Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
GIẢNG VIÊN TRẺ KHOA LUẬT &QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Nội san số 5 - Khoa Luật & QLNN

 

                                      

  1. Giảng viên trẻ với công tác nghiên cứu khoa học

Kinh nghiệm của các trường đại học nổi tiếng thế giới đã chứng minh, chất lượng đội ngũ giáo viên chính là yếu tố trung tâm quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến quá trình phát triển bền vững của một trường đại học. Trong đó, giảng viên trẻ chính là đội ngũ kế cận, là tương lai của một trường Đại học. Đối với các giảng viên trẻ, yếu tố quyết định đến sự thành công trong sự nghiệp không chỉ là việc trau dồi phẩm chất đạo đức và nhân cách mà còn phải nâng cao năng lực chuyên môn, những yếu tố cần và đủ để họ trở thành một người “thầy” đúng nghĩa. Và như thế, con đường đi đến tương lai của giảng viên trẻ không phải là “thảm đỏ”.

  Như chúng ta đã biết, đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ trọng tâm mang tính chất chiến lược của một trường đại học. Trong đó, nghiên cứu khoa học là bản chất của đào tạo đại học, là một trong những biện pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong những năm qua, những yêu cầu của đổi mới giáo dục đại học đã tác động mạnh mẽ đến các trường đại học trong cả nước nhằm đáp ứng mục tiêu“mỗi trường đại học là một viện nghiên cứu”. Theo đó, việc nghiên cứu khoa học phải được thực hiện thường xuyên, và phải coi đó là một trong những nhiệm vụ chính của giáo viên đại học. Tuy nhiên, Theo Bộ GD&ĐT thống kê: “Chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (3%) tham gia nghiên cứu khoa học trong đó rất ít giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu”. Ở một số trường Đại học lớn, tình hình này cũng không hề khả quan, theo số liệu mà chúng tôi thu thập được của Đoàn trường ĐH KHXH&NV, thì trung bình cứ 1 cán bộ trẻ ở lại trường 5 năm thì mới công bố được 1 bài báo. Điều này, thực sự là tiếng chuông báo động về năng lực chuyên môn và nhiệt huyết nghề nghiệp của đội ngũ Giảng viên trẻ.

  Lâu nay, chúng ta quen minh chứng cho tiềm lực khoa học của một cơ quan nghiên cứu hay một trường đại học bằng những con số GS, PGS, TSKH, TS… khô khan, mà quên nói đến tiềm lực sáng tạo và đóng góp cho khoa học của họ thể hiện qua công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn, chuyển giao công nghệ. Lối suy nghĩ giản đơn về chất lượng của trường đại học thể hiện ở số lượng SV nhiều, cơ sở vật chất hoành tráng, vị trí trung tâm, số học sinh thi vào đại học năm sau cao hơn năm trước, điểm đầu vào đại học ngày một tăng lên… đã khiến cho hiệu quả của việc nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng và có cái nhìn thiên lệch. Để tạo nên tên tuổi của một trường đại học uy tín, các trường đại học cần nỗ lực rất lớn về việc đưa ra cơ chế quản lý phù hợp, lãnh đạo trường có tầm nhìn chiến lược và đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, tâm huyết với nghề. Công tác giảng dạy được chú trọng, nghiên cứu khoa học được quan tâm, đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu được tôn trọng.

  Ở mỗi một thời kì khác nhau, yêu cầu nghiên cứu khoa học phát triển với quy mô và tầm nhìn khác nhau, rất khó có thể đưa ra một chuẩn mực cho việc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trên cương vị là một giảng viên trẻ, chúng tôi có thể thống kê các điều kiện cần hội tụ trong một cán bộ giảng dạy đại học muốn thành công trong công tác NCKH (kết hợp giảng dạy) như sau:

  - Có một môi trường làm việc thuận lợi cho công tác giảng dạy và NCKH;

  - Có niềm tin và tự bản thân nuôi dưỡng liên tục lòng say mê NCKH theo định hướng hợp lý;

- Khả năng bám sát thực tế, thâm nhập thực tế, tìm ra hướng đề tài sát thực tế, hữu ích;

- Sự trợ giúp từ phía nhà trường, gia đình tạo ra tiềm lực về thời gian và điều kiện vật chất cho nghiên cứu;

- Kiến thức về quản lý kinh tế và kinh nghiệm hoàn thành hồ sơ, sản phẩm đề tài NCKH;

- Tổ chức tốt quá trình thực hiện đề tài (với các đồng nghiệp cùng hướng nghiên cứu);

- Chắt lọc kết quả từ các đề tài NCKH, hệ thống hóa, bổ sung vào bài giảng, phục vụ cho công tác giảng dạy.

Nếu vậy, cơ hội nào cho giảng viên trẻ vươn lên làm chủ nghiên cứu khoa học. Điểm mạnh về nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ chính là họ đang trong độ tuổi sung sức; có mong muốn và có khả năng cập nhật, khám phá tri thức mới, có tham vọng lớn; năng động và không ngại lăn lộn với thực tế. Giảng viên trẻ không thể phủ nhận vai trò to lớn có tính chất quyết định của nghiên cứu khoa học đối với họ. Đó không chỉ là vai trò bồi dưỡng kiến thức cho mình thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học. Giúp giảng viên trẻ cập nhật những kiến thức mới, tích lũy kiến thức thực tiễn để bổ sung vào bài giảng. Quan trọng hơn, hoạt động nghiên cứu là một kênh để giảng viên trẻ tự khẳng định năng lực của bản thân, đồng thời thấy được những hạn chế trong tri thức của mình để kịp thời bổ sung.

  1. Công tác NCKH của giảng viên trẻ Khoa Luật & QLNN

Đối với Khoa Luật &QLNN, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa công tác nghiên cứu khoa học luôn được quan tâm hàng đầu. Mặc dù là khoa non trẻ của trường, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, nhiều giảng viên trẻ đã tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học với hình thức phong phú như thực hiện đề tài các cấp, hội thảo, tọa đàm, viết bài nội san, biên soạn đề cương bài giảng... Nhìn chung các hoạt động đều nhằm phục vụ thiết thực cho các bài giảng của giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên trẻ. Qua đó, khả năng tư duy độc lập, khả năng tổng hợp, phân tích, nhìn nhận vấn đề ngày càng sâu sắc, khả năng viết, diễn đạt ngày càng được trau dồi, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy. Thông qua việc đưa sinh viên đi thực tập, thực tế tại các địa điểm gắn liền với các vấn đề của môn học, nghiên cứu khoa học, giúp giảng viên trẻ trưởng thành nhanh về nhiều mặt, hiểu biết thực tiễn được nâng lên, tự tin và vững vàng hơn khi lên lớp. Nhiều giảng viên trẻ vừa mới trải qua giai đoạn thạc sỹ, đang hoàn thiện nghiên cứu sinh nên có khả năng làm việc với cường độ cao, tiếp cận được với kiến thức mới nhất và đều mong muốn tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện vấn đề đang nghiên cứu.

Trong 3 năm gần đây, Khoa Luật &QLNN luôn là khoa dẫn đầu trong các hoạt động NCKH: mỗi năm có 02 đề tài cơ sở được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc; 3-5 đề tài sinh viên được triển khai và đạt giải nhất Hội nghị SVNCKH cấp trường; xuất bản thường niên 2 số/năm Nội san thông tin khoa học của Khoa; Rà soát và đổi mới đề cương chi tiết bài giảng, tập bài giảng... 100% giảng viên đủ giờ và vượt chuẩn giờ NCKH...

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng và khuyến khích, nhưng đội ngũ giảng viên trẻ vẫn chưa thực sự tâm huyết với khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và trách nhiệm của mình.

Sự thực là hiện nay công tác giảng dạy và NCKH của giảng viên nói chung còn gặp “sức ỳ” quá lớn, nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Tiềm năng NCKH cũng như cơ hội của đội ngũ GVT rất nhiều. Nhưng làm thế nào để khai thác hết tiềm năng, tạo cơ hội, phát huy năng lực, lòng nhiệt tình của họ thì cần đến nhiều yếu tố, và cần quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nhà trường.

Theo số liệu mà chúng tôi thống kê, tính đến 1/10/2019, đội ngũ giảng viên giảng dạy tại khoa Luật &QLNN gồm 41GV, đều có trình độ từ Thạc sỹ trở lên. Trong đó, có 12GV cơ hữu thuộc Khoa Luật &QLNN. Giảng viên lớn tuổi (trên 40) chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ, còn phần lớn là giảng viên trẻ chủ yếu là có trình độ trên đại học và tham gia công tác giảng dạy.

Thực trạng

Cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm nghiên cứu khoa học từ việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu đến thực hiện đề tài. Do đó, dễ gặp khó khăn trong khi bảo vệ đề cương, bảo vệ kết quả nghiên cứu của mình.

Bên cạnh đó, thu nhập của cán bộ giảng dạy trẻ còn rất thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu nên một bộ phận cán bộ giảng dạy trẻ, bên cạnh hoạt động chuyên môn còn phải làm thêm để có thêm thu nhập nên chưa quan tâm đến nghiên cứu khoa học.

Về số lượng các công trình nghiên cứu khoa học do giảng viên trẻ thực hiện chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nghĩa vụ định mức. Có giảng viên trẻ còn chưa hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu. Bên cạnh đó, có giảng viên trẻ còn thực hiện mang tính đối phó cho hoàn thành nghĩa vụ mà chưa chú trọng đến nội dung nghiên cứu. Chưa có giảng viên trẻ đăng ký, chủ trì công trình nghiên cứu khoa học cấp trường và cấp cao hơn.

Tình trạng đối phó trong nghiên cứu khá phổ biến: Theo quy định của trường, giảng viên phải thực hiện một số lượng giờ nghiên cứu khoa học nhất định, từ đó quy ra phải có bao nhiêu bài báo, đề tài… mang tính chất khoán. Vì thế, nhiều giảng viên chỉ thực hiện cốt cho đủ giờ mà thôi, còn không quan tâm lắm đến chất lượng công trình mà mình công bố.

Sự gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy còn thấp: Nhiều giảng viên theo đuổi hướng nghiên cứu khác xa với môn học do mình đảm nhiệm nên mục tiêu “bổ sung cho nội dung giảng dạy” sau khi nghiên cứu không đem lại kết quả. Việc gắn kết, sử dụng các kết quả nghiên cứu phục vụ giảng dạy và học tập còn chưa được đặt ra: người giảng dạy vẫn giảng dạy còn người nghiên cứu vẫn nghiên cứu một cách độc lập, tách rời nhau.

Nguyên nhân

Số ít giảng viên trẻ còn đánh giá chưa toàn diện về vai trò của công tác nghiên cứu khoa học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của một giảng viên. Họ thường cho rằng, nhiệm vụ chính của mình là giảng dạy, và thực hiện đầy đủ lịch giảng, đảm bảo chất lượng bài giảng là ưu tiên hàng đầu, còn viết bài báo, viết đề tài khoa học mang tính “theo kế hoạch” nhiều hơn.

Trong tổ chức quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học đôi khi còn có sự nể nang, câu nệ, dẫn tới giảng viên trẻ không nhận thức đầy đủ được sự cần thiết và đầu tư đúng mức cho hoạt động này. Giảng viên nghiên cứu đề tài còn mang tính đơn lẻ, manh mún, NCKH chưa thực sự thu hút đông đảo giảng viên trẻ tham gia như tiềm lực vốn có của nhà trường.

Bản thân nhiều giảng viên trẻ chưa tự tin và mạnh dạn trong hoạt động nghiên cứu, kỹ năng nghiên cứu và kinh nghiệm đều còn hạn chế. Bản lĩnh khoa học, khả năng chủ động, chưa có định hướng làm khoa học thực thụ.

Cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn  khiêm tốn nên chưa thực sự tạo động lực và điều kiện cho hoạt động này. Thêm vào đó, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống làm ảnh hưởng đến tâm tư, lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm trong giảng dạy, ý thức tự học, tự nghiên cứu, sự vươn lên trong khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn;

  Giải pháp

           Xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học lành mạnh, hấp dẫn, tạo động lực để nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cần phải có người đầu ngành chuyên môn về nghiên cứu khoa học để tư vấn và hỗ trợ cho các giảng viên để khơi dậy và kích động niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học của các giảng viên.

Nhà trường và trực tiếp là các khoa, bộ môn hãy dành cho các giảng viên trẻ nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề cụ thể, trực tiếp phục vụ cho hoạt động đào tạo như xây dựng các mô hình, phương tiện giảng dạy, hướng dẫn thực hành, nên để họ nghiên cứu từng chuyên đề nhỏ theo hướng dẫn của các giảng viên có kinh nghiệm lâu năm. Cần có chiến lược khi xây dựng, phát triển đội ngũ, và cần được cụ thể hóa bằng những kế hoạch đối với khoa, tổ, nhóm chuyên môn, với từng cá nhân giảng viên trẻ.

Lãnh đạo trường cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và có những biện pháp hữu hiệu (về tài chính, về thi đua khen thưởng) để vừa khuyến khích, vừa bắt buộc giảng viên trẻ tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Phát triển phong trào thi đua NCKH nhà trường ngày càng mong muốn nhận những giảng viên trẻ có trình độ cao và đạt chất lượng trong giảng dạy và NCKH, và cũng cần đãi ngộ họ xứng đáng hơn, tạo nhiều cơ hội để họ khẳng định năng lực cá nhân. Chú trọng đến việc phát huy mọi tiềm năng sẵn có của đội ngũ giảng viên, sinh viên giỏi trong trường; có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giảng viên; khái thác, tạo cơ hội, phát huy năng lực, sở trường, lòng nhiệt tình giảng dạy và NCKH của giảng viên.

Đoàn Thanh niên nhà trường cũng cần có những hình thức tổ chức các hoạt động thông tin khoa học, cập nhật những vấn đề mới cho đoàn viên, tạo diễn đàn để các giảng viên trẻ quan tâm hơn nữa đến hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp giảng viên trẻ nhận thức được vai trò của hoạt động này.

Tạo điều kiện cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học có nhiều cơ hội tiếp xúc, tham gia những hoạt động nghiên cứu, các Hội thảo ở các địa phương trong nước và các nước có nền khoa học và giáo dục phát triển. Tổ chức các buổi hội thảo, học thuật về nghiên cứu khoa học để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học của các giảng viên.

Đẩy mạnh phong trào tự nghiên cứu trong đội ngũ giảng viên của nhà trường, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo và nâng cao trình độ của giảng viên thông qua việc biên soạn bài giảng, tham gia các đề tài NCKH…

Xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin khoa học để hỗ trợ giảng viên trẻ trong việc cung cấp thông tin về các đề tài khoa học, về các chuyên gia đầu ngành, về quản lý đề tài các cấp. Công khai hóa các chương trình nghiên cứu các cấp, tạo điều kiện để giảng viên có thể tiếp cận đến các đề tài nghiên cứu trong các chương trình này, lựa chọn và tham gia nghiên cứu. Hoàn thiện quy trình tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài các cấp trên cơ sở cạnh tranh và công bằng nhằm thu hút các nhà khoa học có khả năng, có tâm huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bản thân mỗi giảng viên trẻ cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ về nhiệm vụ công tác của mình nói chung, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nói riêng để từ đó tự thân có những nỗ lực, mạnh dạn hơn và đầu tư đúng mức cho hoạt động này, tiến đến việc coi công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên là trách nhiệm nghề nghiệp, không phải là một phong trào nhất thời, mang tính thời vụ.

Hoạt động nghiên cứu khoa học đối với giảng viên là hoạt động thường xuyên, liên tục trong suốt cuộc đời giảng viên, thậm chí là cả khi dời bục giảng. Với đội ngũ giảng viên trẻ mạnh về số lượng và đang ngày càng nâng cao cả về chất lượng, hy vọng trong thời gian tới, con đường nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ Khoa Luật &QLNN là cơ hội và thách thức, để ngày càng vững bước hơn trên con đường vươn tới tầm cao tri thức.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hà - Trưởng khoa Luật và Quản lý nhà nước.
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Nghiệm thu Đề tài cơ sở năm 2019: chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Lan Anh (18/12/19)
 DANH SÁCH 28 DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN LĨNH VỰC BẢO HIỂM (14/12/19)
 Điểm mới của Luật sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (14/12/19)
 Tổng hợp toàn bộ điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 (14/12/19)
 Cập nhật toàn bộ 11 Luật mới vừa được Quốc hội thông qua (14/12/19)
 HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DI SẢN VĂN HÓA HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH (12/12/19)
 MỘT SỐ KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG VIỆT CHUYÊN NGÀNH CHO SINH VIÊN LÀO TẠI KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (07/11/19)
 TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO (07/11/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC RÈN LUYỆN  “KỸ NĂNG MỀM” ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (07/11/19)
 990 NĂM DANH XƯNG THANH HÓA VỚI TƯ CÁCH LÀ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (25/10/19)
    Hôm nay 3621
    Hôm qua 16498
    Tuần này 99557
    Tháng này 383308
    Tất cả 6733628
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường