Nghiên cứu khoa học
NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TẠI BỆNH VIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhân viên Công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế. Tuy nhiên, cũng giống như các nước đang phát triển, việc áp dụng CTXH trong bệnh viện ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Xuất phát từ thực tiễn trên, bài viết bước đầu phản ánh thực trạng chăm sóc sức khỏe người dân qua cách tiếp cận CTXH từ đó chỉ ra những yêu cầu đặt ra cho nhân viên CTXH trong CSSK nhân dân tại bệnh viên đáp ứng nhu cầu xã hội đặc biệt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Từ khóa: Nhân viên Công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe, bệnh viện - Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập”, (910/2016), Đại học Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình.

  1. Đặt vấn đề

Chăm sóc sức khỏe (CSSK) luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Xã hội càng phát triển, nhu cầu về CSSK càng đòi hỏi được đáp ứng với chất lượng dịch vụ càng cao. Hiện nay, các loại bệnh tật ngày càng gia tăng và theo chiều hướng phức tạp nên tỉ lệ người mắc bệnh và nhu cầu khám chữa bệnh cũng ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, xuất hiện mâu thuẫn tiềm ẩn giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.        

Trong lĩnh vực CSSK, công tác xã hội (CTXH) lần đầu tiên được triển khai trong các bệnh viện vào năm 1905 tại Boston, Mỹ. Đến nay, hầu hết các bệnh viện ở Mỹ đều có phòng CTXH và trở thành một trong những điều kiện bắt buộc để các bệnh viện được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện, đã và đang hỗ trợ cho những người yếu thế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại bình đẳng và công bằng xã hội.[1] Ở Việt Nam, tại một số bệnh viện, hoạt động về CTXH cũng đã bắt đầu được triển khai nhằm giảm bớt áp lực công việc cho nhân viên y tế và tăng cường các trợ giúp xã hội cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh, nhưng còn tự phát lẻ tẻ chưa mang tính chuyên nghiệp.

Nhận thức tầm quan trọng của CTXH trong bệnh viện, ngày 15/7/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký phê duyệt đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020 nhằm định hướng bổ sung cho hoạt động CTXH trong ngành Y tế ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả cao nhất cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND). Đề án khẳng định, CTXH trong bệnh viện (BV) không chỉ đơn thuần trong hỗ trợ người bệnh mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Để hoạt động này hiệu quả tối ưu nhất cần phải có một đội ngũ nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) chuyên nghiệp, chất lượng cao.

  1. Giải quyết vấn đề

2.1. Các khái niệm:

*Chăm sóc sức khỏe: Là một ngành dịch vụ trong đó người cung ứng và người sử dụng quan hệ với nhau thông qua giá dịch vụ. Tuy nhiên, không giống các loại dịch vụ khác, CSSK có một số đặc điểm riêng[2], đó là:

          - Mỗi người đều có nguy cơ mắc bệnh và nhu cầu CSSK ở các mức độ khác nhau. Chính vì không dự đoán được thời điểm mắc bệnh người ta thường gặp khó khăn trong chi trả các chi phí y tế không lường trước được.

          - Dịch vụ y tế là loại hàng hóa mà người sử dụng (người bệnh) thường không thể hoàn toàn chủ động lựa chọn dịch vụ theo ý muốn mà phụ thuộc rất nhiều vào bên cung ứng (cơ sở y tế). Cụ thể, khi người bệnh có nhu cầu khám chữa bệnh, việc điều trị bằng phương pháp nào, thời gian bao lâu hoàn toàn do thày thuốc quyết định. Như vậy, người bệnh, chỉ có thể lựa chọn nơi điều trị, ở một chừng mực nào đó, bên cung ứng cho mình chứ không phải được lựa chọn được phương pháp điều trị. Mặt khác, do dịch vụ y tế là loại hàng hóa gắn liền với tính mạng con người nên mặc dù không có tiền nhưng vẫn phải khám chữa bệnh (mua). Đặc điểm đặc biệt này không giống các loại hàng hóa khác, đó là đối với các loại hàng hóa không phải là sức khỏe, người mua có thể có nhiều giải pháp lựa chọn, thậm chí tạm thời không mua nếu chưa có khả năng tài chính.

           *CTXH trong bệnh viện: [3] việc sử dụng nguyên lý, phương pháp và kỹ năng của CTXH vào việc trị liệu xã hội cho người bệnh nhằm gia tăng sự hài lòng của họ khi sử dụng dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng CSSK người bệnh. Là các hoạt động hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và các nhân viên y tế trong BV nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh. Mục đích của CTXH trong BV là hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

*NVCTXH trong bệnh viện: Là nhân viên tâm sinh học trong việc khuyến khích, động viên, trao quyền… cho bệnh nhân (BN) và để họ tự quyết định các vấn đề về sức khoẻ từ đó làm tăng sự hài lòng của BN và nâng cao hiệu quả điều trị; rút ngắn thời gian điều trị (từ đó giúp giảm chi phí điều trị) và giúp BV cung cấp những dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu người bệnh. NVCTXH còn hỗ trợ tâm lí cho người nhà BN, cung cấp thông tin, hướng dẫn chăm sóc BN trong quá trình điều trị cũng như hỗ trợ người nhà BN giải quyết các vấn đề tâm lý sau khi BN ra viện.

2.1. Vai trò của NVCTXH trong CSSKND tại BV

Nhân viên CTXH trong BV đóng vai trò chủ đạo trong các công việc như sau: Phối hợp với các nhà chuyên môn khác để lượng giá tình trạng sức khỏe thể lực, tinh thần của bệnh nhân và tìm hiểu các nhu cầu của họ; Giới thiệu bệnh nhân, thân chủ hoặc gia đình của họ tới các nguồn lực của cộng đồng nhằm trợ giúp họ phục hồi sức khỏe, tiếp cận với các dịch vụ như hỗ trợ tài chính, trợ giúp tư pháp, nhà ở, công việc hay giáo dục; Vận động chính sách cho bệnh nhân hoặc thân chủ để giải quyết khủng hoảng; Tham vấn cá nhân hoặc nhóm cho bệnh nhân, thân chủ để giúp họ vượt qua sự phụ thuộc, phục hồi sức khỏe và cách nhìn nhận cuộc sống; Sử dụng số liệu tham vấn và kinh nghiệm CTXH để lập kế hoạch, phối hợp chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân, theo dõi sau điều trị để đảm bảo hiệu quả; Lập kế hoạch ra viện cho bệnh nhân trở về gia đình hoặc chuyển sang các cơ sở chăm sóc khác; Tổ chức nhóm trợ giúp hoặc tham vấn cho thành viên gia đình để giúp họ hiểu và hỗ trợ thân chủ, bệnh nhân; Thiết kế kế hoạch can thiệp phù hợp với điều kiện và chế độ của bệnh nhân; Giám sát, đánh giá và báo cáo về những tiến triển của bệnh nhân theo mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch can thiệp ban đầu; Xác định những trở ngại trong môi trường của bệnh nhân hoặc những tiến triển thông qua phỏng vấn và hồ sơ ghi chép về bệnh nhân.

Vai trò của NVCTXH đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ điều trị BN mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư hoặc nhóm yếu thế (trẻ em, vị thành niên, phụ nữ, người già…) và hỗ trợ sau điều trị BN. Là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa BN và nhân viên y tế, giữa BN và BN, BN và người nhà BN… Ngoài ra CTXH trong bệnh viện còn có nhiệm vụ giúp đỡ và tìm nguồn tài trợ cho các bệnh nhân nghèo, công tác truyền thông và quan hệ công chúng trong bệnh viện, tham gia công tác đào tạo tại bệnh viện…

2.2. Thực trạng hoạt động của NVCTXH trong CSSKND tại BV

Ở một số quốc gia phát triển trên thế giới hoạt động của NVCTXH trong CSSKND diễn ra khá chuyên nghiệp và bài bản. Tại các BV ở Mỹ, khoa Dịch vụ xã hội là nơi triển khai các hoạt động CTXH với một đội ngũ NVCTXH được đào tạo bài bản về CTXH chuyên ngành y tế với trình độ cử nhân, thạc sĩ. Trong mô hình này, BV chỉ là một khâu trong CSSK, NVCTXH sẽ tham gia vào toàn bộ quá trình điều trị của BN từ đầu đến cuối. Vì thế, vai trò của NVCTXH là vô cùng quan trọng trong quản lí và điều trị BN cả trong BV và ngoài cộng đồng. Tại đây, vai trò của NVCTXH đã được mở rộng khi họ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chuyên môn y tế và cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao. Ở Canada, các BV cũng có khoa Dịch vụ xã hội làm việc 24/7 để cung cấp dịch vụ cho BN một cách tốt nhất. Ngoài ra Khoa còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ qua điện thoại cho BN. Tại các bệnh viện Singapore, hệ thống NVCTXH đã và đang dần được hình thành và phát triển. Bước đầu, các BV sử dụng đội ngũ thực tập sinh trong các trường y tế công cộng để đào tạo kỹ năng về CTXH. Đội ngũ NVCTXH bán chuyên nghiệp này cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho việc hướng dẫn cho những BN nghèo, các BN nước ngoài tiếp cận với các dịch vụ xã hội tại Singapore.

Ở Việt Nam, vấn đề đang nảy sinh tại các BV hiện nay là tình trạng quá tải và mâu thuẩn tiềm ẩn giữa BV (bác sỹ, điều dưỡng) và BN. Quá tải BN xảy ra ở hầu hết các BV nhất là tuyến trung ương. Theo thống kê của ngành y tế, hiện nước ta có hơn 1.000 BV, với gần 300.000 giường bệnh. Hiện tại, ở cả ba cấp độ hoạt động của ngành y tế (tại cộng đồng, trong bệnh viện và ở cấp hoạch định chính sách) đều thiếu hoặc ít có sự tham gia của NVCTXH.[4] Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số các vấn đề xã hội khác trong BV như hiện tượng “cò bệnh viện” bởi bệnh nhân thiếu các thông tin khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh hoặc bởi tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ nhân viên y tế và bệnh nhân…

          Tuy nhiên, cũng giống như các nước đang phát triển, việc áp dụng mô hình CTXH tại các BN ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Trong những năm gần đây, tại một số BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh cũng đã triển khai một số hoạt động CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và các tình nguyện viên, nhằm hỗ trợ nhân viên y tế trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc người bệnh… Các hoạt động này đã góp phần làm giảm bớt khó khăn cho các BN và gia đình BN trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Một số mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong BV và tại cộng đồng cũng đã được hình thành trong thực tiễn như: phòng CTXH, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội… thuộc BV hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, BN tâm thần, giúp phục hồi chức năng…

          BV Nhi Trung ương (TW) là BV duy nhất cho đến nay đã thành lập được Phòng công tác xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động của đội ngũ NVCTXH tại BV Nhi TW mới chỉ thiên về nhiệm vụ huy động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ người bệnh[5]. Việc cung cấp, hỗ trợ thông tin cho người bệnh về quy trình khám chữa bệnh, kết nối các dịch vụ trong và ngoài BV cũng như hỗ trợ nâng đỡ tinh thần cho BN vẫn chưa làm được đầy đủ. BV Nhân Dân 115 cũng có bộ phận CTXH, nhưng lại trực thuộc phòng Điều dưỡng với tên gọi là Đơn vị Chăm sóc khách hàng. Tại đây, hoạt động của các NVCTXH mới dừng ở cung cấp thông tin về quy trình khám chữa bệnh, tư vấn bệnh… cho người bệnh. Còn ở BV Đa khoa TW Huế cũng có đội ngũ cán bộ gồm 20 người do phòng Điều dưỡng quản lý, tuy nhiên cũng chỉ làm nhiệm vụ chỉ dẫn, hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh cho BN, vận chuyển BN đến các khoa cận lâm sàng và khoa điều trị. Ở Nghệ An, BV Tỉnh cũng có những hoạt động về CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên CTXH tình nguyện hỗ trợ các nhóm bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo…

          Tại một số bệnh viện khác, hoạt động về CTXH cũng đã bắt đầu được triển khai nhằm giảm bớt áp lực công việc cho nhân viên y tế và tăng cường các trợ giúp xã hội cho bệnh nhân trong quá trình KCB. Tuy nhiên, mô hình tổ chức của bộ phận hoạt động CTXH rất khác nhau - có thể là một bộ phận thuộc Phòng Hành chính hoặc gắn với hoạt động của các tổ Công đoàn thuộc tất cả các khoa/phòng chứ chưa có một đội ngũ NVCTXH chuyên trách.

          Có thể thấy, hoạt động CTXH nói chung, hoạt động của NVCTXH trong BV nói riêng ở nước ta hiện nay chưa chuyên nghiệp mới chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ nhu cầu của người bệnh. Tất cả các mô hình hiện đang triển khai tại các BV vẫn chưa thực hiện đúng và đầy đủ chức năng CTXH trong BV. Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động chủ yếu xuất phát từ tấm lòng từ thiện và kinh nghiệm của bản thân, chưa được đào tạo bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng CTXH nên thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa cao. So với các mô hình CTXH trong bệnh viện ở các nước trên thế giới thì nhân viên CTXH trong các bệnh viện ở Việt Nam còn chưa thực hiện được đầy đủ các vai trò.

2.3. Nguyên nhân

Thực tế hiện nay ở Việt Nam, CTXH trong bệnh viện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chức danh chuyên môn về CTXH trong cơ cấu nhân sự y tế và chưa có phòng công tác trong tổ chức bộ máy ở hầu hết các bệnh viện.

Đội ngũ làm CTXH mới được thực hiện tốt ở một số BV lớn, BV tuyến Trung ương, còn BV tuyến tỉnh, tuyến huyện hoạt động này vẫn chưa được coi trọng, do vậy chưa tạo được bước đột phá về chất lượng phục vụ khiến bệnh nhân tại các cơ sở y tế này hài lòng. Mặt khác, vai trò của NVCTXH trong CSSKND tại BV chưa được nhìn nhận đúng, điều này không những đã ảnh hưởng xấu tới việc hoàn thành nhiệm vụ, làm giảm sút về tinh thần, gây hoang mang trong đội ngũ NVCTXH mà còn làm giảm sự ảnh hưởng của họ trong công việc, gây khó khăn trong giao tiếp, làm việc với các đồng nghiệp và ảnh hưởng đến niềm tin của bệnh nhân dành cho NVCTXH...

Ngoài ra, hiện phần lớn nhân viên làm CTXH trong các BV chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ này mà nhiều trong số đó là cán bộ kiêm nhiệm hoặc công tác ở lĩnh vực khác sau đó chuyển công tác sang lĩnh vực CTXH. Mối liên hệ qua lại giữa CTXH và cá nhân bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi kĩ năng, kiến thức, khả năng lắng nghe, thấu hiểu và phán xét/đánh giá của NVCTXH, khiến cho NVCTXH khó hoàn thành tốt vai trò của mình.

Đó còn chưa kể, hiện những hoạt động CTXH tại các bệnh viện vẫn chỉ được tiến hành ở những giải pháp có tính chất tạm thời, khách quan, bên ngoài nhằm kêu gọi giúp đỡ cho bệnh nhân từ các tổ chức xã hội song lại chưa có sự chủ động hợp tác giữa cán bộ xã hội và cán bộ y tế trong bệnh viện để cùng nhau nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

2.4. Yêu cầu đặt ra đối với NVCTXH trong CSSKND tại bệnh viện đáp ứng nhu cầu hội nhập

Để phục vụ nhu cầu xã hội và các tình thế nguy cấp cả ở cấp quốc gia lẫn toàn cầu, các NVCTXH trong CSSKND tại BV ngày càng cần phải được chú trọng đào tạo hơn nữa. Xin đưa ra một số yêu cầu đối với nhân viên CTXH trong CSSKND tại BV trong bối cảnh hội nhập ở Việt Nam hiện nay trên cơ sở tham khảo bộ Tiêu chuẩn NASW về Hoạt động CTXH trong các cơ sở Chăm sóc y tế của Mỹ.

- Yêu cầu về Đạo đức

Nhiệm vụ chính của CTXH trong BV là nâng cao sức khỏe của con người và giúp đáp ứng những nhu cầu con người cơ bản cho toàn thể mọi người, quan tâm đặc biệt tới nhu cầu của những người dễ bị tổn thương, mất quyền công dân, bị áp bức và đang sống trong nghèo khổ. Chính vì thế, NVCTXH trong CSSKND tại BV phải khác với NVCTXH ở các lĩnh vực khác. Trước hết, họ phải là người có tấm lòng nhân hậu, chín chắn, nhạy cảm với cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh, không thiên vị, không phân biệt đối xử. Luôn kiên nhẫn và từ bi hỷ xả. Đồng thời, họ là một nhân vật trung gian, đại diện cho cả hai phía, bệnh viện và bệnh nhân, thiết lập mối quan hệ bình đẳng và truyền thông có hiệu quả giữa hai phía, giúp giảm xung đột, nâng cao hiệu quả điều trị. Đặc biệt, ở trong môi trường y khoa, họ phải thấm nhuần Y đức: trước hết không gây hại - gây hại ở đây không chỉ dùng thuốc hay kỹ thuật y khoa mà là lời ăn tiếng nói, cử chỉ, thái độ. Họ phải tôn trọng sự tự chủ của bệnh. Trung thực, công bằng và bình đẳng, biết tôn trọng nhân phẩm con người, biết giữ bí mật nghề nghiệp. Các NVCTXH hoạt động chăm sóc y tế sẽ duy trì những cơ chế bảo vệ thích hợp đối với sự riêng tư và bảo mật thông tin khách hàng. Với những đòi hỏi như vậy, đầu vào có vai trò quyết định, người NVCTXH phải được chọn lọc kỹ, qua một cuộc phỏng vấn, một bài tự luận chẳng hạn là rất cần thiết.

- Yêu cầu về năng lực Văn hóa

NVCTXH trong CSSKND tại BV phải phát triển và duy trì một hiểu biết về lịch sử, truyền thống, các giá trị và hệ thống gia đình của các nhóm bệnh nhân khi họ tham gia công tác chăm sóc y tế và ra quyết định. Điều này có nghĩa họ phải có một năng lực văn hóa nhất định, phải có một sự nhạy bén và nhận thức đối với sự đa dạng của các nhóm văn hóa và hài hòa kiến thức này vào hoạt động nghề nghiệp của mình. NVCTXH trong CSSKND tại BV cần tiếp cận được từng hoạt động tương tác giữa người bệnh và gia đình của họ xuất phát từ quan điểm nhận thức và tôn trọng văn hóa. Điều này bao hàm việc tránh rập khuôn những cá nhân dựa trên những tương đồng với nhóm giả định và thay vào đó hỏi các cá nhân mặt nào trong văn hóa của họ có ý nghĩa trong việc thấu hiểu các nhu cầu chăm sóc y tế cụ thể. NVCTXH cần thừa nhận rằng các yếu tố tôn giáo, tâm linh, văn hóa, sắc tộc có thể tác động đến những lựa chọn chăm sóc y tế và việc tham gia vào các chế độ y tế. Họ cần có kỹ năng tham vấn tâm lý, biết tôn trọng, chân thành và thấu cảm nhưng giữ tinh thần khoa học, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi văn hoá cá nhân.

- Yêu cầu về Chuyên môn

NVCTXH trong CSSKND tại BV phải chứng tỏ kiến thức chuyên môn CTXH về mặt lý thuyết, thực hành thông dụng và ứng dụng hài hòa những thông tin đó vào thực tế. Họ sử dụng các kiến thức và các suy đoán tâm lý-xã hội về bệnh tật, thương tổn và những điều kiện y tế để đáp ứng các dịch vụ CTXH cho người bệnh và gia đình người bệnh, giúp họ quản lý và đương đầu với những ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe. Mặt khác, họ phải có chuyên môn trong giao tiếp; điều phối các hệ thống chăm sóc, các nguồn lực, các kỹ năng đối diện của khách hàng và gia đình và tác động toàn diện của những vấn đề y tế tới khách hàng. Với quan điểm con người–trong-môi trường, các NVCTXH trong CSSKND tại BV xem xét tất cả những ảnh hưởng và phạm trù của đời sống cá nhân để hoàn chỉnh một kế hoạch đánh giá và điều trị xuyên suốt với người bệnh, gia đình người bệnh và các chuyên gia chăm sóc y tế khác.

Một thực tế nữa đang đặt ra ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng là sự bất bình đẳng trong tiếp cận hệ thống dịch vụ y tế vẫn ngày một gia tăng. Các dịch vụ y tế chất lượng cao vẫn chủ yếu phục vụ tầng lớp giàu có trong xã hội, những nhóm xã hội yếu thế sẽ càng rơi vào trạng thái tổn thương nếu chẳng may lâm vào tình trạng bệnh tật. Vì vậy, NVCTXH trong CSSKND tại BV đòi hỏi có kiến thức để giúp họ nhận ra và xử lý những bất bình đẳng và bất công đang hướng đến người bệnh, tổ chức và các cộng đồng liên quan đến việc tiếp cận chăm sóc và cung cấp các dịch vụ y tế. Các thực thể khác nhau hình thành nên các chính sách công và toàn cầu ở mọi quốc gia. Vì thế, NVCTXH trong CSSKND tại BV phải bắt kịp các chính sách để giúp đỡ các khách hàng một cách thành thạo và đánh giá các yếu tố thể chất, môi trường, lịch sử, hoàn cảnh, văn hóa và cấu trúc có ảnh hưởng đến các hệ thống chăm sóc y tế.

- Yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp

+ Kỹ năng Đánh giá

Đánh giá là một nền tảng cơ bản của hoạt động CTXH. Các chiến lược/kế hoạch điều trị và can thiệp đòi hỏi các NVCTXH phải đánh giá và tái đánh giá các nhu cầu của người bệnh và chỉnh sửa các kế hoạch cho phù hợp. Các đánh giá CTXH trong CSSKND tại BV bao gồm việc xem xét các yếu tố tâm lý-xã hội, sinh y học và tâm linh cũng như các nhu cầu của cá nhân người bệnh và gia đình. NVCTXH sẽ phải thực hiện các đánh giá thường xuyên bao gồm cả việc thu thập các thông tin toàn diện để sử dụng trong việc triển khai các can thiệp và chiến lược điều trị. NVCTXH khi tiếp xúc với bệnh nhân tại bệnh viện thường sẽ phải có đánh giá sơ qua những điểm mạnh và điểm yếu về mặt tâm lý và môi trường của bệnh nhân; hỗ trợ gia đình bệnh nhân hợp tác trong trị liệu và giúp bệnh nhân sử dụng tốt các dịch vụ y tế hợp tác với cán bộ y tế điều trị trong việc cung cấp dịch vụ đảm bảo sử dụng tối đa kỹ năng và kiến thức của mỗi nhóm viên; cùng các đồng nghiệp có nghề nghiệp chuyên môn khác cải tiến dịch vụ của bệnh viện bằng cách chia sẻ kiến thức liên ngành…

+ Kỹ năng Lập kế hoạch điều trị và can thiệp

Các kế hoạch điều trị và can thiệp là những bước mà NVCTXH trong CSSKND tại BV phải nhận diện trong khi cộng tác với người bệnh và thành viên ê kíp để đạt được những mục tiêu đồng nhất trong quá trình đánh giá. Họ sẽ có thể phải thay đổi các kỹ thuật hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của người bệnh trong bệnh viện để làm việc hiệu quả với các cá nhân trong suốt cuộc đời, với các dân tộc khác nhau, văn hóa, tôn giáo và hoàn cảnh giáo dục và kinh tế xã hội khác nhau đồng thời với nhiều tình trạng khuyết tật và sức khỏe tâm thần.

+ Kỹ năng Giáo dục

NVCTXH trong CSSKND có vai trò như những nhà sư phạm. Họ phải tiếp thu những kiến thức và chuyên môn trong cơ sở hoạt động y tế từ giáo dục chính quy và các chuyên viên khác, hay từ kinh nghiệm học tập và học tập. Họ có kiến thức và kỹ năng để thực hiện các nguyên tắc lý thuyết được học trong các chương trình giáo dục, các hoạt động và nguồn lực. Họ sử dụng những tri thức đó để truyền đạt và cộng tác với các phòng ban và các nhân viên khác để bồi dưỡng giáo dục người bệnh. Họ giúp các thành viên khác của ê kíp chăm sóc y tế ở bệnh viện trong việc đánh giá, thực hiện, hoạch định và phát triển chương trình và nguồn lực. Các NVCTXH cộng tác với ê kíp chăm sóc y tế để thiết kế ra các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu của người bệnh, phân phối các hoạt động theo phương pháp tạo thuận lợi cho nhu cầu học tập, và đánh giá quá trình học tập một cách hệ thống, toàn vẹn và liên tục.

+ Kỹ năng Làm việc nhóm và Cộng tác

NVCTXH trong CSSKND tại bệnh viện tham gia vào nhiều ê kíp chăm sóc y tế, đặc biệt là các nhóm liên ngành. Những ê kíp này thường đáp ứng sự chăm sóc và thông tin toàn diện của bệnh nhân nội trú hay ngoại trú. Khi là thành phần trong các ê kíp và tổ chức cộng tác như vậy, các NVCTXH trong CSSKND tại bệnh viện sẽ phải chứng tỏ được khả năng: Hiểu biết chức năng và nhiệm vụ của đoàn thể hay tổ chức dịch vụ mà NVCTXH làm việc; Hiểu được vai trò của các chuyên ngành và tổ chức liên quan khác; Giao tiếp và hợp tác phù hợp với các cơ quan và ngành khác; Đảm bảo vai trò và trách nhiệm CTXH được mô tả và truyền đạt rõ ràng đến các thành viên khác của ê kíp; Đảm bảo vai trò và trách nhiệm của mỗi tổ chức cộng tác được mô tả và truyền đạt rõ ràng; Vận động cho những thay đổi trong công tác CSSK mà phản ánh những lợi ích của bệnh nhân và hệ thống bệnh nhân; Truyền đạt các thông tin của người bệnh theo phương thức khách quan và tôn trọng, bảo vệ tính bảo mật và sự riêng tư; Chia sẻ các chức năng ra quyết định và lãnh đạo. Họ phải có kỹ năng truyền thông tốt, biết lắng nghe, thương thảo, khơi dậy, có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, phối hợp,… Họ cũng có mối quan hệ rộng rãi ở cộng đồng, với giới truyền thông, với các tố chức, các trung tâm xã hội như một mạng lưới để hỗ trợ một cách cụ thể khi cần…

  1. Kết luận

Có thể thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ NVCTXH của ngành y tế hiện nay  nói chung, ở bệnh viện nói riêng là rất lớn và rất cần thiết ở mọi cấp độ, song cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng để xác định lĩnh vực ưu tiên, lộ trình phát triển sao cho phù hợp. Vì thế, rất cần sự năng động và đột phá để có sự hợp tác hiệu quả hơn giữa những bên liên quan như: Trường đại học, viện nghiên cứu; Bệnh viện các tuyến… để có thể rút ngắn khoảng cách và lộ trình hiện thực hóa các chiến lược và chính sách, trong phát triển dịch vụ CTXH trong lĩnh vực y tế mà cụ thể ở đây là dịch vụ CSSKND tại bệnh viện hiện nay. Đặc biệt, tại các trường Đại học, Cao đẳng, trong quá trình triển khai đào tạo, ngoài những kiến thức, kỹ năng về CTXH thông thường, sinh viên ngành CTXH cần phải tham gia học phần tự chọn về CTXH trong y tế hoặc thực tập tại bệnh viện; cần được bổ sung kiến thức về các thuật ngữ y khoa; hiểu biết về vai trò của nhóm chăm sóc sức khỏe; hiểu biết các khía cạnh tâm lý xã hội của bệnh tật và sức khỏe; kiến thức về lập kế hoạch chăm sóc và quá trình lập kế hoạch xuất viện… Có như thế, những sinh viên CTXH khi ra trường mới phần nào đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, thực hiện đúng vai trò của một NVCTXH trong CSSKND tại bệnh viện, góp phần nâng cao sức khỏe của con người và đáp ứng những nhu cầu con người cơ bản cho toàn thể mọi người./.

 

                                                                                  N.T.T.D

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Wiliam C.Hsiao. Abnormal economics in the health sector, 1995
  2. NASW-National Association of Social Workers’ Code of Ethics, 1999
  3. CASW-Canadian Association of Social Worker’ Code of Ethics 2005
  4. Tổ chức Unicef Việt Nam Nghiên cứu nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo cho phát triển Công tác xã hội ở Việt Nam (2005)

 

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI MƯỜNG TẠI THÔN CAO VÂN, XÃ NGỌC KHÊ, HUYỆN NGỌC LẶC, TỈNH THANH HÓA (10/10/18)
 GIA ĐÌNH VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (05/10/18)
 ẢNH HƯỞNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÀ Ở NÔNG THÔN HIỆN NAY  (25/09/18)
 QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY  (25/09/18)
 VÀI TRAO ĐỔI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TUỔI NGHỈ HƯU Ở VIỆT NAM (24/09/18)
 TẠI SAO CẦN CHỨNG CHỈ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (24/09/18)
 MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NĂM CUỐI CẦN CÓ (24/09/18)
 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN BỘ MÔN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (19/09/18)
 BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA Ở VIỆT NAM  (17/09/18)
 TÁI HÔN Ở NGƯỜI GIÀ  (17/09/18)
Hôm nay 3277
Hôm qua 4318
Tuần này 16866
Tháng này 79227
Tất cả 3048010
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn