Nghiên cứu khoa học
QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY

Quan hệ mẹ - chồng nàng dâu trong xã hội hiện nay Tạp chí Người Cao tuổi (ISSN 1859 -2597) số 4, tr. 44-45

QUAN HỆ MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU

TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY

1.  Đoàn Văn Trường*

 

Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình là một chủ đề được rất nhiều độc giả quan tâm và gắn liền với thực tế trong cuộc sống thực tại. Không chỉ riêng trong văn hóa Á đông mới có vấn đề mẹ chồng - nàng dâu mà hầu như văn hóa nào, dân tộc nào và trong thời buổi nào, thế hệ nào, quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng là một đề tài được nói nhiều trong sách vở và là vấn đề đem lại đau khổ và nước mắt cho nhiều gia đình1. Trước kia, người mẹ chồng thể hiện sự đối xử với người con dâu theo khuân mẫu định sẵn của xã hội tư tưởng phụ quyền, thì ngày nay, ngày càng xuất hiện nhiều nàng dâu mà nhiều người vẫn gọi đùa là “các nàng dâu tây”. Bởi lẽ, dưới thời phong kiến, nàng dâu về nhà chồng với tư cách là “gả bán” nên bước chân về nhà chồng không có quyền gì cả, trong khi mẹ chồng có quyền uy tuyệt đối. Ngày nay, xu thế người làm dâu về nhà chồng đã khác hẳn, hầu hết người con gái bước lên xe hoa khi đã trưởng thành, nhiều người còn có học vấn, việc làm, tài sản riêng và địa vị cao trong xã hội. Họ về làm dâu cũng không phải “gả bán” mà yêu nhau thì tự nguyện về chung sống với nhau, chứ không phải cốt bám vào gia đình nhà chồng mới tồn tại được.

Khi kinh tế độc lập, không nhờ cậy vào nhà chồng, một số nàng dâu tỏ thái độ khinh thường nhà chồng, “ăn gì, nói gì, làm gì” là theo ý muốn của họ, không đếm xỉa gì đến bố mẹ chồng, dù gia đình chồng khó tính hay dễ tính, cổ hủ hay hiện đại. Cho nên, cảnh đi làm dâu thời nay khác hẳn so với trước kia. Có những nàng dâu luôn tạo cho mình một vỏ bọc dịu hiền, nhường kính mẹ chồng trước mặt nhưng lại nhỏ to xui chồng phản kháng lại mẹ. Dù không ra mặt nhưng những hành vi bất kính này của nàng dâu sẽ bị chính chồng và các con nhìn nhận và đánh giá. Con cái của họ sẽ tỏ ra bất hiếu với ông bà, cha mẹ và đây không phải là chuyện hiếm hoi trong cuộc sống hiện nay.

Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu rất khó tránh khỏi và thường gay gắt khi một bên là uy quyền và sự đòi hỏi quá cao, còn một bên là tình cảm, lòng tự trọng bị tổn thương, khả năng đáp ứng cũng như sức lực và sự chịu đựng của con người chỉ có hạn. Trong xã hội cũ, nếu như người phụ nữ là người có địa vị thấp kém nhất trong gia đình thì người phụ nữ là con dâu lại còn có địa vị thấp kém nhất trong số những người phụ nữ. Ngày nay, các cô gái trẻ may mắn và hạnh phúc hơn nhiều so với các thế hệ phụ nữ trước đây khi bước vào hôn nhân. Bởi lẽ quan hệ mẹ chồng - nàng dâu một thứ pháp luật không thành văn đã đổi thay về chất. Quan hệ này không mất đi nhưng nó được chuyển từ quan hệ quyền uy sang quan hệ tình cảm. Ngày nay, khi con trai lập gia đình bố mẹ thường cho ra ở riêng, vừa để con biết tự lập cuộc sống mới, vừa để tránh những va chạm giữa mẹ chồng và nàng dâu, giữ hòa khí trong gia đình. Nhưng dù không sống chung thì các nàng dâu vẫn nên quan tâm chăm sóc và tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ chồng, cũng là một nét đẹp trong văn hóa và đạo lý của dân tộc ta. Nhưng ngày nay, đa phần các nàng dâu hiện đại thường quên đi những điều đó, họ chỉ biết sống ích kỷ cho riêng mình mà không biết rằng chính lối sống đó sẽ có ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục con cái và sau này rất có thể họ sẽ phải hứng chịu kết quả của lối sống ích kỷ đó từ những đứa con của chính mình đứt ruột sinh ra.

Nàng dâu ngày nay, nếu kiếm được tiền nhiều hơn chồng thì cũng không nên chê bai chồng, vì chê bai chồng thì sẽ làm cho mẹ chồng khó chịu, vì chồng mình là “tác phẩm” của mẹ chồng, là kết quả của sự đào tạo, giáo dục của mẹ chồng trước khi nàng dâu xuất hiện trong gia đình chồng. Do vậy, việc chê bai chồng tức cũng chính là gián tiếp chê bai sự kém cỏi của mẹ chồng trong việc nuôi dạy con cái2. Dù ở thời đại nào gia đình cũng cần phải có nền tảng cội nguồn, có lễ nghĩa, phép tắc và tôn ti trật tự, nề nếp gia phong đàng hoàng, kể cả cách đối nhân xử thế giữa cha mẹ, con cái trong gia đình. Hơn nữa, nàng dâu thời nay cũng cần phải có kiến thức, hiểu biết và làm tròn trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội. Đặc biệt, là vai trò trách nhiệm của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình.

Khi mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu xảy ra thì gánh nặng đặt lên vai người con, người chồng rất nặng nề. Vì họ sẽ không biết đứng về phía bên nào giữa tình và hiếu. Do vậy, người mẹ, người vợ không muốn đặt con mình, chồng mình vào thế khó xử thì phải cố gắng hòa thuận với nhau, tìm hiểu nhau thông qua cây cầu là con - chồng của mình. Cây cầu đó sẽ được vững chãi hay không phụ thuộc vào cả ba người: mẹ chồng - nàng dâu và nhất là người con - người chồng trong gia đình.

Việc mẹ chồng đối xử cay nghiệt với nàng dâu, còn nàng dâu luôn đối phó với mẹ chồng, không thể tồn tại mãi mãi và thực tế đã và đang có sự thay đổi theo bước phát triển, nhịp sống văn minh của xã hội, ở đất nước ta. Mẹ chồng cũng sống thoáng hơn, vì thế nàng dâu cũng kính trọng bố mẹ chồng, vì đó là người sinh ra và nuôi dưỡng người thân yêu nhất của mình - đó là người chồng cũng yêu quý người con gái đã yêu thương gắn bó và gửi gắm cả tâm hồn, thể xác và cuộc đời cho đứa con trai của mình và gia đình mình. Người con dâu muốn được hạnh phúc trong gia đình chồng, thì phải kính trọng bố mẹ chồng, yêu quý anh chị em nhà chồng. Tình cảm chân thật của người con dâu đổi lấy tình yêu thương thật sự của người mẹ chồng. Còn mẹ chồng hay cả gia đình chồng muốn được con dâu đối xử với mình, với gia đình mình như cô ta đã đối xử với gia đình thì phải yêu quý, tôn trọng con dâu. Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu hòa thuận thì gia đình êm ấm, mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn sẽ dẫn đến xung đột, cãi vã, đôi khi làm cho hạnh phúc trong gia đình tan vỡ. Vì vậy mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không chỉ là vấn đề trong gia đình mà còn là vấn đề xã hội cần quan tâm, nhìn nhận và đánh giá./.

 

 

 

* Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

 

Tài liệu trích dẫn

 

1 Minh Nguyên (2014), Mẹ chồng nàng dâu (Bài 1), Chương trình phát thanh tin lành, trên trang: www.tinlanh.org, (truy cập ngày 01 tháng 3 năm 2015).

 

2 Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý (2007), Gia đình học, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 326-334.

 

 

Tác giả: TS. Đoàn Văn Trường
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 VÀI TRAO ĐỔI VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TUỔI NGHỈ HƯU Ở VIỆT NAM (24/09/18)
 TẠI SAO CẦN CHỨNG CHỈ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (24/09/18)
 MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NĂM CUỐI CẦN CÓ (24/09/18)
 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN BỘ MÔN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (19/09/18)
 BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH ĐA VĂN HÓA Ở VIỆT NAM  (17/09/18)
 TÁI HÔN Ở NGƯỜI GIÀ  (17/09/18)
 HIỆN TƯỢNG GIA ĐÌNH ĐƠN THÂN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY (17/09/18)
 Sinh viên Khoa Văn hóa Thông tin tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2017 - 2018 (15/05/18)
 HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2017-2018 (06/05/18)
 Khoa Văn hóa - Thông tin nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm học 2017 – 2018 (02/04/18)
Hôm nay 3430
Hôm qua 3521
Tuần này 12701
Tháng này 75062
Tất cả 3043845
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA VĂN HÓA - THÔNG TIN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
Email: khoavanhoathongtin.dvtdt@gmail.com

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (0237) 3953 388 - (0237) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường
Email: dhvhttdlth@gmail.com - Website: http://wwww.dvtdt.edu.vn