Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
TƯ DUY VỀ ĐÀO TẠO CỬ NHÂN LUẬT

Trong yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu và yêu cầu đào tạo luật ở các cấp trình độ khác nhau, trong đó có đào tạo luật ở trình độ cử nhân đang đặt ra nhiều vấn đề có tính thời sự. Muốn vậy, chúng ta phải đào tạo được những người có hiểu biết nhất định về pháp luật, trong đó đội ngũ cán bộ công chức nhà nước nói chung, cán bộ của các cơ quan tư pháp nói riêng phải hiểu biết sâu sắc về pháp luật. Mặt khác, Đảng và Nhà nước ta chủ trương cải cách tư pháp, thì xây dựng đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp vừa có những hiểu biết sâu sắc về pháp luật vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Quan điểm của Đảng là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, tr. 26-27). Giáo dục đào tạo cần phải hướng đến tư duy đổi mới toàn diện, có tầm chiến lược nhưng phải dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử, điều kiện hiện tại của quốc gia, dân tộc. Sản phẩm của nền giáo dục phải góp phần phúc đáp được sự phát triển, tạo nguồn lực và động lực để Nhà nước vận hành hiệu quả thể chế kinh tế, chính trị của mình. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung đề cập đến những thay đổi cơ bản về tư duy đào tạo đại học ở Việt Nam và trên thế giới gắn liền với đào tạo trình độ cử nhân luật từ thực tiễn môi trường, thực trạng đào tạo luật ở các trường đại học Việt Nam hiện nay; trên cơ sở đó, bài viết tập trung làm rõ một số nhóm giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tư duy là nền tảng của những tư tưởng, lý thuyết, học thuyết về sự phát triển. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đó là những tư tưởng, lý thuyết, học thuyết về giáo dục, các trường phái giáo dục và đào tạo. Trong thực tiễn, tư duy phát triển giáo dục, đào tạo thể hiện ở những mục tiêu, định hướng phát triển thông qua các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, được thể hiện bằng luật pháp, chính sách cụ thể trong từng khía cạnh của nền giáo dục ở một quốc gia và phổ quát trên phạm vi khu vực và toàn thế giới. Nói đến tư duy mới hay đổi mới tư duy phát triển giáo dục, đào tạo là nói tới những thay đổi lớn trong quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo trong pháp luật, thể chế và chính sách quản lý. Tư duy mới sẽ có chính sách mới, chính sách mới sẽ tạo ra phong trào mới, phong trào mới sẽ tạo ra kết quả mới. Vì thế, đổi mới tư duy là khởi đầu cho quá trình phát triển mới. Lý luận được xây dựng từ thực tiễn nhưng không có lý luận và tư duy đổi mới thì không có phong trào cách mạng (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 2019). Tư duy mới hay đổi mới tư duy có vai trò đặc biệt quan trọng, mở đường và tạo không gian cho sự phát triển. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta từ năm 1986 đến nay cho thấy vai trò đặc biệt của tư duy lý luận đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đối với vận mệnh của dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nền giáo dục ở một quốc gia cần phải có lý luận sâu sắc được xây dựng và không ngừng đổi mới, hoàn thiện.

Có thể nhận thấy rằng, Đại hội VI cho đến Đại hội XII của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới mạnh mẽ về giáo dục, đào tạo trong tư duy đổi mới chung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã luôn xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, cho đến nay cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục Việt Nam trong yêu cầu và tình hình mới. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng quan điểm, chủ trương rõ ràng đó của Đảng vẫn chưa đủ sức mạnh để tạo ra lý luận sắc bén, đầy đủ hơn cho sự phát triển của nền giáo dục hiện nay ở nước ta. Thực tiễn cho thấy, các nhà quản lý giáo dục ở Việt Nam đang tồn tại những khó khăn nhất định trong quá trình nhận thức, cải cách và vận hành. Kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nền giáo dục và đào tạo của chúng ta chưa xác định được các mục tiêu rõ ràng. Giáo dục, đào tạo chưa được coi là điểm đột phá để đưa đất nước phát triển đi lên như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có hoàn cảnh như nước ta đã từng làm. Trên thực tế, chúng ta chưa đưa ra được những triết lý giáo dục cụ thể phù hợp mục tiêu phát triển nền giáo dục nước nhà nhằm phục vụ các nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển đất nước. Bởi vậy, nền giáo dục nước nhà đã lạc hậu trước sự biến chuyển nhanh chóng của các nền giáo dục trên thế giới trong giai đoạn hiện nay. Một phần nội dung và chương trình đào tạo cử nhân luật ở nước ta hiện nay còn chịu ảnh hưởng bởi nội dung, chương trình giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhất là của Liên Xô. Trong một thời gian dài, những nội dung và chương trình giáo dục này khá phù hợp và đã mang lại những thành tựu hết sức quan trọng. Song, tự nó cũng hàm chứa rất nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới và hội nhập hiện nay thì những bất cập đó lại càng trở nên rõ nét, đòi hỏi cần có sự cải cách và đổi mới cho phù hợp. Sự bất cập còn thể hiện ở phương pháp giáo dục. Các phương pháp dạy và học thường tạo ra sự thụ động đối với người học, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo thường bất cập. Người học thường ít vận dụng được những gì đã học, nếu muốn làm việc được thì buộc phải chấp nhận một quá trình “đào tạo lại”. Điều đó lãng phí không chỉ tiền của mà còn cả thời gian đối với người học.Mặc dù có hơn 90% dân số biết chữ nhưng chất lượng nguồn lao động của chúng ta lại còn một khoảng cách khá xa so với tiêu chuẩn chung của thế giới, nhất là so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay đạt tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khảo sát thực trạng chất lượng nguồn nhân lực cho thấy Việt Nam đang thừa nguồn lao động phổ thông nhưng thiếu nghiêm trọng lao động đã qua đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao… Việt Nam mới có gần 30% lao động được đào tạo nghề, trong khi ở các nước trong khu vực, con số đó là 50% (Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường - Nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình khoa học giáo dục quốc gia do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì, năm 2018). Đây là thách thức lớn nhất của chúng ta khi gia nhập vào nền kinh tế thế giới, tham gia vào các tổ chức thương mại quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực thấp là nguyên nhân chủ yếu làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm công nghiệp và dịch vụ không cao; hệ quả chung cuộc là làm hạn chế tốc độ phát triển đất nước. Vì vậy, chúng tôi khẳng định rằng, tiếp tục đổi mới tư duy về đào tạo nói chung, đào tạo trình độ cử nhân nói riêng là yêu cầu cấp bách, tất yếu và có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong những năm tới đây.

Tác giả: Luật QLNN
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12: Lịch sử và Ý nghĩa (22/12/20)
 ĐIỂM MỚI LUẬT QUẢN LÝ THUẾ 2019 (22/12/20)
 HIỂU ĐÚNG VỀ VIỆC NGƯỜI DÂN ĐƯỢC SỬ DỤNG PHÁO HOA (22/12/20)
 KHOA LUẬT&QLNN THAM DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2019 - 2020 (27/08/20)
 KHOA LUẬT&QLNN THAM GIA HỘI NGHỊ BẢO VỆ ĐỀ TÀI KHOA HỌC SINH VIÊN CẤp TRƯỜNG NĂM 2020 (21/08/20)
 Gián đoạn đóng BHXH do Covid-19, chế độ thai sản có bị ảnh hưởng? (19/08/20)
 Tổng hợp điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 (19/08/20)
 10 điểm mới về lương, thưởng từ năm 2021 NLĐ cần biết (19/08/20)
 Từ 2020: Đánh giá cán bộ, công chức, VC theo bộ tiêu chí mới (19/08/20)
 HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH ĐỀ TÀI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM HỌC 2019 - 2020 (18/07/20)
    Hôm nay 9069
    Hôm qua 11489
    Tuần này 47303
    Tháng này 234878
    Tất cả 7040458
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường