Nghiên cứu khoa học
TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, ĐÔ THỊ HÓA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ THANH HÓA HIỆN NAY.

TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, ĐÔ THỊ HÓA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ THANH HÓA

HIỆN NAY.

 

  1. Tình hình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Thành phố Thanh Hóa

        Công nghiệp hóa là xu hướng phát triển tất yếu của các nước trên thế giới và là xu thế của thời đại. Đây cũng là con đường phát triển tất yếu của nước ta vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa không chỉ là công cuộc xây dựng kinh tế mà chính là sự biến đổi cách mạng sâu sắc đối với quá rình phát triển kinh tế xã hội nhằm đưa đất nước khỏi tình trạng đói nghèo, kém phát triển và rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.

        Ở Thanh Hóa nói chung và Thành phố Thanh Hóa nói riêng, tiến trình công nghiệp hóa được thực hiện từ những năm 80 - 90 của thế kỷ XX. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh cũng xác định: Khai thác mọi nguồn lực, tập trung đầu tơ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để từng  bước  tiến  hành  công  nghiệp  hóa,  hiện  đại  hóa  nông  nghiệp  nông  thôn,  đẩy mạnh  sản  xuất  tiểu  thủ  công  nghiệp  và  xuất  khẩu,  phát  triển  kinh  tế  nhiều  thành phần, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

        Hiện nay,  kinh tế  -  xã  hội của tỉnh Thanh Hóa  đã  phát triển mạnh mẽ, vươn lên tốp các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn nhưng trước đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Thanh Hóa đã chuyển sang phát triển công nghiệp  -  đô thị  -  dịch vụ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thành phố Thanh Hóa tuy diện tích nhỏ so với cả tỉnh nhưng dân số chiếm số lượng đông. Hiện nay, Thành phố Thanh Hóa có 3 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Lễ Môn; Khu công nghiệp tây Bắc ga; Khu công nghiệp Hoằng Long. Nhiều khu công nghiệp nằm trên các địa bàn có nhiều di tích đang tồn tại… Cùng với các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp  làng nghề hình thành và phát triển là nhân tố cơ bản để tiến hành CNH.

        Sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm làng nghề trên địa bàn Thành Phố đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.

        Cùng với CNH, quá trình ĐTH ở Thành phố Thanh Hóa cũng  đang  diễn ra mạnh mẽ. Các khu công nghiệp đã khẳng định vai trò  quan trọng và ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển các khu đô thị ở Thành phố Thanh Hóa. Chính từ các khu công nghiệp đã hình thành các khu đô thị mới, cùng cơ sở hạ tầng xã hội đã đưa mạng lưới đô thị ngày càng phát triển và mở rộng. Dự  báo  trong  tương  lai  gần,  Thành phố Thanh Hóa  sẽ  trở  thành  địa  phương  phát  triển công nghiệp, đồng  thời đô thị hóa sẽ diễn ra trên diện rộng với tốc độ mạnh mẽ.

2. Tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa đối với quản lý di tích lịch sử văn hóa

2.1. Những tác động tích cực

          Quá trình CNH,  ĐTH đã tác động mạnh mẽ trực tiếp đến sự biến đổi về kinh tế trên nhiều phương diện khác nhau. Trước hết, với việc chủ trương phát triển CNH đã giúp cho Thành Phố Thanh Hóa có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh theo hướng bền vững,  tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng nhanh. Kết quả tăng trưởng đạt được là do thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và sản xuất trên địa bàn thành phố. Với sự phát triển kinh tế như vậy, Thành phố Thanh Hóa có nhiều cơ hội dành nhiều kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực trong đó bảo tồn DSVH. Cùng với nguồn kinh phí từ trung ương hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích, hàng năm ngân sách của tỉnh dành một lượng đáng kể để trùng tu, tu bổ cho nhiều di tích. Nhiều di tích trong tình trạng xuống cấp trầm trọng đã được khôi phục, bảo vệ, gìn giữ. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách của tỉnh cũng đã cấp để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở để tôn thêm vẻ đẹp và tạo điều kiện cho du khách đến các khu di tích: làm đường, trồng cây xanh, công viên, sân vườn cho nhiều điểm di tích tiêu biểu như Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng, khu tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ và bà mẹ Việt Nam anh hùng,…

          Quá  trình  tiến  hành  CNH  cũng  đã  làm  biến  đổi  về  cơ  cấu  nghề  nghiệp  của người dân Sự biến đổi này đã làm cho đời sống kinh tế của người dân thay đổi đáng kể, có thu nhập thường xuyên và ổn định hơn. Khi đời sống vật chất đã đầy đủ thì người dân đã quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần trong đó có vấn đề tâm linh, tín ngưỡng. Người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại các di tích, đồng thời sẵn sàng đóng góp kinh phí, vật chất theo các chương trình xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo các di tích đó. Thực tế cho thấy, ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách của  Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa cho các dự án chống xuống cấp di tích, nhiều di tích như chùa, đình, đền, miếu, nhà thờ họ đã được khôi phục, trùng tu, tôn tạo từ sự đóng góp của cộng đồng, các khu di tích.

          Quá trình CNH, ĐTH cũng làm thay đổi lợi ích của cộng đồng, làm cho họ có những ứng xử khác đối với di tích: trước đây, các di tích chủ yếu thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cư dân cộng đồng, những chính nhờ sự phát triển kinh tế, quá trình đô  thị  hóa  đã  giúp  người  dân  sống  gần  nơi  có  di  tích  có  thêm  lợi  ích  kinh  tế  từ những di tích đó. Người dân tham gia vào các hoạt động dịch vụ phụ vụ du khách, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây. Người dân gắn bó với di tích, quan tâm và bảo vệ di tích của địa phương.

          2.2. Những tác động tiêu  cực

          Bên cạnh những tác động mang tính tích cực mà quá trình CNH, ĐTH mang lại, chúng ta cũng nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến các di tích lịch sử văn hóa.  Trước hết,  về tư tưởng, lối sống,  quá trình CNH,  ĐTH  đang tạo ra xu hướng  xa rời truyền thống, chi phối đến hoạt động bảo tồn, phát huy DSVH nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng. CNH, ĐTH  dẫn đến những biến đổi trong  đạo đức  lối sống của người dân từ cách nghĩ, nếp  làm, hành vi đạo đức, phong tục, tập quán, những  chuẩn tư cách và quy tắc sinh hoạt của cộng đồng trong xã hội. Thực tế cho thấy, có những quan niệm giá trị trước đây luôn được trân trọng  hàng đầu thì nay đã khác.  Lối sống đô thị len lỏi vào các làng quê. Hoạt động sinh hoạt văn hóa làng xã như hội hè, đình đám ngày càng thu hẹp lại. Thêm nữa, hiện nay lớp trẻ ít quan tâm tới văn hóa truyền thống, thích ăn mặc, thưởng thức văn hóa hiện đại theo lối thị dân. Nhiều nếp sống, thuần phong mỹ tục làng quê đang có nguy cơ biến mất trong quá trình CNH, ĐTH nông thôn. Người dân quan niệm rằng hoạt động bảo tồn và phát huy DSVH là việc làm của các cơ quan chức năng và bộ phận dân cư cao tuổi về hưu, an trí tuổi già, chưa thu hút được giới trẻ.

          Quá trình CNH, ĐTH diễn ra nhanh chóng đã làm cho mô hình làng xã truyền thống bị thay đổi nhiều, dân cư đông đúc, sống xen với các di tích…Vì vậy, để bảo vệ các di vật, cổ vật, các di tích phải xây tường bao cao đã làm thay đổi diện mạo, không gian cảnh quan, không gian thiêng, sự uy nghi, cổ kính của di tích bị mất đi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan của di tích mà dường như tính thiêng của di tích đó cũng bị giảm đi. Việc bê tông hóa không chỉ đối với các công trình kiến trúc thuộc sở hữu tư nhân mà còn diễn ra ngay tại các đình, chùa với việc xây dựng lại bằng cột bê tông, đổ mái bằng, lát gạch đá hoa.

          Sự  phát triển  của công nghiệp  làm cho dân cư tăng đột biến, người dân từ nơi khác về làm việc trong các khu công nghiệp, có nhu cầu xây dựng gia đình, nhu cầu về nhà ở khiến cho quỹ đất bị thu hẹp, xảy ra tình trạng nhiều di tích bị lấn chiếm đất đai, phá vỡ không gian cảnh quan.

          Việc phát triển kinh tế xã hội, kinh tế thị trường cũng dẫn đến sự thương mại hóa, thị trường hóa lễ hội của nhiều di tích. Ở nhiều di tích xuất hiện hiện tượng tranh giành khách, đánh cãi chửi nhau, hàng quán lấn chiếm vào sâu trong di tích. Nhiều hủ tục, mê tín dị đoan ở các di tích xuất hiện trở lại như rút quẻ, bói toán, xem tướng số tử vi… đã làm ảnh hưởng

trực tiếp đến trật tự an ninh, cảnh quan môi trường cũng như giá trị của các di tích.

          Các di tích lịch sử văn hóa là bằng chứng vật chất phản ánh trung thực lịch sử phát  triển của dân tộc, của đất nước. Việc bảo tồn,  phát huy giá trị di tích phải đảm bảo yêu cầu không làm sai lệch các giá trị vốn có hàm chứa trong di tích là một yêu cầu đặt ra đối với hoạt động quản lý. Nếu các giá trị hàm chứa trong di tích bị mất đi, hoặc bị  sai lệch thì sẽ không phản ánh đúng quá trình phát triển của lịch sử. Thậm chí sẽ dẫn đến cái nhìn lệch lạc mất đi giá tri vốn có của di tích. Do đó, quá trình phát triển CNH, ĐTH cần linh hoạt căn cứ  vào những điều kiện cụ thể để đưa ra các giải pháp kết hợp phù hợp để bảo tồn hợp lý đối với các di tích, làm hài hòa giữa tính khoa học và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng.

                                                                                                                             Tạ Thị Thủy

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Nguyễn Chí Bền (chủ biên) (2010),  Bảo tồn, phát huy giá trị  di sản văn hóa  vật thể Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội.

          2. Trương Quốc Bình (2008), “Xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị

kho tàng di sản văn hóa ở Việt Nam”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4, tr.9 -13.

  3. Phạm Thị Thu Hương (chủ nhiệm) (2013),  Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn  di sản văn hóa  tại các vùng  đang trong quá trình CNH, ĐTH ở đồng bằng sông Hồng, Đề tài NCKH cấp Bộ,  Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội

          4. Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009  (2009), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Tác giả: TS. Tạ Thị Thủy
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 GIẢI PHÁP SỐ HÓA VÀ XÂY DỰNG CÁC BỘ SƯU TẬP SỐ NGUỒN TÀI LIỆU ĐỊA CHÍ TẠI THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA (23/03/21)
 TỔNG QUAN VỀ SEMANTIC WEB VÀ ỨNG DỤNG (23/03/21)
 HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THÔNG TIN LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ TRONG THỜI ĐẠI CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TẠI THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA (23/03/21)
 XÂY DỰNG MÔ HÌNH ỨNG DỊCH VỤ WEB NGỮ NGHĨA NHẰM NÂNG CAO HIỆU NĂNG CÁC DỊCH VỤ THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ (23/03/21)
 XỨ THANH TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ, VĂN HÓA VIỆT NAM (23/03/21)
 HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG ĐÌNH LÀNG XỨ THANH (23/03/21)
 THÀNH NHÀ HỒ - SẮC MÀU HUYỀN THOẠI (23/03/21)
 NHỮNG ÔNG TỔ NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ NGƯỜI XỨ THANH (23/03/21)
 NHỮNG NGƯỜI THỢ AN HOẠCH KHẮC BIA TIẾN SĨ Ở VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM (23/03/21)
 "ÂM THANH" TÂM LINH TRONG KIẾN TRÚC CỔ TRUYỀN XỨ THANH  (23/03/21)
Hôm nay 1639
Hôm qua 2809
Tuần này 11199
Tháng này 6917
Tất cả 3186139
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn