Nghiên cứu khoa học
LÀNG CỔ ĐÔNG SƠN VÀ NHỮNG VĂN BIA MA NHAI CÒN LẠI

Bài đã đăng trên Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 (35) năm 2011

 

 

          Làng cổ Đông Sơn không chỉ nổi tiếng ở xứ Thanh của Việt Nam mà được nhiều nhà khoa học, sử học trên thế giới biết đến. Cái tên Đông Sơn gắn liền với nền văn minh Việt cổ được người ta nói đến như một danh từ “văn hoá Đông Sơn”(1), mạch chảy liên tục từ thời đồ đá cũ đến thời đồ đồng, đồ sắt trải rộng ở lưu vực các con sông lớn. Làng Đông Sơn xưa vốn thuộc hai trang Đông Cương Thượng và Đông Cương Hạ(2). Vào thế kỷ thứ XVII quan Thám hoa Thị vệ Trịnh Thế Lợi về định cư tại làng, ông sát nhập hai trang Đông Cương Thượng và Đông Cương Hạ thành lập nên làng Đông Sơn(3). Đầu thế kỷ XIX làng Đông Sơn thuộc xã Đông Sơn, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn. Ngày nay là làng Đông Sơn thuộc phường Hàm Rồng thành phố Thanh Hoá.

          Làng Đông Sơn từ xưa vốn dựa lưng vào núi Rồng (núi Sau Làng). Phía Bắc khống chế bởi núi Voi, núi Tràng Tiền, đồng Ngược giáp với Làng Giàng xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá. Phía Nam giáp với núi Mã Yên (núi Yên Ngựa), núi Vàng, núi Cuộc, núi Cánh Tiên thuộc Phường Hàm Rồng. Phía Tây giáp làng Hạc Oa thuộc xã Đông Cương. Phía Đông tựa lưng vào núi Rồng núi Sau Làng.

          Người xưa đã khéo chọn một vùng đất lý tưởng để thành lập nên làng, phía Tây, Nam, Bắc là núi, phía Đông là Sông. Các núi ở đây không cao lắm, các ngọn nối liền nhau, tạo nên nhiều hình thù độc đáo và đa dạng như: núi Long Hạm (Núi Rồng) ngọn Hoả Châu (núi con Nít)… tạo nên bức tranh thiên nhiên Rồng vờn Ngọc đã di vào tâm thức của bao người dân và các bậc tao nhân mặc khách đến thưởng ngoạn, du lãm, xướng hoạ đề thơ như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông v.v…

          Ngày nay một số di văn của Lê Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi đã bị mai một, chỉ còn ghi lại trong sử sách,  một số văn bia ma nhai cò lại bị mờ nhiều, có những văn bia đã bị rêu phong phủ kín rất khó đọc. Xin được giới thiệu dưới đây.

          Bia: Bia Núi Tượng Sơn.

Thiệu Phong thập tam niên, Quí Tỵ niên cửu nguyệt thập tam nhật. Hoạch Đương xã Đại Toát chiêu thượng chế,  an ngộ cư sĩ cập ngộ đạo, phùng ? khố Đỗ Nữu Bình đạo. Kim thượng Mịch Cần tự chúng cư sĩ lập tạo lộ mi. Sở tá An Hoạch xã đại bác sĩ trương tăng, Phá thạch phó đương hương, khứ lai nguyên tiền niên khứ lai nhân tích, tân lập lưu thông Tam Bảo, kiếp kiếp sinh sinh thường phùng Tiên Sơn nãi.

         Dịch nghĩa.

         Vào ngày 13 tháng 9 năm Quí Tỵ(4) niên hiệu Thiệu Phong thứ 13 (1353) đời vua Trần Dụ Tông, ông quan Đại Toát(5) người xã Hoạch Đương(3) tuân theo chế lệnh của trên vỗ yên thấu ngộ các cư sĩ(6)giác tỉnh đạo mê, đón nhận sự giúp đỡ của cải của ông Đỗ Nữu làm một con đường bằng phẳng. Nay ở trên có chùa Mịch Cần(7) được đông đảo các cư sĩ tạo lập một đường đi ở bên, nhờ vào sự giúp đỡ của cácđại bác sĩ (bậc học rộng tài cao), các Trương Tăng (sư nổi tiếng ) người xã An Hoạch(8).  Việc phá đá giao phó cho dân làng đảm nhiệm. Việc mở đường theo con đường cũ từ trước đây nhân đó mà sử sang cho mới để lưu thông với nơi thờ Tam Bảo phật(9), đời đời kiếp kiếp về sau thường gặp ở núi Tiên này(10).

Bài thơ của Thiên Nam Động Chủ ( tức vua Lê Thánh Tông) đề ở động Long Quang ngày 22 tháng 2 niên hiệu hiệu Hồng Đức thứ 9(1478)(11).

  Vua bái yết Sơn Lăng xong, trên đường về vời vợi. Lúc bấy giờ nắng chiếu cảnh núi ấm áp, hoa cỏ xuân tươi, đường hành trình xa xôi lại vừa đi qua động đá bèn dời thuyền lên bờ, vịn đá lên cao, gió sương ướt áo, chim hót bên tai khiến ý thơ lai láng dạt dào như suối tuôn nước chảy, cảm hứng phong sinh làm thành bốn vần  để khắc vào đá lưu truyền mãi mãi.

Thuý vi hữu địa khả bồi hồi,

Vọng viễn đăng cao vũ trụ khôi.

Khước nhạ cáo thành phong Ngọc Kiểm,

Thù phi thất lộ nhập Thiên  Thai.

Nhàn vân mãn địa vô nhân tảo,

Hư thất lăng tiêu trấn nhật khai.

Yểu điệu giản cùng lâm tận ngoại

Thời yêu hoàng ốc thuý hoa lai.

Dịch nghĩa.

         Giữa sườn non xanh có nơi cảnh đẹp đáng dừng chân ngắm,

Cứ ngỡ là cảnh cáo thành, lên làm lễ phong thiện ở núi Ngọc Kiềm(12)

Phải chăng như cảnh lạc đường vào cõi Thiên Thai(13).

Mây nhà đầy mặt đất không ai quét dọn,

Động rỗng vượt tầng không chắn lấy mặt trời.

Cảnh đẹp kéo suốt tận ngoài bìa rừng, chân suối,

Thỉnh thoảng lại xe lọng vàng, kiệu thuý hoa lui tới viếng thăm(14)

Dịch thơ:

Sườn núi xanh xanh đẹp quá chừng!

Lên cao vũ trụ rộng khôn cùng.

Cáo thành cứ ngỡ lên non Kiểm,

Lạc lối dường như tới chốn Bồng.

Không quét mây vương đây mặt đất,

Vút trời động chắn giữa tầng không.

Phong quang suốt tận ven rừng suối

Thỉnh thoảng mời vua tới ngắm trông.(15)

Thơ của Lê Thánh Tông

đề ở Động Long Quang (1478)

Hai Bài thơ của Thượng Dương động chủ Lê Hiến Tông đề ở động Long Quang  niên hiệu Cảnh Thống thứ 4 (1501)

         Vua Lê Hiến Tông trên đường đi bái yết sơn lăng  ở Lam Kinh, ghé thăm động Long Quang. Trước cảnh đẹp của thiên nhiên, vua đã cảm hứng đề lên hai bài thơ, thợ đá khắc lên  vách động.

Phiên âm:

         Lăng  không thạch thất trạm hư minh,

         Thâm trữ hùng phong  vạn hộc thanh.

         Dã thụ  phùng xuân đa tác thái.

          Sơn hoa mãn  kính bất tri danh.

         Hà lưu liễm bái  triều ti  hải,

         Địa trấn bàn căn tráng thượng kinh.

         Thừa đắc động thiên nhàn nhật nguyệt,

         Lai khan ngọc cục thuyết trường sinh.

Dịch nghĩa:

Lắng động như nhà đá sâu thẳm sáng sủa

Sâu có chứa những cơn gió mạnh đựng cả vạn hộc mát mẻ.

Cỏ cây dưới thôn làng gặp mưa xuân nhiều xanh tươi mơn mỡn,

Những bông hoa trên đồi núi trải khắp lối đi  không kể hết tên.

Sông bãi nhấp nhô nước thuỷ triều tràn về rồi chảy ra biển,

Đường sá vững chải  tráng lệ tới tận Kinh Đô.

Quả được hang động trời cho ngày tháng thanh nhà vui thú,

Nhìn xem hang ngọc sống mãi cùng thời gian.

Tạm dịch thơ:

Lắng trong nhà đá sáng lung linh,

Gió mát hang sâu cảnh hữu tình.

Tiết xuân cây lá nhiều sắc thái,

Non cao  hoa cỏ bạt ngàn  danh

Sông bãi nhấp nhô xuôi về  biển,

Đường sá cây xanh trải trấn thành

Động biếc trời cho ngày nhàn rỗi,

Nhìn xem động ngọc mãi  trường sinh.

Bài thứ 2:Phiên âm.

Lục âm thâm xứ điểu thanh kiều

Thi  khách trùng lai lạc cách nhiêu

Vạn cổ quan hà tồn Vũ tích.

Nhất thiên hoa mộc nhiệm xuân điều

Kim tiêu  cung khuyết vô trần đáo

Thuỷ quốc càn khôn nhập  vọng diêu

Vận thuộc sơ nguyên thân chính nhật

Sơn xuyên cải quán chúc quang điều.

Dịch nghĩa.

Non  xanh trong hang sâu tiếng chim hót víu von

Khách thơ  đến luôn càng thêm vui vẻ

Muôn thuở  non sông còn in dấu vua Vũ

Một trời hoa cỏ mặc để mùa xuân tô vẽ

Cung tiên nơi nhà vàng không bén bụi trần

Trời đất, nước non  nhìn thu vào tầm mắt

Vận hội vốn từ xưa đúng ngày chấp chính

Non sông nay đổi mới, ánh sáng gợi mở nơi nơi.

Tạm dịch thơ:

         Hang sâu lắng động  chim víu von,

         Muốn gọi khách  thơ lui tới luôn.

         Muôn thuở nước non  in dấu Võ,

         Một trời hoa cỏ cảnh tươi xuân

         Cung tiên ánh rực không vương bụi,

         Trời đất bao la mắt tận nhìn.

         Vận hội xuân tươi  ngày chấp chính,

                  Nước non  đổi mới ánh vàng son.

Bia Thành sự bi ký ở núi Yên Ngựa, gần đền Chàng Ất đại

vương dựng niên hiệu Cảnh Thịnh đời Tây Sơn

Các bậc quan viên, hương lão, quí viên, tổng trưởng, xã trưởng, thôn trưởng cùng toàn thôn trên dưới các hạng thuộc thôn Đông Sơn xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên kính nghe:

         Việc muốn biểu dương sự việc là ghi khắc vào bia đá để lưu truyền mãi mãi. ấp ta có núi Yên Mã (núi Yên Ngựa), đền thờ tối linh ở đấy. Mạch từ  hướng Càn hợi (Tây bắc) trông lại gần mà chuyển ra hướng Tốn nhập vào Mão (Đông Nam vào Đông). Núi Voi án ngữ từ Bắc, Rùa nước chầu về phía Tây, thật là một nơi đẹp nhất danh thắng của đất Đông Sơn vậy.

         Ôi chỉ một điều là đường đi bị cắt đoạn phía sau, đầu huyền vũ người đi dẫm lên dấu tích Trâu dẫm trên đá  đường  mòn đã thành khe suối. Việc xưa không bị mai một nhưng có thể mất đi tất cả.

Nay trong bản thôn có ông Lê Xuân Hải chức Chánh quản Hùng nhuệ cơ hộ quân sứ, tước Hải Lĩnh hầu cùng các bậc quan viên là ông Lương Viết Cẩn, các bậc hương lão là Dương Đình Giao, Lương Văn Lan, Dương Đình Toại, Lương Trọng ? Lương Bá Chu, Lương Bá Viên, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Văn Điểm cùng các quí viên Lương Bá Thuần, Lương Huy Thực, Lương Bá Dương, Dương Đình Xuân, Lương Trọng? Lương Văn Nhuệ, Dương Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Lễ, Lương Đình Nhưng. Tổng trưởng Lương Bá Nho, xã trưởng Lương Huy Tiêu, Thôn rưởng Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Trọng Điền, Dương Đình Trạc, Lê Bá Tám, Nguyễn Hữu Nghi, Dương Đình Bạc, Dương Viết Tài, Dương Đình Kim, Lương Sưu, Lương Trọng, Lương Hãn, Nguyễn Lãm, Lê Xuân Thành, Dương Trử, Giáp Trưởng Lê Xuân Nghị, toàn thôn trên dưới tham gia bàn bạc thống nhất tìm thầy địa lý để tính toán tìm đất ra một thế đất tốt có lợi về phong thủy, tính toán thực cẩn thận, chọn ngày tốt, đắp một con đường lớn cao hình vòng cung  ở phía trước dài  96 trượng (384m), bề mặt phía trên 1 trượng (4m) dốc phía chân đường 5 thước tức làm theo với đất dưới ruộng vẫn thành đường cũ.  Tường phía đông dựa vào núi, tường phía Nam  đắp thêm thành lũy để cho miếu đường được như cũ mà chế độ lại có mới hơn. Theo như vậy từ đấy đến nay ấp ta được bình an vô sự.

Việc mở mang mạch đất này là làm uy nghi, tráng lệ nơi thờ thần, tách rõ phần đất dân ở bên ngoài, cầu thần giám chiếu.

Nay trở về sau, muôn thuở đi theo con đường mới chổ đường cũ đắp lên, kẻ nào dám tự ý xâm phạm, quy theo khoán lệ đã định mà phạt . Nhân đó khắc vào bia để lưu truyền mãi mãi.

Theo qui định nếu để cho một con trâu vào phá thì phạt 10 quan tiền cổ.

Ngày tốt năm niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 3(1795) đời Tây Sơn Nguyễn Quang Toản.

Người viết bia Nguyễn Sĩ,  sống gần làng thuộc xã Thanh Dương làm Bí Thư Điển thư.

Người dựng bia ghi chép Nho sinh Lê Danh Nho  là người Nông Hoàng.

Thành sự bi ký oở ách đá đền thờ Lê Uy – Trần Khát Chân

Chú thich

1- Năm 1924 ông Nguyễn Văn Nắm (ông Kiềm Đại) ở xóm Nghĩa làng Đông Sơn, sau những lần đào giun đi câu dọc sông Mã ông đã phats hiện một số đồ đồng do đất lỡ phát lộ. Nhóm hiện vật đầu tiên này đã được viên Tây đoan ham mê cổ vật là L.Pajô gom giữ bán cho trường Viễn Đông bác cổ. Từ năm 1924 đến năm 1928 L. PaJô đã liên tục tiến hành đào bới khai quật ở làng Đông Sơn để tìm cổ vật. Năm 1929 kết quả những cuộc đào bới và những cổ vật này được Go-lu-bep tang kết và công bố lần đầu tiên trong tác phẩm “Thời đại đồ đồng thau ở Bắc kỳ và Bắc trung kỳ”

Năm 1935 Olov R.Tjansé, nhà khảo cổ người Thuỵ Điển đã tiến hành khai quật và đã định danh nền văn hoá Đông Sơn. Tên làng Đông Sơn từ đây  đã trở thành tên của một nền văn hoá rực rỡ của một thời đại kim khí cách ngày nay 2000-3000 năm.

2- Trang Đông Cương Hạ nằm phía Tây nam làng, trang Đông Cương Thượng  nằm ở phía Bắc làng hiện nay.  Người làng Đông Sơn cho đến nay vẫn còn truyền Trang Đông Cương Hạ đóng tại khu vực Ba Khe kéo tới Đồng Khang, lưng tựa vào phần thấp núi Cánh Tiên, giáp làng Thổ Sơn xã Đông Cương nay..  Trang Đông Cương Thượng ở khu vực đồng Ra, lưng tựa vào núi Voi, đời xưa mặt quay về hướng Đông Bắc. Xét một số chữ ghi địa danh ở mặt sau các sắc phong ban niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), Đức Long thứ 1(1629) hiện lưu giữ tại địa phương,thời bấy giờ đã ghi ban cho dân hai trang Đông Cương Thượng và Đông Cương Hạ thờ Chàng Ất đại vương

  1. Trịnh Thế Lợi: Là một vị quan triều Lê, dân gian truyền tụng ông là vị quan dưới triều vua Lê Hiển Tông, ông đã có công sát nhập hai trang Đông Cương Thượng và Đông Cương Hạ thành lập nên làng Đông Sơn. Để ghi nhớ công ơn của ông, dân làng Đông Sơn tôn ngài là Thành Hoàng và lập miếu thờ ngài tại trung tâm làng, gọi là Miếu Nhị. Miếu làm bằng đá lộ thiên. Nay tại địa phương dân làng còn giữ được 4 đạo sắc phong ban cho dân xã Đông Sơn thờ ông.    
  2. So sánh với lịch vạn niên, Năm Quí Tỵ là năm (1353) tức tức niên hiệu Thiệu Phong thứ 13, trùng hợp với văn bia đã ghi.
  3. Đại Toát: Chức quan triều Trần như chức Tổng trưởng, Xã trưởng, Lý trưởng có thế lực.  Trong bia Chùa Phúc Hưng ( Chùa Kênh xã Quảng Hùng)  dựng triều Trần cũng thấy nhắc đến chức quan Đại Toát.  Ông Đại toát Lê Mạnh người hương  Yên Duyên  vào Khoảng năm Thiệu Bảo ( tức đầu năm 1285) tướng giặc Toa Đô từ ngoài biển đi tắt đường Cổ Kê tiến vào Thanh Hoá. Lê Mạnh được tin đem người làng phục sẳn ở bến Cổ Bút. Quân Toa Đô tới bị đánh bất ngờ, thua to, tháo chạy.
  4. Xã Hoạch Đương: Chưa xác định được nay là địa danh nào?
  5. Cử sĩ: Chỉ những người làm quan nhưng chán với thời cuộc bỏ đi ở ẩn.
  6. Chùa Mịch Cần. Ngày nay không tìm thấy dấu vết ngôi chùa nằm ở vị trí nào nhưng theo như lời văn ghi trong bia thì trong chùa có  Tam Bảo Phật nằm trên núi Tiên Sơn.
  7. An Hoạch: Tức là khu vực xã Đông Hưng và Đông Tân ngày nay. Nơi đây năm xưa có ngôi chùa Báo Ân trên núi An Hoạch  rất nổi  tiếng. Chùa có từ niên hiệu  Hội Phong thứ 9(1100)  triều Lý. Ngày nay còn lại tấm bia ghi chép về ngôi chùa này; Văn bia hiện đang được lưu giữ tại Bào tàng Lịch sử Việt Nam.
  8. Tam Bảo: Tức Tam Bảo Phật ba vị  phật đại diện cho ba thế giới: Quá khứ, Hiện tại, Tương lai.

          11 - Thơ Văn Lê Thánh Tông – Nhà xuất bản KHXH - Hà Nội 1997  ghi là Hồng Đức thứ 8(1477)

12- Ngọc Kiềm: Tên ngọn núi gần khu di tích lịch sử Lam Kinh.

13- Thiên Thai: tên ngọn núi có phong cảnh đẹp ở vùng Chiết Giang- Trung Quốc, tương truyền đời  Hán Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào núi này hái thuốc gặp tiên.

14- Những đồ nghi trọng của nhà vua. ở đây chỉ Vua

15  Theo Thơ Văn Lê Thánh Tông – Nhà xuất bản KHXH - Hà B Nội 1997: bản dịch thơ Hải Anh.

 

    

Tác giả: TS. Lê Thị Thảo
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THÔNG TIN LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG THỜI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ 4.0 TẠI THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA (22/08/19)
 NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGÀNH THÔNG TIN HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA , THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP (25/02/19)
 TÌM HIỂU PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC HỘ GIA ĐÌNH NGƯ DÂN XÃ NGHI SƠN, HUYỆN TĨNH GIA, TỈNH THANH HÓA (22/02/19)
 VAI TRÒ CỦA KIỂM HUẤN VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HÀNH THỰC TẬP CỦA SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI (22/02/19)
 Di tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Lang Chánh và vấn đề phát huy giá trị trong hoạt động du lịch (11/12/18)
 GIẢI PHÁP NẦNG CAO CHẤT LƯỢNG THỰC HÀNH, THỰC TẬP SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI (29/11/18)
 TÁC ĐỘNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐẾN GIA ĐÌNH Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY (29/11/18)
 TIN HỌC HÓA QUY TRÌNH QUẢN LÝ THI (NỘP ĐỀ, RA ĐỀ, TỔ CHỨC THI) TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (29/11/18)
 YẾU TỐ TỘC NGƯỜI TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH THIẾT CHẾ VĂN HÓA TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI THANH HÓA (29/11/18)
 TỤC KẾT CHẠ CỦA LÀNG VĨNH YÊN (29/11/18)
Hôm nay 886
Hôm qua 3945
Tuần này 18211
Tháng này 93437
Tất cả 3148551
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn