Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Nội san số 03 - Khoa Luật & QLNN

          Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và sự biến đổi nhanh chóng của lực lượng thanh niên cũng như yêu cầu của công tác chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, Hội nghị lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nghị quyết đã đánh giá, phân tích thực trạng và định hướng yêu cầu tập trung cao giải quyết nội dung hết sức quan trọng về một số vấn đề lao động và việc làm cho thanh niên - một trong những mối quan tâm hàng đầu của thanh niên hiện nay.

            Thanh niên là lực lượng lao động lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hằng năm có khoảng 1,2 - 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động.

  1. Thanh niên trong cơ cấu lao động, việc làm hiện nay

            Thanh niên là lực lượng lao động lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hằng năm có khoảng 1,2 - 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Theo kết quả điều tra lao động và việc làm toàn quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(1), số lượng và tỷ lệ thanh niên tham gia hoạt động kinh tế tăng đều từ năm 2008 đến nay. Năm 2008, số thanh niên hoạt động kinh tế của cả nước là hơn 16 triệu người, chiếm 67,2% tổng số thanh niên (38,7% lực lượng lao động xã hội); năm 2009, số thanh niên hoạt động kinh tế tăng thành gần 18 triệu người, chiếm 75,4% tổng số thanh niên (36,6% lực lượng lao động xã hội); năm 2010 con số đó là 17,1 triệu người, chiếm 75,9% tổng số thanh niên (33,7% lực lượng lao động xã hội).

            Thanh niên tham gia lao động trong các thành phần kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể, phù hợp với một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát triển của đất nước. Hiện nay thanh niên tham gia lao động trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ là 87,7% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 4%(2) (riêng tại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gấp 4 lần so với năm 2000).

            Trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng lao động của thanh niên tham gia hoạt động kinh tế ngày càng tăng cao. Lực lượng lao động là thanh niên có trình độ trung cấp chuyên nghiệp tăng từ 4,1% (năm 2008) lên 6,2% (năm 2009) và 6,5% (năm 2010); có trình độ cao đẳng, đại học tăng nhanh từ 5,5% (năm 2008) lên 7,8% (năm 2009) và 8,7% (năm 2010). Mỗi năm có từ 70.000 - 80.000 sinh viên hệ cao đẳng và 143.000 - 160.000 sinh viên đại học tốt nghiệp, bổ sung cho lực lượng lao động xã hội.

            Những con số thống kê trên đây cho thấy lực lượng lao động là thanh niên ngày càng có vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

            Dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thực trạng việc làm của thanh niên trong thời gian gần đây diễn biến khá phức tạp. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên vẫn gia tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lao động thiếu việc làm tăng từ 3% (năm 2008) lên 5,6% (năm 2009) và 4,1% (năm 2010), trong đó khu vực thành thị là 2%; khu vực nông thôn là 4,9%.

            Tình trạng thất nghiệp cũng có xu hướng tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm 4,2% (năm 2008); 4,1% (năm 2009) và tăng lên 5,2% (năm 2010), trong đó ở khu vực đô thị là 7,8%, cao gần gấp hai lần nông thôn (4,3%).

            Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp ở nhóm thanh niên cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Trong số những người hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì số người ở độ tuổi dưới 24 là 12.275 người  (chiếm 24,5%); từ 25 - 40 tuổi là 31.366 người (chiếm 62,7%); trên 40 tuổi là 6.416 người (chiếm 12,8%)(3).

            Phân tích các số liệu điều tra thực tế, có thể nhận thấy là sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều thanh niên thất nghiệp, chưa tìm được việc làm đã và đang tiếp tục tham gia học tập nâng cao trình độ, học các khóa đào tạo nghề với hy vọng tìm được một công việc tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian học văn hóa, học nghề kéo dài cũng làm tăng thêm số lượng lao động chưa có việc làm. Gần đây, do kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhiều khu công nghiệp, nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường và một số đơn vị còn mở rộng sản xuất. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới cũng được hình thành nên người lao động đã có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn lao động và việc làm. Yêu cầu về điều kiện làm việc (như môi trường làm việc, lương, nhà ở và các vấn đề an sinh khác...) của người lao động hiện nay cũng được cải thiện, khiến họ có thể tìm kiếm, chọn lựa nơi làm việc tốt hơn thay vì phải chấp nhận mọi điều kiện ngặt nghèo chỉ miễn là có việc làm như trước đây.

            Điều đó đã được phản ánh qua thực tế là thời gian gần đây ở một số nơi, thị trường lao động phát triển khá sôi động, thậm chí nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhu cầu lao động đã qua đào tạo, lao động có kỹ thuật ngày càng lớn đã khiến cho nhiều thanh niên không đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng. Vì vậy, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp  vẫn cao. Chẳng hạn, tại Thành phố Hồ Chí Minh có gần 16.000 người được xác nhận là thất nghiệp; tại Bình Dương con số đó là 10.513 người; Đồng Nai: 3.786 người; Long An: 2.273 người(4).

Kết quả điều tra khảo sát tình hình thanh niên của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2009 cho thấy, 69% số thanh niên chịu sự tác động trực tiếp về việc làm, trong đó 43,4% ít việc làm hơn trước, 16,7% thất nghiệp và 8,7% phải làm những việc khác so với công việc trước đây.

            Với đối tượng thanh niên đang là công nhân do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu làm đình đốn sản xuất, dịch vụ của hầu hết các doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu, như dệt may, da giày... dẫn đến nhiều thanh niên công nhân thiếu hoặc  mất việc làm ảnh hưởng lớn tới thu nhập, đời sống của bộ phận thanh niên công nhân.

            Có 90,3% số thanh niên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương được hỏi đã xác nhận nơi họ làm việc đang phải chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 29% số người được hỏi duy trì được việc làm như trước, 18,4% thất nghiệp hoặc bị sa thải; 71,7% bị cắt giảm thời gian lao động, 23,7% không được nhận lương đúng kỳ hạn...

            Tình hình trên đã khiến không ít thanh niên công nhân rời bỏ xí nghiệp tìm kiếm công việc khác không ổn định ở các thành phố hoặc trở về quê làm ăn sinh sống. Tựu trung, đa số thanh niên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đều rất quan tâm, lo lắng tới vấn đề việc làm, thu nhập và điều kiện sống, sinh hoạt.

            Đối với thanh niên nông thôn, không có nghề nghiệp, thiếu việc làm, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh đang là những vấn đề chính được xã hội quan tâm. Kết quả khảo sát tình hình thanh niên năm 2009 cho thấy, trên 70% số thanh niên nông thôn chưa  qua đào tạo nghề. Do thiếu vốn và không có việc làm nên  2/3 số thanh niên nông thôn thường xuyên phải rời quê tìm việc làm ở nơi khác...  khiến cho làn sóng di cư tự phát của họ đến các khu đô thị, khu công nghiệp để tìm việc làm ngày càng tăng. Số thanh niên này khó quản lý, không sinh hoạt đoàn thể, làm việc vất vả, thu nhập thấp, bấp bênh và là nhóm có nguy cơ cao về mắc các tệ nạn xã hội.

Một số khó khăn hiện nay của thanh niên khu vực nông thôn, đặc biệt tại các khu vực thu hồi đất là: trình độ học vấn thấp nên không có cơ hội để có việc làm (68,4%), không có đất để sản xuất, kinh doanh (53,1%), thiếu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh (26,5%), thiếu thông tin về thị trường lao động (23,3%), khó tiếp cận các nguồn vốn (22,3%).

  1. Về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên

            Vấn đề lao động và việc làm của thanh niên có liên quan chặt chẽ với những định hướng nghề nghiệp của chính họ. Để có  một nguồn nhân lực trẻ đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề đặt ra là phải định hướng phát triển nghề nghiệp mới trong thanh niên, phù hợp với những yêu cầu mới của sự phát triển. Kết hợp giữa nhu cầu thực tế của sự phát triển thị trường lao động mới  với xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên.

            Thực tế cho thấy, giữa những đòi hỏi về việc làm với định hướng nghề nghiệp của thanh niên, giữa mục tiêu đào tạo nghề và sử dụng lao động có nhiều mâu thuẫn. Hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

            Kết quả điều tra xã hội học cũng cho thấy, khi đến tuổi lao động, hầu hết thanh niên đều mong muốn được đi học đại học, cao đẳng (86,5%), xu hướng này biểu hiện rõ nét nhất là ở nhóm thanh niên viên chức, học sinh, sinh viên. Nhu cầu đi học nghề (57%) và đi lao động xuất khẩu (41,2%) cũng là một xu hướng của thanh niên hiện nay, trong đó tỷ lệ thanh niên nông thôn có nguyện vọng học nghề là khá cao (71,7%).

            Xu hướng đi làm lao động phổ thông trong thanh niên không nhiều (21,3%). Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2009 - 2010 toàn quốc có 600.000 thí sinh thi trượt đại học và 112.838 học sinh thi trượt trung học phổ thông nhưng nhiều học sinh vẫn không muốn theo con đường học nghề. Trong khi ngành giáo dục đặt mục tiêu trong giai đoạn 2010 - 2020 phải thu hút 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, nhưng các trường dạy nghề hằng năm vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Đây là một chỉ báo rất đáng quan tâm.

            Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, nhiều thanh niên có xu hướng lựa chọn nhóm nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ (chiếm tỷ lệ 67,9% số người được hỏi). Điều này biểu hiện rõ nét nhất ở nhóm thanh niên học sinh (80,5%) và sinh viên (71,7%). Nghề làm cán bộ, công chức (48%) và công nhân (42,8%) cũng là xu hướng lựa chọn tiếp theo, trong đó, nhóm thanh niên viên chức và học sinh có xu hướng lựa chọn nghề làm cán bộ, công chức nhiều hơn. Nhóm thanh niên nông thôn và công nhân có xu hướng lựa chọn nghề công nhân lao động có kỹ thuật trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp cao nhiều hơn.

Điều đáng chú ý là có rất ít thanh niên lựa chọn công việc nghiên cứu khoa học (11,5%)           và hoạt động chính trị (12,4%). Kết quả tuyển sinh năm học 2009 - 2010 và 2010 - 2011, các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán... vẫn là những ngành thu hút nhiều thí sinh dự thi và đăng ký học. Trong khi các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, nhất là các chuyên ngành khoa học xã hội, cơ khí, kỹ thuật, lâm nghiệp, sư phạm... rất ít thí sinh đăng ký vào học, mặc dù theo ý kiến của các trường, nhu cầu của thị trường lao động đối với các nhóm ngành học này là khá cao.

  1. Đánh giá của thanh niên về hiệu quả của việc nâng cao chất lượng lao  động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên

            Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc  triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, sự nhìn nhận, đánh giá của cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể và thanh niên địa phương về hiệu quả đạt được của các hoạt động này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thanh niên.

            Trong những năm qua, công tác phát triển các loại hình thanh niên hỗ trợ nhau lập thân, lập nghiệp để phát triển sản xuất do Đoàn Thanh niên phát động cũng được tiến hành khá mạnh mẽ. Có khoảng 57,9% số người được hỏi cho rằng hoạt động này đã được quan tâm triển khai và 42,1% cho rằng đã được thực hiện với kết quả tốt.

            Tuy nhiên, cũng theo kết quả điều tra, một số hoạt động chưa được thanh niên đánh giá cao. Chẳng hạn, nhiều thanh niên cho rằng chúng ta chưa có được một kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược và có tính khả thi để phát triển nguồn nhân lực trẻ. Chỉ có 26,4% số người được hỏi cho rằng, công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch về phát triển thị trường lao động và việc làm tại địa phương đã được thực hiện tốt. Vấn đề xây dựng quy hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên cũng chỉ được 27, 7% ý kiến đánh giá là hoạt động có hiệu quả.

            Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), có thể thấy công tác thanh niên đang có sự chuyển biến rõ nét. Các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đều đã xây dựng những nghị quyết, chương trình và kế hoạch về công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã có những chính sách tạo điều kiện cho đoàn thanh niên hoạt động tốt hơn, đặc biệt, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đoàn trở thành cán bộ lãnh đạo kế cận của Đảng và chính quyền, công tác phát triển Đảng trong thanh niên các năm sau đều cao hơn năm trước. Các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên cũng  được các cấp chính quyền và đoàn thể ở địa phương quan tâm hơn trước. Nhiều địa phương đã coi các hoạt động hướng nghiệp, tạo việc làm là một khâu đột phá trong công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới trên lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

            Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25, nhất là trên lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực trẻ, phát triển lao động và việc làm cho thanh niên, vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự đồng đều ở các địa phương khác nhau. Điều này đang tiếp tục đòi hỏi gay gắt phải sớm có những nghiên cứu đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế từ thực tiễn để triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng được những đòi hỏi của thanh niên và công tác thanh niên trong tình hình mới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Báo cáo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2010”.

(2)Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống Kê: “Báo cáo kết quả điều tra lao động và việc làm toàn quốc giai đoạn 2004 - 2008”.

(3) Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Báo về tình hình tiếp nhận, giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2010”.

(4) Nguồn: “Thanh niên thất nghiệp chiếm số đông”,

http://vietnamnetjobs.com/default aspx?tabid=652 &artid=9360

 

[1] Sinh viên lớp ĐHCQ QLNN K2.

Tác giả: Đinh Văn Hiếu - Sinh viên lớp ĐHCQ QLNN K2.
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 CÔNG TÁC XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI THÀNH PHỐ THANH HÓA (09/06/19)
 Khoa Luật&QLNN tham gia Hội nghị thẩm định thuyết mình Đề tài cơ sở năm 2019 (26/05/19)
 HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2018-2019 (26/05/19)
 BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN NĂM HỌC 2018 - 2019 (26/05/19)
 TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TĂNG MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐẾN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI (26/05/19)
 Ý NGHĨA CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU KHÁI NIỆM – ĐỊNH NGHĨA ĐỐI VỚI TƯ DUY NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 QUYỀN CON NGƯỜI VÀ QUYỀN CÔNG DÂN – NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 NGUỒN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY (26/05/19)
 ĐÔI NÉT VỀ TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH ĐỀ TÀI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM HỌC 2018 - 2019 (01/04/19)
    Hôm nay 986
    Hôm qua 16057
    Tuần này 65112
    Tháng này 252687
    Tất cả 7058267
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường