Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TĂNG MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐẾN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Nội san số 03 - Khoa Luật&QLNN

Tóm tắt: Thời gian gần đây, nhà nước ta mới ban hành chính sách nâng mức lương cơ sở áp dụng đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Chính sách này đã có những tác động nhất định đến hoạt động quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực, chính sách cũng đem đến những thách thức to lớn đối với hoạt động quản lý nhà nước.

Từ khóa: mức lương cơ sở, quản lý nhà nước, đời sống xã hội.

Đặt vấn đề

Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách vĩ mô khác như an sinh xã hội, giá cả thị trường, cơ cấu lao động, quản lý nhà nước và đời sống xã hội... Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003). Từ năm 2003 đến năm 2017 đã 11 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng (tăng thêm 519%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cùng kỳ là 208,58%) nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống của đa số người hưởng lương.

Đứng trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Trên tinh thần chỉ đạo của Đảng, ngày 15 tháng 5 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ – CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chưc, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng kể từ ngày 01/7/2018.

Hiểu một cách khái quát, mức lương cơ sở là mức lương được dùng làm căn cứ để tính các mức lương trong bảng lương, các mức phụ cấp theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (những người làm việc trongquân đội nhân dân, công an nhân dân) và những người hưởng phụ cấp (như người hoạt động không chuyên trách cấp xã -phó công an xã, phó Chủ tịch hội Phụ nữ xã, phó Chủ tịch hội Nông dân xã, phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã, phó Bí thư Đoàn thanh niên xã, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ khu phố...).

Một điều lưu ý, cần phân biệt giữa mức lương cơ sở với mức lương tối thiểu, bao gồm mức lương tối thiểu vùng và mức lương tối thiểu ngành (quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012). Đây là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất (không cần qua đào tạo), trong điều kiện bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Như vậy, khác với mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu được dùng làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động (khối tư nhân) thỏa thuận và trả lương, đảm bảo mức lương mà người lao động được nhận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất và cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng đối với  đã qua học nghề[2].

Chính sách tăng mức lương cơ sở đã mang lại những tác động nhất định đến hoạt động quản lý nhà nước và đời sống xã hội, cụ thể đó là:

  1. Nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các đối tượng hưởng phụ cấp và các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội

Mức lương cơ sở tăng thêm 90.000 đồng/ tháng, khi nhân với hệ số lương và phụ cấp theo thang bảng lương hiện hành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ có thêm một khoản thu nhập khoảng từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/tháng. Mức tăng thu nhập này chưa phải là quá lớn, song cũng đem lại những tác động tích cực cả về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ cán bộ, công chức để họ có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Điều này cũng có tác động tương tự đối với các đối tượng hưởng trợ cấp như những người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Chính sách tăng lương cơ sở không chỉ có tác động đối với những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức công mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo người dân lao động, đặc biệt là những đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội. Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội được xác định dựa trên mức lương cơ sở. Ví dụ, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở [3]; Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở [4]; Người lao động bị suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở [5]...

Qua đó có thể thấy, việc tăng lương cơ sở có ảnh hưởng sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống của đông đảo các đối tượng người dân trong xã hội, cả khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân. Đây là tác động tích cực dễ nhận thấy của chính sách tăng lương cơ sở.

  1. Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức

Thực tế cho thấy, rất nhiều công chức nhà nước vẫn còn hiện tượng “chân trong chân ngoài” – vừa làm việc tại các cơ quan nhà nước, vừa tạo dựng mối quan hệ để kinh doanh, làm thêm ở ngoài, việc làm tại cơ quan chỉ để giữ chỗ, khiến chất lượng thực thi công vụ không cao. Một số công chức thậm chí có hành vi nhũng nhiễu để vòi vĩnh người dân khi họ có việc cần đến các cơ quan nhà nước... Tất cả những hiện tượng này đều có nguyên nhân sâu xa từ việc mức lương của đội ngũ cán bộ, công chức không được bảo đảm. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì khi các nhu cầu thiết thân của công chức và gia đình họ không được bảo đảm thì họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc thực thi công vụ của mình. Chính vì vậy, việc tăng lương cơ sở chính là giải pháp căn cơ, lâu dài đề giải quyết triệt để các tiêu cực nêu trên. Khi mức lương được cải thiện, đội ngũ cán bộ, công chức sẽ phần nào yên tâm hơn trong công tác, mặc dù chính sách này cũng còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, cải cách kỹ lưỡng hơn nữa.

Quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ, khi mức lương được nâng lên đồng nghĩa với việc trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ cũng cần được đề cao hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn Chính phủ đang tích cực xây dựng một nền công vụ phục vụ, hiệu quả như hiện nay. Khi đó, việc nâng cao trách nhiệm khi thực thi công vụ không còn là những khẩu hiệu suông, mà đã trở thành một nhiệm vụ mang tính bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, tron đó có cả biện pháp khuyến khích về vật chất lẫn những chế tài xử lý vi phạm (công chức 02 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc một năm không hoàn thành nhiệm vụ và một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế có thể bị buộc thôi việc[6]).

  1. Tạo thách thức lớn trong việc tinh giản biên chế, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây luôn ở mức cao trên thế giới (năm 2017 đạt 6.81%, dự kiến năm 2018 có thể đạt 7.02%). Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế nước ta còn còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực (tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2017 đạt 220 tỷ USD) khiến thu ngân sách nhà nước còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở một số thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Cần Thơ, Bình Dương và một số tỉnh, thành phố khác (chỉ khoảng 20% số địa phương hiện nay có đóng góp cho ngân sách nhà nước, số còn lại đều phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương). Trong khi đó, các khoản chi thường xuyên luôn chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng ngày càng tăng, chi đầu tư phát triển không đem lại hiệu quả cao (theo số liệu của Bộ tài chính, chi thường xuyên đạt 455.800 tỷ đồng, chiếm 70,2% tổng chi ngân sách nhà nước 06 tháng đầu năm 2018 [7]), kể đến là bài toán nợ công và vấn nạn tham nhũng còn diễn ra phổ biến ở nhiều cơ quan, địa phương. Điều này khiến ngân sách nhà nước luôn ở tình trạng eo hẹp.

Như đã phân tích ở trên, chính sách nâng lương cơ sở có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội với số lượng người vô cùng lớn. Tuy nhiên, với tình hình ngân sách như hiện nay, để duy trì và tiếp tục phát triển chính sách này là một bài toàn hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách và mỗi cơ quan quản lý nhà nước nói chung. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, chi thường xuyên cho chi trả lương, trợ cấp sẽ ngày một tăng, ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển đất nước. Để giải quyết tình trạng trên, cần tiến hành những giải pháp đồng bộ sau đây:

Thứ nhất, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Các cơ quan nhà nước cần được sắp xếp theo hướng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan để tránh hiện tượng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề; loại bỏ các cơ quan trung gian không thực sự cần thiết; giải thể, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả. Cùng với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc tinh giản biên chế. Cần giảm thiểu số lượng cấp phó ở tất cả các cơ quan, ban, ngành; sắp xếp đề án vị trí việc làm cụ thể cho từng chức danh quản lý và chuyên viên; vận động cho về hưu sớm đối với những đối tượng sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng không còn khả năng phấn đấu tiếp; kiên quyết buộc thôi việc với những trường hợp mắc nhiều sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010. Với đội ngũ công chức – những người thực thi công vụ, trước mắt vẫn giữ nguyên biên chế như hiện nay để bảo đảm hoạt động công vụ được diễn ra ổn định, thông suốt, hiệu quả. Tuy nhiên, đối với những đối tượng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập (trường học, bệnh viện, trung tâm...) cần tiến tới loại bỏ biên chế, thay thế dần bằng hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động, chỉ cần lãnh đạo của đơn vị là công chức để đảm bảo tính kết nối của hoạt động sự nghiệp với hoạt động quản lý nhà nước.

Thứ hai, siết chặt quản lý đối với hoạt động đầu tư công. Các dự án đầu tư công của các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước cần có kế hoạch đầu tư cụ thể, rõ ràng và phải được đấu thầu công khai, minh bạch. Chủ các dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý về dự án mà mình được giao quản lý. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, kiên quyết xử lý cách chức và xử lý hình sự đối với những người có sai phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án đầu tư công.

Thứ ba, nhanh chóng tiến tới tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các đơn vị này, nhà nước chỉ bổ nhiệm người đứng đầu và đề ra những định hướng hoạt động mang tính nguyên tắc chung. Các hoạt động cụ thể cũng như vấn đề nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ do người đứng đầu tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Khi cần thiết, nhà nước sẽ có những hỗ trợ đầu tư ban đầu, còn về cơ bản thì nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải được bảo đảm từ chính nguồn thu từ đơn vị. Đây cũng chính là “phép thử” cho hiệu quả hoạt động của đơn vị và người đứng đầu. Nếu đơn vị hoạt động không hiệu quả, người đứng đầu có thể bị cách chức, thậm chí tiến tới sáp nhập, giải thể đơn vị để tinh gọn bộ máy và tin giản biên chế.

 

[2]  Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016).

[3] Theo Khoản 3 Điều 29 và Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[4] Theo Khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[5] Theo Điều 49 Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015.

[6] Theo Điều 58 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

[7] https://vov.vn/kinh-te/chi-thuong-xuyen-chiem-tren-70-tong-chi-ngan-sach-788904.vov

Tác giả: Ths. Nguyễn Như Sơn - Giảng viên Khoa Luật và Quản lý Nhà nước.
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Ý NGHĨA CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU KHÁI NIỆM – ĐỊNH NGHĨA ĐỐI VỚI TƯ DUY NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 QUYỀN CON NGƯỜI VÀ QUYỀN CÔNG DÂN – NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 NGUỒN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY (26/05/19)
 ĐÔI NÉT VỀ TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH LUẬT (26/05/19)
 HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH ĐỀ TÀI SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM HỌC 2018 - 2019 (01/04/19)
 Lịch nghiệm thu Đề tài SV NCKH cấp Khoa năm học 2018 - 2019 (21/03/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỌC PHẦN VĂN BẢN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (03/03/19)
 TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (03/03/19)
 QUY HOẠCH QUẢN LÍ ĐÔ THỊ Ở LÀO VỚI QUY HOẠCH QUẢN LÍ ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM  (27/02/19)
 TỪ ĐIỂN CHUYÊN NGÀNH VIỆT – LÀO (Phần 1) (24/02/19)
    Hôm nay 7091
    Hôm qua 14082
    Tuần này 21173
    Tháng này 208748
    Tất cả 7014328
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường