Nghiên cứu khoa học
GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI MƯỜNG TẠI THÔN CAO VÂN, XÃ NGỌC KHÊ, HUYỆN NGỌC LẶC, TỈNH THANH HÓA

                                                            

  1. Đặt vấn đề

Thôn Cao Vân (hay còn gọi là làng Ngán) nằm trong địa bàn xã Ngọc Khê – huyện Ngọc Lặc – tỉnh Thanh Hoá, nơi đây hiện nay đã có dự án đang thuộc khu vực quy hoạch để phát triển đô thị miền Tây Thanh Hóa. Theo quy hoạch tổng thể, thôn Cao Vân sẽ trở thành địa điểm du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh. Văn hóa của người Mường nơi đây khá độc đáo do trong lịch sử, làng Ngán là địa danh có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

  1. Văn hóa truyền thống của người Mường tại thôn Cao Vân, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Theo thống kê chưa cụ thể thể thì dân số trong thôn có khoảng 400, trong đó, người Mường chiếm khoảng 98% dân số trong thôn. Thôn Cao Vân là thôn được giao lưu nhiều với các dân tộc khác như: Thái, Dao, Kinh. Vì vậy, nơi đây văn hoá có sự khác biệt so với các khu vực Mường khác. Tuy nhiên, về cơ bản văn hóa truyền thống của thôn vẫn đậm chất Mường Thanh Hóa.

Về nhà ở truyền thống, hiện nay, tại thôn Cao Vân còn lại 8 ngôi nhà sàn nguyên bản với kiểu dáng là 5 gian 2 chái. Trong thôn cũng còn 25 nhà sàn nhưng hầu hết các ngôi nhà sàn này đã bị thay đổi về chất liệu và kiểu dáng. Nhà sàn người Mường tại thôn Cao Vân, kiểu hai mái dài, hai chái, cột chôn xuống đất, các xà, kèo, đòn tay gác lên nhau, nhà lợp bằng lá kè, lá cọ. Đặc biệt, còn 2 gia đình sở hữu hai ngôi nhà sàn cổ rất có giá trị, tuy nhiên do điều kiện hoàn cảnh khó khăn của hai gia đình nên hai ngôi nhà đang trên đà bị hư hỏng, nếu được đầu tư sửa chữa, cộng với việc tu bổ cảnh quản xung quanh, đó sẽ là một điểm dừng chân trong các chuyến tuyến điểm du lịch của làng.

Về ẩm thực, người Mường tại thôn Cao Vân hầu như vẫn còn giữ được những món ăn truyền thống của người Mường xưa: rượu cần, lợn thui luộc, thịt lợn muối chua, thịt lợn muối chua, măng chua nấu thịt gà, chả cuốn lá bưởi, cá nướng đồ, thịt trâu lá nồm, cơm lam và xôi các màu, măng đắng, rau rừng đồ, canh Loóng,...

Ngoài ra, nhân dân trong thôn còn trồng các loại cây ăn quả như: cam giấy, cam sành, quýt vòi không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn nhiều vùng trong tỉnh và ngoại tỉnh biết đến, vị ngọt đậm và rất thơm. Quýt tại thôn Cao Vân thuộc loài quýt dại trước đây chủ yếu là mọc trên rừng nhưng được bà con lấy giống về vườn nhà trồng. Mùa quýt chín thường vào tháng 9 đến tháng 11.

Phụ nữ thôn Cao Vân mặc trang phục người Mường trong, váy đen bằng vải, lụa tự dệt, cạp váy có hoa văn hình con rồng, con công, con hươu, quả trám, quả núi rất cầu kỳ và tinh xảo. Thắt lưng bằng vải tơ tằm nhuộm xanh nhạt hoặc tím, bên trái vắt xuống một tua khoảng 30cm. Áo khóm liền vai, mặc luồn cổ, khăn đội đầu màu đen có thêu hoa văn rất đẹp. Cùng với y phục, người phụ nữ còn ra sử dụng trang sức để làm đẹp cho bộ ý phục của mình. Trang sức của người phụ nữ Mường chủ yếu bằng bạc trắng gồm nhiều loại: vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 giây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc... Ngày nay, phần lớn người Mường tại thôn Cao Vân cả nam và nữ dùng quần áo may sẵn bằng vải dệt công nghiệp. Tuy nhiên, một số người trung niên và hầu hết người cao niên vào dịp lễ, tết vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trước đây, do điều kiện kinh tế tự cung tự cấp nên các nghề thủ công truyền thống rất phát triển với các nghề: mộc, rèn, nề, rèn, mộc dân dụng, đan lát tuy không nổi tiếng nhưng đã đáp ứng được nhu cầu của địa phương.

  1. Những giá trị văn hóa độc đáo của người Mường liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Thôn Cao Vân xưa có tên là làng Ngán. Cái tên làng Ngán có lịch sử từ rất lâu trước đây, liên quan đến những sự tích đánh giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Hang Bàn Bù và núi rừng nơi đây xưa kia là địa bàn hoạt động kín đáo của nghĩa quân Lam Sơn. Khi còn non yếu nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đã được rừng núi và hang động cùng với cư dân các Mường đùm bọc, nuôi nấng bảo vệ nghĩa quân thoát khỏi nhiều cuộc vây bắt, càn quét lớn của giặc Minh. Không phải ngẫu nhiên mà làng Ngán có tên gọi như ngày nay, theo các cụ cáo niên vì làng này gần cửa hang Bàn Bù, tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của nghĩa quân Lam Sơn làm cho quân địch bạt vía kinh hồn đến độ ngán ngẩm mỗi khi đặt chân đến đất này.

Trong các giá trị văn hóa tại thôn thì đáng nói đến nhất chính là: Quần thể di tích lịch sử Bàn Bù. Hiện nay, trong quần thể di tích Bàn Bù gồm có một ngôi chùa (Thiền Tự Trúc Lâm Bàn Bù) và hai ngôi đền là đền thờ Mẫu Thoải và đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn. Nơi đây là nơi thờ cúng tâm linh không chỉ dành riêng cho bà con trong thôn mà còn là nơi cho bà con gần xa tới thắp hương, vãn cảnh.

Chùa Nán

Chùa Nán Thờ Phật Thích Ca Mầu Ni theo Thiền phái Trúc Lâm, chùa đã có từ xa xưa, trước năm 1420 giặc Minh xâm lược đã tàn phá chùa, nhân dân đã phải sơ tán vào hang Bàn Bù lập bàn thờ thần Nước và thờ Phật. Sau khi chiến thắng quân Minh, nhân dân lại xây dựng chùa để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Trải qua thời gian, Chùa Nán đã bị cháy, hư hỏng toàn bộ, chỉ còn lại phần nền đất. Đến ngày 18/01/2016 (tức ngày 09/12 Ất Mùi) Chùa Nán (Trúc Lâm Bàn Bù Thiền Tự) đã được đồng bào nhân dân các dân tộc cùng các nhà doanh nghiệp, phật tử trong và ngoài huyện công đức phục dựng. Đến ngày 30/11/2016 (tức ngày 1/11/ Bính Thân) chùa Nán đã được khánh thành.

Đền thờ Lê Lai, Lê Lợi và các anh hùng nghĩa quân Lam Sơn

Để tưởng nhớ công ơn các vị anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người dân trong làng Ngán đã lập đền thờ các vị anh hùng tuy nhiên qua thời gian, ngôi đền bị hư hỏng và không còn nữa. Huyện Ngọc Lặc đang cho tiến hành phục dựng lại những công trình này.

Đền thờ mấu Thoải

Thoải là chữ thủy đọc trại đi. Mẫu Thoải tức Mẫu Thủy, là mẹ nước (Thủy Cung Thánh mẫu) được thờ cúng lâu đời trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Nhân dân trong thôn thờ bà để mong hằng năm mưa thuận gió hoà để canh tác được thuận lợi và mùa màn bội thu. Vua Lê Thái tổ sắc phong cho Nhân dân làng Ngán. Bản dịch sắc phong: "Sắc cho xã Ngọc Khê, Châu Ngọc, tỉnh Thanh Hóa phụng thờ Tĩnh Quang Ngọc Giám Thủy Lôi Lưu Thanh Thủy Thần. Nỗi niềm nghiệm thấy linh thiêng ứng nghiệm. Tới nay vừa đúng Vua tứ tuần (40 tuổi) làm lễ khánh tiết Trẫm ban chiếu báo ơn sâu lễ rộng thăng lên một bậc, lại gia phong thêm Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần. Cho phép phụng thờ thần để thần giúp dân ta".

Hang Bàn Bù

Nằm bên QL15A thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá), Bàn Bù là hang động kỳ thú ẩn mình trong lòng núi Than, được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp mê hồn. Ngoài ra, nơi đây còn gắn liền với nhiều điển tích ly kỳ của người anh hùng áo vải Lê Lợi. Hang Bàn Bù có chiều dài 6.000 m bên trong ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng.

Qua số liệu khảo tả di tích hang Bàn Bù cho thấy hang dài khoảng 2,5km và đặc biệt là có nước tinh khiết chảy ra quanh năm. Dọc quốc lộ 15A từ thị trấn Ngọc Lặc đi Quan Hóa ta sẽ nhìn thấy cửa hang. Cửa hang quay về hướng Tây Nam. Từ mặt đường mòn theo sườn núi 20m theo hướng lên trên đỉnh núi ta gặp cửa hang (cửa hang có thể đi bộ được). Ngoài ra, còn có một cửa khác nhân dân gọi là khe nước, nơi có ngồn nước chảy ra, từ cửa hang đi vào 20m thì đến hồ nước nơi có vòm rộng nhất.

Khu vực hang Bàn Bù là nơi có nguồn nước tinh khiết, có trữ lượng nước sinh hoạt dồi dào, cảnh quan kỳ thú, lịch sử độc đáo có thể đáp ứng cho việc nghiên cứu và tham quan du lịch.

Qua số liệu khảo tả di tích hang Bàn Bù cho thấy hang dài khoảng 2,5km và đặc biệt là có nước tinh khiết chảy ra quanh năm. Từ mặt đường mòn theo sườn núi 20m theo hướng lên trên đỉnh núi ta gặp cửa hang (cửa hang có thể đi bộ được). Ngoài ra, còn có một cửa khác nhân dân gọi là khe nước, nơi có ngồn nước chảy ra, từ cửa hang đi vào 20m thì đến hồ nước nơi có vòm rộng nhất.

Đường lên hang phải men theo một thác nước nhỏ, chảy róc rách cùng với tiếng gió, tiếng lá rơi của đại ngàn tạo thành bản nhạc rừng du dương, dịu nhẹ. Cửa động rộng mở, ẩn nấp sau màu xanh của cây rừng.

Bên trong động như một vịnh Hạ Long thu nhỏ hiện ra, nước trong xanh và những hòn đá mảnh mai nhô lên như những cánh buồm lộng gió ở nơi biển cả. Trên vòm đá, từng khe nước nhỏ tinh khiết thánh thót chảy xuống tạo nên hồ nhỏ lăn tăn gợn sóng.

Vào sâu chừng 20m, có nền đá phân ô vàng óng, được tráng bằng lớp nước mỏng tang trong vắt. Gần đó có khối nhũ đá tạo dáng người như đang ngồi trông giữ "vật báu thiêng" nơi miền sơn cước. Dân bản địa gọi chỗ này là Ruộng Vua.

Qua Ruộng Vua, leo lên sườn hang, một cột đá lớn sừng sững giữa động như cột trụ trời. Bao quanh cột, nhũ đá chảy xuống và đông lại tạo thành tán, trông giống những cành tùng La Hán. Vòm cột trải ra uốn cong như bệ ngai vàng vững chãi chìm dưới màu vàng tươi óng ả. Những tượng đá nghiêng mình khấn vái trước mặt làm cột trở nên uy nghi giống ảnh vị thần.

Hang động gồm hai lối đi tới hai hang động khác nhau nhân dân bản đia gọi là hang nước và hang cạn. Sở dĩ gọi là hang cạn và hang nước vì một hang thấp hơn có dòng nước chảy qua rất thơ mộng còn hang cạn thì có phần cao hơn và khô không có nước. Mỗi hang đều có các đặc trung và sự hấp dẫn riêng cho du khách khi thăm quan qua nơi này

Càng vào sâu càng nhiều vẻ đẹp lạ lùng của nhũ đá và dáng động hiện ra. Bàn Bù uốn lượn như thân rồng và có nhiều hình thù gần gũi thân quen với con người, có cả dòng nước trong veo chảy lững lờ níu giữ chân người, những tượng đá như hình người đứng hai bên lối đi nghiêng đầu chào khách vào động. Vào đây, du khách như "lạc" vào không gian huyền thoại, ở đó có hình Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ cúi mình tát nước cho dân Mường, pha lẫn là một chút truyền thuyết lịch sử về người anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khu vực hang Bàn Bù là một trấn ải quan trọng chống giặc Minh tấn công vào trung khu của cuộc khởi nghĩa. Hang Bàn Bù được chọn là địa điểm trú ẩn và tập hợp các binh Mường, suối Bàn Bù là phòng tuyến bên ngoài giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chiến thắng quân Minh, mà tiêu biểu là chiến thắng Bàn Bù nổi tiếng vào tháng 11 năm 1420 đẩy lùi quân Minh, mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, khu vực hang Bàn Bù được vua Lê Thái Tổ sắc phong cho dân bản tại đây tổ chức ăn mừng chiến thắng vào ngày 18 và 19 tháng Giêng hằng năm. Từ đó đến nay lễ hội truyền thống này luôn được tổ chức và ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Trước đây, theo bà con dân làng, thì lễ hội này có 2 phần: lễ và hội. Phần lễ là nghi lễ tế thần linh được tiến hành trong hang Bàn Bù, chùa Ngán, đền thờ Lê Lợi và các vị anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đền thờ Mẫu Thoải. Còn phần hội thì bà con dân làng vui chơi quanh cây bông cây hoa. Lễ hội Bàn Bù chính là sự kết hợp độc đáo giữa tín ngưỡng cổ truyền của người Mường và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Nghi lễ Rước nước từ trong hang theo nghi lễ tâm linh, được diễn ra nghiêm túc, trang trọng với các bước khấn gọi vía nước, khấn vía nước và lễ hiến nước. Tại nghi lễ có các thầy mo cúng và 4 thiếu nữ cầm quạt theo sau. Các thiếu nữ này tượng trưng cho 4 mùa mưa thuận gió hòa. Sau nghi lễ cúng, đoàn nam, nữ múc nước vào ống vèo, ống nước. Sau nghi lễ tế thần linh, đoàn rước nước gồm 9 cô gái, 9 chàng trai vác ống lấy nước từ trong hang đem ra tế thần linh và các bậc tiền nhân.

Đây là một nghi lễ quan trọng cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ rước nước biểu hiện một mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng lớn, bao hàm được những yếu tố: linh khí, hồn thiêng sông núi, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ rước nước không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn mang giá trị đạo đức truyền thống và có ý nghĩa giáo dục lòng tự hào dân tộc, hướng về cội nguồn. Vì ngày xưa cũng tại hang Bàn Bù nghĩa quân Lam Sơn ăn mừng thắng trận, thay vì rượu đã dùng nước hang Bàn Bù để cùng chúc tụng nguyện thề cùng chung sức đồng lòng đánh tan quân giặc.

Phần hội thường có: nghĩa quân Lam Sơn tập trận, múa võ, múa rồng, múa lân, đấu vật, ném còn và trò chơi dân gian khác được tái hiện theo nguyên bản triều Lê. Kết hợp thêm vào ngày hội là trò diễn Pôồn pôông với các trò chơi trò diễn độc đáo, thể hiện sinh động và đầy đủ nhất đời sống sinh hoạt của bà con người Mường trong thôn Cao Vân.

Năm 2005, hang Bàn Bù đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và làng Ngán với các giá trị văn hóa độc đáo của cư dân Mường được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo đồng thời, phát triển du lịch. Trong tương lai, quần thể di tích, danh thắng này là điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa mỗi khi muốn khám phá miền Tây Thanh Hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng bộ xã Ngọc Khê, Dự thảo lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
  2. http://thongtinquyhoach.thanhhoa.gov.vn/vi/search/detail/5036
  3. http://ngoclac.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/default.aspx

 

 

Tác giả: ThS. Bùi Thị Hậu
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 GIA ĐÌNH VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (05/10/18)
 ẢNH HƯỞNG CỦA DI CƯ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÀ Ở NÔNG THÔN HIỆN NAY  (25/09/18)
 QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY  (25/09/18)
 VÀI TRAO ĐỔI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TUỔI NGHỈ HƯU Ở VIỆT NAM (24/09/18)
 TẠI SAO CẦN CHỨNG CHỈ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (24/09/18)
 MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NĂM CUỐI CẦN CÓ (24/09/18)
 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN BỘ MÔN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (19/09/18)
 BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA Ở VIỆT NAM  (17/09/18)
 TÁI HÔN Ở NGƯỜI GIÀ  (17/09/18)
 HIỆN TƯỢNG GIA ĐÌNH ĐƠN THÂN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY (17/09/18)
Hôm nay 1006
Hôm qua 4318
Tuần này 14595
Tháng này 76956
Tất cả 3045739
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn