Văn Nghi 80 năm (niên đại 1697).

Thoạt nhìn có thể thấy khối lượng đá dùng trong kiến trúc là khá lớn. Tường bao bên ngoài hiện nay đã bị phá hủy, nhưng vẫn còn lại dấu vết ngổn ngang của những phiến đá hình chữ nhật kích thước to nhỏ khác nhau. Còn sót lại một số mũ tường hình mui luyện. Tường đá bao bên trong hiện còn được xếp bởi những phiến đá lớn hình chữ nhật, có tấm kích thước tới dài tới 2,3m, dầy và cao 0,4m. Đáng kể nhất là một hệ thống tượng đá phong phú gồm 4 chó đá, 2 voi đá, 2 ngựa đá, 2 tượng chầu có kích thước lớn hơn thật; giếng đá; rồng đá vân hóa ở thềm bậc, rồng ổ trên nóc nghi môn; cổng đá, 2 bia đá, đá lát linh đạo.

Đặc biệt, vòng thành nội có một cửa vào, chiều cao vòm trong của cửa là 2,45m, rộng 2,05m, thành cửa dày 1,6m, sâu 4,2m, chiều cao đến đỉnh ngoài cửa là 4,2m. Mặt trước cổng khắc bảng đá Tướng công môn. Đây là một kiến trúc cổng vòm bằng đá duy nhất còn lại ở các đền thờ, lăng mộ tại Thanh Hoá. Gần một thế kỷ sau, ta bắt gặp kiểu thức của cổng vòm như thế này ở lăng Họ Ngọ (Hiệp Hòa, Bắc Giang), tuy nhiên ở cổng này được kết cấu bằng đá ong, chứ không phải đá xanh như ở lăng Nguyễn Văn Nghi. Cách xây cuốn đá vòng cung ở công trình này, khá gần gũi với phương pháp xây các cổng  thành nhà Hồ ở cuối thế kỷ XIV.

So với thời Lê sơ, ở thế kỷ XVII - XVIII, chất liệu đá xanh đôi khi ít tham gia vào kết cấu kiến trúc công trình. Trường hợp ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi có lẽ là ngoại lệ của một vùng đất có nghề chế tác đá An Hoạch nổi tiếng trong lịch sử cùng trữ lượng đá phong phú, đồng thời cũng là ngoại lệ của người được thờ ở trong đền, với sức mạnh kinh tế và uy lực lớn có thể điều động nhân lực, vật lực làm những việc gian nan, vất vả. Người dân đương thời có câu ca phản ánh sự nhọc nhằn, gian khổ triền miên trên của phường thợ xây đền:

Làng Vạc ăn cỗ ông nghè

Làng Vận, làng Chè[5] kéo đá ông Đăng

Cơm ăn mỗi bữa một năng

Bao giờ kéo đá ông Đăng cho rồi

Cơm ăn mỗi bữa một nồi

Bao giờ kéo đá núi Nhồi cho xong...

Ngày nay, đền thờ Nguyễn Văn Nghi vẫn nằm giữa cánh đồng lúa. Theo lời kể của nhân dân trong vùng, xưa kia nơi đây vốn là một vùng trũng, bốn bề là nước. Truyền thuyết vùng này còn kể về việc long thần, hà bá quấy nhiễu làm cho những chiếc bè vận chuyển đá từ vùng núi Nhồi đến đây để xây dựng đền đã đến bến mà vẫn vỡ, khiến các tảng đá chìm sâu dưới nước, người thợ phải kéo lên vô cùng vất vả. Có thể tâm thức dân gian đã huyền thoại hóa những cực nhọc, vất vả trong việc xây dựng đền mà ngày nay khi nhìn lại các hạng mục công trình đồ sộ, các thớt voi đá, ngựa đá to lớn ta có thể thấy rõ điều đó.

Cũng theo các cụ già trong vùng kể lại, tương truyền khu đền thờ được xây dựng phỏng hình dáng của một bông sen lớn nở giữa đầm nước trũng, trước kia có tới hơn hai chục dãy nhà lớn bé bao quanh, bố trí từ nhà sắp lễ ở ngoài cổng, khu đền thờ, khu hậu viên, khu nhà tổ, khu nhà thờ bà, khu thờ chính...  mà đôi chỗ dấu vết nền móng vẫn còn sót lại. Lợp mái là ngói mũi hài kích thước lớn, cùng với dáng cong của mái, màu đỏ của ngói dễ khiến người ta liên tưởng đến những cánh sen hồng giữa màu xanh của đồng lúa và đầm nước. Ngày nay, ao ở ngoài đền vẫn được trồng sen, đến mùa hương sen vẫn ngào ngạt. Có lẽ ý tưởng xây dựng này hướng tới tôn vinh những nhân vật đức cao vọng trọng được thờ ở trong đền, đặc biệt người thầy giáo Nguyễn Văn Nghi được 3 vua tri ngộ, là thầy dạy học trực tiếp của vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông.

Truyền thuyết còn kể không lâu sau khi đền dựng xong trong vùng liên tiếp xảy ra hạn hán. Bấy giờ nhà vua mới cho lập đàn cầu mưa ở ngay chính ngôi đền thờ Nguyễn Văn Nghi. Lời khấn có nhắc nhiều tới đạo cao đức trọng của người thầy dạy học cho vua này khiến trời đất cũng thông cảm. Mưa đổ xuống như một lời ứng nghiệm. Chính vì điều này mà một lần nữa, triều đình lại ban sắc chỉ phong tước phúc thần thượng đẳng cho ông, hưởng tế lễ đúng theo phép nước.

  1. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc

Từ tổng thể đến chi tiết nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đền thờ và lăng Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi đều thể hiện ý thức suy tính sâu xa, thâm thúy cao độ của người chủ trì xây dựng. Bản thân Nguyễn Văn Nghi và con trai ông - Nguyễn Khải là những nhân vật đức cao vọng trọng, học thức uyên thâm. Ngoài ra, việc xây dựng công trình này chắc chắn có sự giúp sức không nhỏ của tầng lớp trí thức đương thời. Nguyễn Khải sống cùng thời với nhiều trí thức cùng quê như Tả Thị Lang Bộ Hình Nguyễn Trừng và Hàn lâm viện hiệu thảo Tiến sĩ Lê Khả Trù. Chính Lê Khả Trù là người soạn văn bia ghi công lao sự nghiệp của Nguyễn Khải (Thượng thư lệnh công ký), hiện nay còn dựng trong khuôn viên di tích.

Chưa bước vào lăng, từ xa người ta đã phát hiện một cây gạo cổ thụ. Chắc chắn cây gạo mọc ở đây không phải là vô tình, bởi hoa gạo như sao trời, cành gạo như cành thiên mệnh, nên nó là hiện thân của bầu trời, thân cây như trục nối trời - đất. Ngay gốc cây gạo là 2 tượng chó đá, tượng bên trái cao 0,80m, tượng bên phải cao 0,97m, dáng nhìn ngước đầu cao, hai tai cụp, dáng vẻ hiền lành nhưng rất chăm chú. Đây là 2 tượng chó đá canh cửa nên được đặt hướng ra ngoài để kiểm soát tư cách của người hành hương khi chuẩn bị bước vào vùng đất thiêng.

Sau lối đi nhỏ giữa đồng ruộng là đến thềm rồng bằng đá dạng vân hóa dài 0,97m, rộng 0,17m, chỗ cao nhất 0,44m. Hiện tượng rồng vân hóa xuất hiện từ thời thời Lê sơ với đại diện là thành bậc điện Lam Kinh, cửa Văn Miếu và thành bậc điện Kính Thiên (Hà Nội). Tượng rồng vân hóa ban đầu chỉ gắn với quan lại, thiên tử. Bằng chứng là hai con rồng ở lối giữa điện Lam Kinh hay điện Kính Thiên mang hình rồng thực tạo thành lối giữa cho vua đi, hai con rồng vân hóa ở hai bên tạo thành hai lối tả hữu để quan văn võ vào chầu. Sang thời Mạc hiện tượng rồng vân hóa trở nên phổ biến, đặc biệt trong các công trình ở quê hương nhà Mạc (Hải Phòng). Con rồng vân hóa ở lăng Nguyễn Văn Nghi có mây cuộn thành đầu và thân, điểm xuyết sấm chớp dưới dạng các đao đuôi nheo, kèm theo các hạt tròn như tinh tú. Có thể thấy con rồng vân hóa này trong thời điểm đầu thế kỷ XVII phần nào biểu hiện uy quyền của người được thờ nhưng vẫn giữ tôn nghiêm với triều đình, đồng thời cũng biểu hiện tính dân chủ trong dòng họ và cộng đồng làng xã, ít có sự phân định tầng lớp xã hội.

Tượng hai chó đá ở đầu dãy tượng hai bên linh đạo, tượng bên phải 0,77m, tượng bên trái cao 0,70m, dáng hiền lành, tĩnh lặng. Con chó đá bên phải mình phủ đầy hoa văn vân xoắn, đao mác hình tia lửa, ngay cả đuôi cũng xoắn lại đầy tính biểu tượng. Có thể nhìn nhận nó không còn mang tư cách là con vật canh giữ mốc giới giữa trần gian và thế giới tâm linh, kiểm soát tư cách kẻ hành hương như hai con chó đá ở vòng ngoài. Ở đây, bằng các biểu tượng được khắc trên thân, nó đã được thiêng hóa để trở thành linh vật của thế giới tâm linh. Tuy nhiên, ở đầu thế kỷ XVII vẫn còn mang đậm tính dân gian, bởi hai tượng chó đá được phân biệt rõ chó đực và chó cái qua bộ phận sinh dục. Ngay trong thế giới thiêng ấy, người ta vẫn nghĩ đến sự sinh sôi phát triển, hay những biểu hiện của hạnh phúc nông nghiệp, của âm dương đối đãi. Hai tượng chó đá này được đặt hướng vào nhau đăng đối qua đường linh đạo, cùng với những biểu tượng trên thân đã khẳng định một tư cách khách trong khu di tích: là những chó đá hầu, là con vật linh thiêng gắn với tầng trên của các thần linh.

Các tượng đá khác được tạo tác sống động hình khối lớn, đặc biệt tượng người to hơn thật. Ở các lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, các tượng chầu đều có kích thước nhỏ bé hơn vật thật rất nhiều bởi quan niệm linh hồn người chết ở thế giới bên kia rất nhỏ bé và yếu ớt, nếu tượng chầu to có thể làm cho linh hồn hoảng sợ. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế ở thế kỷ XVII khiến yếu tố tâm linh sâu xa bị lu mờ, người ta thích dùng các tượng chầu to lớn hơn cả kích thước người và vật thật như để biểu thị quyền uy, sự giàu có. Phong cách này ở lăng Nguyễn Văn Nghi có thể tạm coi là khởi đầu cho tất cả các lăng mộ quận công trên toàn quốc, bởi chưa phát hiện lăng mộ nào trên vùng đất Bắc Bộ và Thanh Hóa có kích thước tượng to lớn được như ở đây. 

Hai tượng voi to lớn, tượng bên trái thân dài 3m, cao tới đỉnh đầu 1,85m, thân dầy 1,4m, có chạm khắc đai xích sắt; tượng voi bên phải thân dài 2,6m, cao đến đỉnh đầu 1,48m, thân dầy 1,3m. Có thể thấy một con dáng vẻ quy thuận, một con biểu lộ sức mạnh như tạo thành hai thể đối nghịch của âm dương.

Tượng ngựa bên phải cao 2,25m, thân dài 2,9m, dầy 0,75m; Tượng ngựa bên trái cao 1,9m, dài 2,7m, dầy 0,6m. Tuy kích thước ngựa rất to nhưng tỷ lệ bề ngang không tương xứng với chiều dài. Có  thể do kích thước của vỉa đá không cho phép tạc cho cân đối. Các tượng ngựa ở lăng Nguyễn Văn Nghi đã có những đổi mới về kỹ thuật tạo dáng, diễn khối và chú trọng tả thực so với các thời kỳ trước, chúng khá tương đồng với tượng ngựa ở lăng Lê Thời Hiến về kỹ thuật, diễn tả khá chi tiết từ bàn đạp, dây đeo, yên cương, yếm phủ, vòng cổ... Các tượng ngựa ở hai lăng này đều có tạc 11 quả chuông nhỏ đeo quanh cổ. Chân dung ngựa khá đẹp, đỉnh trán ngựa và đuôi ngựa có 2 ụ tròn tượng cho mặt trời, mặt trăng, yên cương hình thân chim phượng, hai bên chạm hình hoa cúc, khiến con ngựa được thiêng hóa thành ngựa thần cõng bầu trời chuyển động hay chở thần linh đi/về trần thế và cõi trời. Bốn chân ngựa vẫn được tạc liền trong một khối đặc với bệ chỉ gợi tả phần ngoài. Khi khảo sát tại làng Nhồi, trên những phế tích của một xưởng đá xưa còn lại, các mảnh di vật điêu khắc đá còn lại khá nhiều, nhiều chân tượng ngựa tìm thấy tạc độc lập nhưng chưa thấy một tượng ngựa nào có 4 chân đứng tách khỏi khối như tượng ngựa ở kinh thành Huế. Hiện tượng này có thể liên quan đến khả năng làm chủ chất liệu ở đương thời còn những bất cập, hơn nữa việc tìm cho được một khối đá nguyên khối lớn mới đủ tạc một tượng voi, ngựa to như ở lăng Nguyễn Văn Nghi là việc khó khăn.

Hai tượng chầu sát cổng thành nội có dáng vẻ đặc biệt: kích thước cao lớn hơn người thật đương thời, chiều cao tượng (chưa tính bệ) là 2,0m, nhưng dáng trông thấp lùn vì tỷ lệ đầu quá to (đầu dài 50cm), khối căng mập. Phong cách tượng chầu hình dáng mất cân đối này được lặp lại ở lăng họ Ngọ (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Y phục, chân dung mang phong cách Việt (mặt trước), nhưng phía sau tóc buộc thành dải chảy dài đến thắt lưng, như kiểu lính nhà Thanh nhưng không tết thành đuôi sam. Phải chăng đây chính là một hình thức Việt hóa được thực hiện trong ý đồ của các nhà Nho đương thời. Hai lính Tàu được Việt hóa đứng gác lăng chính là kiểu thức "ẩn dụ" thường sử dụng ở lăng Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi, có thể đã ẩn ý tinh thần tự tôn dân tộc.

Kiểu thức ẩn dụ ở hai tượng chầu một lần nữa được lặp lại ở hình tượng rồng ổ trên nóc nghi môn. Rồng được tạc từ một khối đá vuông vức kích thước mỗi chiều 0,75m, dầy 0,30m. Khối tượng rồng ổ hình cánh bướm (dạng như chữ vương 王), đầu hướng vào điện thờ chính. Đây là tượng hình rồng thứ ba trong khu di tích cùng với 2 tượng rồng vân hóa ở đầu lối vào. Dường như trong các lăng quận công thời Lê - Trịnh chỉ bắt gặp thềm rồng ở đây và lăng Mãn Quận công (phường An Hoạch, TP. Thanh Hóa). Gốc xưa rồng là biểu tượng của thiên tử, của tầng trên, đến thế kỷ XV có sự phân hóa với 5 móng là rồng của vua. Khối tượng rồng đặt trên nóc nghi môn, chỉ có chủ nhân và gia tộc này mới biết được cùng trời - đất, được xem như một thứ “yểm” phước lành, tự cho mình sánh ngang hàng thân vương, tuy nhiên vẫn tôn trọng triều đình ở mức độ nhất định. Điều này khác với "phép ẩn dụ" ở Từ vũ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, niên đại 1772) và lăng Mãn Quận Công. Ở hai di tích này đều có 10 tượng chầu, ngụ ý sánh ngang hàng vương giả. Ý đồ trên được ẩn dấu bằng cách ở Từ vũ Phạm Huy Đĩnh có cách bài trí tách hai tượng đưa ra ngoài Nghi Môn, cách hẳn một cái hồ bán nguyệt, khiến cho quần thể tượng chầu ở bên trong chỉ còn 8 pho. Ở lăng Mãn Quận công, nếu chỉ chú ý đến hình thức thì dễ tưởng lầm đó là 10 pho tượng hầu, bằng với số tượng quy định của vua (hiện tượng này còn thấy ở các lăng vua Nguyễn tại Huế), nhưng khi quan sát kỹ thì thấy có 2 cặp tượng quản mã, quản tượng, ở dãy ngoài không ăn nhập với 3 cặp tượng bên trong. Người ta như vẫn thấy ở đây một ẩn ý, ngầm tìm sự sang quý có vẻ như vượt vị. Chúng tôi cho rằng, việc “phá lệ” của triều đình về quy định số tượng chầu đối với các lăng Quận Mãn, từ vũ Phạm Huy Đĩnh có lẽ là biểu hiện sự suy giảm quyền lực của vua Lê - chúa Trịnh hồi bấy giờ, mà trước đó một thế kỷ rưỡi đã được mở đầu ở lăng Nguyễn Văn Nghi.

Bên phải lăng, ở vòng ngoài còn có một giếng đá cổ hình tròn, thành giếng cao 0,67m chia làm thân giếng và bệ giếng. Thân giếng cao 0,37m được làm từ đá nguyên khối có đường kính trong 0,73m, miệng giếng dầy 0,1m, phần dưới phủ kín hình cánh sen nhọn mũi. Bệ giếng hình bát giác cao 0,3m, mở rộng dần ra. Giếng nước ở trong di tích thường nằm về phía bên phải, mang yếu tố âm, như một huyệt thiêng của đền thờ. Nước giếng là chất linh thiêng dùng cho lễ mộc dục tại đền hay rửa đồ thờ của dân. Có thể bắt gặp những chiếc giếng khác có vị trí tương tự trong di tích như ở đình Mông Phụ, đình Tây Đằng, đình Lại Đà (Hà Nội), song giếng đá hình dáng tương đồng thì có ở đền thờ Chuyết Công trong khuôn viên chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Trên miệng giếng ở đây còn lại nhiều rãnh được tạo bởi dây kéo múc nước. Khi nhìn vào trong lòng giếng chúng ta thấy gạch vồ xếp bên trong là với kích thước khoảng 35 - 40cm, chiều rộng khoảng 12cm, có viên 15cm, những viên gạch này thường được nung rất già, xuất hiện từ thế kỷ XV và còn tồn tại cho đến thế kỷ XVIII.

Hai bên lăng còn có hai bia đá. Bên trái là bia Phúc Khê tướng công từ, niên đại Hoằng Định thứ 18 (1618). Bia 1 mặt, kích thước 1,25x1,94x0,33m. Văn bia ghi về gia đình, dòng họ, thân thế sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi. Trán bia hình vòng cung, có hai rồng chầu mặt trời. Rồng trên trán bia có dáng yên ngựa được hiển hiện một cách trọn vẹn, trong khi ở các thời kỳ sau thường có mây ám thân. Diềm bia được trang trí bởi một dải họa tiết hoa cúc, hoa sen, vân mây với nét chạm thoáng và khoẻ. Ở trên cùng trán bia có hình con chim giống chim đại bàng. Trong nghệ thuật thời Mạc, trên mũ của vương công hoặc có chữ vương, hoặc là có con chim xòe cánh bay xuống. Con chim như tượng cho bầu trời, hình chim bay xuống tượng cho quyền uy của người được phong tước vương.

Bia bên phải là bia Thượng Thư lệnh công ký, niên đại năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628). Bia có mái che hình vuông bằng đá, dáng khoẻ khoắn cao 2,13m, rộng 1,43m, dầy 0,45m ghi công đức và việc cúng tiến do trạng nguyên Lê Khả Trù soạn văn. Mái bia hai lớp, cao 0,85m, rộng 2,97m. Trán bia khắc hình lưỡng long chầu nhật, hình rồng quện với nhiều đao mác. Đầu rồng khá rõ, miệng há rộng phun hạt ngọc, râu rồng dài, các hạt tròn xoắn bay theo các đao lửa. Mặt trời ở giữa, đao lửa ngang, mỗi bên 5 ngọn, kẹp mỗi bên hai hạt tròn dạng vân xoắn cuộn thành. Diềm bia nét khắc sâu nên các hình nổi rất rõ, điểm xuyết giữa các hoa cúc mãn khai lại chạm một chim hoặc thú nhỏ rất sinh động - một phong cách chạm khắc ở giữa thế kỷ XVII.  So với các lăng mộ của giới quý tộc Trung Hoa biểu thị một sự uy nghiêm, cách bức với trần thế, thì các lăng mộ của Việt Nam thời Lê Trung Hưng luôn gần gũi với những người còn sống: giữa đồng lúa nương dâu và bên cạnh các xóm làng bình yên với nhiều chi tiết chạm phóng khoáng nhưng đầy chất điêu khắc.

Mặt sau cả hai tấm bia vẫn khắc tên bia, họa tiết trên trán bia và diềm bia nhưng không khắc chữ. Điều này khiến ta liên tưởng đến bia ở lăng mộ Võ Tắc Thiên ở Trung Quốc cả hai mặt không khắc chữ và bia Tiến sĩ ở Văn Miếu cũng có một mặt không khắc chữ. Phải chăng việc tạo nên mặt trống là để thế gian mặc sức bàn luận? Nhưng suy cho cùng lại thể hiện ý nghĩa triết học về mối quan hệ âm dương đối đãi để tạo nên một chỉnh thể cả về tư tưởng lẫn hình thức. Và, nhìn chung hai tấm bia này với nghệ thuật chạm khắc điêu luyện có thể coi là mang phong cách điển hình của mỹ thuật đương thời (tương tự bia chùa Bút Tháp, Bắc Ninh).

Bên trong thành nội hiện nay còn lại một ngôi điện thờ. Bên cạnh đó là dấu vết những tòa như tiền bái. Mái điện thờ lợp bằng ngói mũi hài, kích thước lớn, dài 50cm, rộng 30cm, dầy 3cm, mũi hếch cao 10cm, trọng lượng nặng tới 8,7kg. Kích thước viên ngói to đòi hỏi nhiệt độ lò nung lớn, kỹ thuật nung gốm đã đạt đến trình độ cao, nó chỉ gắn với nền kinh tế thương mại. Dưới mái là hàng ngói giọt gianh được tạo bởi các viên ngói đặc biệt, phần bụng dưới gần mũi lẩy một mặt trang trí hoa văn nổi để khi ghép lại thành đường diềm mái rất sinh động. Kiểu diềm mái này được thấy ở thượng điện chùa Mui (Thường Tín, Hà Nội).

Kiến trúc này gần như chưa có tàu mái với góc tàu mái déo cong để tạo nên góc đao cong của kết cấu khung gỗ như ở thời sau. Trước đây ngôi đền này thấp hơn (qua nhiều lần tu bổ đã nâng cao, dù cho hiện nay ở chỗ đầu bẩy người nào cao không cẩn thận vẫn bị cụng đầu). Dù vậy, toàn bộ mái vẫn có vẻ thanh thoát, cân bằng, bởi những hiện vật bằng gốm ở đầu đao vẫn như một cánh chim lớn đang cõng cả bộ mái bay lên, mà hiện nay cả nước chủ yếu chỉ còn có ở ngôi đền này (gọi là ngói góc hình cánh chim) tạo cho kiến trúc đỡ nặng nề.

  1. Thay lời kết

Đền thờ và lăng Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi ở Đông Thanh - Đông Sơn là một loại hình kiến trúc đền thờ kết hợp với lăng mẫu mực của thế kỷ XVII, có thể tạm coi là kiến trúc mở đầu cho các công trình thờ tự tư nhân của tầng lớp quan lại, quận công giàu có, uy thế lớn dưới thời Lê Trung hưng. Vấn đề giá trị nghệ thuật và những ẩn ý sâu xa trong từng cách bố trí hạng mục cấu trúc, từng di vật cần được tiếp tục nghiên cứu thêm. Đồng thời đây cũng là những tư liệu sử học, dân tộc học, nghệ thuật học, văn hóa học quý báu cần được bảo quản tốt./.

 Một số hình ảnh

 

* Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

 

Chú thích

[1] Đông Sơn có tứ xã Bôn (tức là bốn làng Bôn: Ngọc Tích, Kim Bôi, Quỳnh Bôi, Phúc Triền). Hoằng Hóa có hai làng Bột (Bột Thượng, Bột Hạ). Đây đều là những vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao, giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình.

[2] H.Le Breton (1918), Tỉnh Thanh Hoá, tài liệu lưu tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa.

[3] Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, NXB Giáo dục, tr. 456

[4] Đền thờ và lăng mộ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi sau này tiếp tục được mở rộng quy mô và tu sửa năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) bởi con trai thứ 2 của ông là Binh bộ Thượng thư, Thái phó Quốc lão Nguyễn Khải và năm 1631 bởi cháu ngoại ông là Lê Khắc Tuy, tri phủ Hà Trung cùng nhân dân trong huyện Đông Sơn.

[5] Làng Vạc thuộc xã Thiệu Đô

Làng Vận thuộc xã Thiệu Vận

Làng Chè thuộc xã Thiệu Trung

Ông Đăng: tức Đăng Quận công Nguyễn Khải người làng Cổ Bôn bắt nhân dân kéo đá núi Nhồi để về xây lăng.

Tác giả: TS. Lê Thị Thảo
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 QUY ĐỊNH VỀ MIỄN GIẢM HỌC PHÍ, TRỢ CẤP XÃ HỘI  (16/09/18)
 THÀNH NHÀ HỒ - TRUYỀN THUYẾT, KIẾN THỨC VÀ NGHỆ THUẬT (12/09/18)
 Thông báo về việc điều động HSSV tham dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019 (12/09/18)
 Thông báo - Nội dung đặt bài Nội san số 01 của Khoa Văn hóa – Thông tin (04/09/18)
 Thông báo nghỉ lễ quốc khánh mùng 2/9/2018 (29/08/18)
 Tuần sinh hoạt công dân - Năm học 2018-2019 (21/08/18)
 Chào đón tân sinh viên Đại học Quản lý văn hóa hệ chính quy - Năm học 2018-2019 (17/08/18)
 Bộ môn Công tác xã hội tổ chức thẩm định đề cương chi tiết học phần học kỳ I - năm học 2018-2019 (10/08/18)
 Bộ môn Thông tin - Thư viện tổ chức thẩm định đề cương chi tiết học kỳ I - năm học 2018-2019 (08/08/18)
 Thông báo buổi sinh hoạt chuyên môn góp ý Đề cương Chi tiết học phần ngành Công tác xã hội (08/08/18)
Hôm nay 1421
Hôm qua 2338
Tuần này 19311
Tháng này 119349
Tất cả 3174463
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn