NCKH Giảng viên
HƯỚNG TỚI CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN 2015: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO NHÂN LỰC DU LỊCH VIỆT NAM

 Tóm tắt: Theo tiến trình hội nhập đến cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập. Đây là bước phát triển cao của quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN. AEC được thành lập sẽ tạo ra nhiều cơ hội và đặt ra không ít thách thức đối với nhân lực du lịch Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở đào tạo du lịch. Bài viết này dựa trên thực tiễn trong đào tạo du lịch ở Việt Nam để xem xét các cơ hội và thách thức ở mức độ nào đối với các cơ sở đào tạo du lịch khi Việt Nam gia nhập AEC và đề ra các giải pháp định hướng để góp phần rút ngắn khoảng cách trong đào tạo nhân lực du lịch với các nước trong khu vực, đặc biệt là đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, vững tay nghề.

Từ khóa: AEC, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Nhân lực du lịch, Du lịch, Việt Nam

  1. Giới thiệu cộng đồng kinh tế ASEAN

ASEAN có diện tích không rộng (gần 4,5 triệu km2), nhưng có dân số tương đối đông (612 triệu người) và mật độ cao (đạt 136 người/km2, tương đương với châu Á, cao gấp gần 2,7 lần thế giới). GDP của ASEAN ước tính năm 2014 theo tỷ giá hối đoái thực tế đạt trên 2500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4000 USD (nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương đạt khoảng 7800 USD), tuy thấp hơn của châu Á và thế giới, nhưng lại có tốc độ tăng cao hơn. ASEAN cũng là khu vực có độ mở lớn (so với GDP, xuất khẩu bằng 67,5%, nhập khẩu bằng 63,7%) và vị thế xuất siêu trong quan hệ buôn bán với ngoài khu vực (bằng trên 5,6% kim ngạch xuất khẩu và bằng 3,8% GDP).[1]  

Mục tiêu của ASEAN là tạo ra một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, hướng đến việc hình thành một cộng đồng ASEAN liên kết, tự cường vào năm 2020 với ba trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hóa - xã hội. Lộ trình hợp tác kinh tế được rút ngắn 5 năm so với kế hoạch ban đầu, theo đó cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được chính thức thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015. [2]

Khi AEC được hiện thực hóa, hàng hóa, dịch vụ, hoạt động đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng sẽ được tự do lưu chuyển giữa các quốc gia thành viên. Những nội dung này hứa hẹn mang đến cho các quốc gia sự thuận lợi trong phát triển kinh tế và hội nhập, tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, đồng thời năng lực sản xuất, tính cạnh tranh và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu được tăng cường. Tuy nhiên cùng với những cơ hội, các quốc gia cũng phải đối mặt nhiều thách thức do sự khác biệt về trình độ phát triển, sự sẵn sàng hội nhập của các doanh nghiệp, các chính sách thích ứng với AEC và sự quan tâm của người dân ở mỗi quốc gia. [2]

Vấn đề được các quốc gia thành viên đặc biệt quan tâm là tự do hóa di chuyển lao động có kỹ năng trong ASEAN, bởi hầu hết các nước đang ở thời kỳ dồi dào nhất về lực lượng lao động. Các nước thành viên không chỉ đối mặt với tình trạng việc làm và năng lực, trình độ, kỹ năng của người lao động, các quốc gia sẽ phải xác định thị trường lao động cho nguồn nhân lực của nước mình ở cả hiện tại và tương lai. Điều này đòi hỏi không chỉ là chiến lược của đất nước mà còn nằm ở chính các cơ sở đào tạo du lịch và nhận thức của người lao động trong bối cảnh mới. Bài viết này đánh giá những cơ hội và thách thức và cung cấp những giải pháp để các cơ sở đào tạo du lịch có hướng đi đúng đắn trong việc đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng tốt yêu cầu các các doanh nghiệp sử dụng lao động trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

2. Những cơ hội và thách thức đối với đào tạo nhân lực du lịch ở Việt Nam

Việc AEC có hiệu lực từ ngày 31/12/2015 vừa là cơ hội cho việc đào tạo nhân lực du lịch ở Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước, điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo du lịch phải có những thay đổi kịp thời để không bị tụt lại so với các nước trong khu vực.

2.1. Những cơ hội

Thứ nhất, nhu cầu lao động có tay nghề và trình độ làm việc trong lĩnh vực du lịch sẽ tăng cao trong thời gian tới  

Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), ngành du lịch thế giới cung cấp hơn 235 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp) trong năm 2010 chiếm 8% tổng số việc làm hay cứ 12,3 việc làm có một việc làm trong ngành du lịch). Theo dự báo, ngành du lịch thế giới sẽ cung cấp 296 triệu việc làm vào năm 2019. [5] Trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định nguồn nhân lực du lịch và liên quan (trực tiếp và gián tiếp) năm 2020 là 2.958.000. Đây là cơ hội rất lớn cho các cơ sở đào tạo du lịch trong thời gian tới. Và để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học, ngay từ bây giờ, các cơ sở đào tạo cần chuẩn bị thật tốt về đội ngũ giảng viên, các chương trình đào tạo và cơ sở thực hành, thực tập.

Bảng 2.1: Dự báo chỉ tiêu phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2015 -2030

TT

Các chỉ tiêu

2015

2020

2025

2030

1

Khách quốc tế

7.500.000

10.500.000

14.000.000

18.000.000

2

Khách nội địa

37.000.000

45.500.000

58.000.000

71.000.000

3

Tổng thu từ du lịch (tỷ USD)

10,3

18,5

26,6

35,2

4

Tỷ trọng tổng thu du lịch trong tổng GDP toàn quốc %

6,0

7,0

7,3

7,5

5

Lao động trực tiếp trong ngành du lịch

620.000

870.000

1.050.000

1.400.000

6

Lao động du lịch và liên quan (trực tiếp và gián tiếp)

2.108.000

2.958.000

3.570.000

4.760.000

                                                       Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch

      Biểu đồ 1: Cơ cấu trình độ lao động có chuyên môn nghiệp vụ

                                                                  Nguồn: Tổng cục Du lịch

Biểu đồ 2. Cơ cấu trình độ lao động gián tiếp của ngành Du lịch

                                                                     Nguồn: Tổng cục du lịch

Thứ 2, Chứng chỉ hành nghề và bằng cấp được công nhận trong Cộng đồng ASEAN 2015?

Trong Cộng đồng ASEAN, việc thực hiện công nhận tay nghề cũng là một lĩnh vực được đặt ra. Công nhận những chứng chỉ hành nghề trong các lĩnh vực y tế, du lịch và một số nghề khác sẽ tạo điều kiện cho công dân các nước ASEAN tìm được việc làm ngoài phạm vi nước mình với mức lương hợp lý, hấp dẫn hơn.

ASEAN đã thành lập mạng lưới các trường đại học (AUN) gồm 26 thành viên. Việt Nam có 03 thành viên tham gia mạng lưới này là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Cần Thơ. Tương lai, hợp tác giáo dục đào tạo là lĩnh vực còn nhiều trao đổi, cải thiện vì trình độ giáo dục đại học trong các nước ASEAN còn chênh lệch và việc công nhận tín chỉ giữa các trường đại học có thể được xem xét công nhận lẫn nhau. [9]

Thứ ba, cơ hội hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế 

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển nghề nghiệp hướng đến ASEAN 2015” nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như sinh viên thiếu và yếu các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp sẽ khó khăn trong quá trình hội nhập ASEAN. Và theo TS.Lê Thị Thanh Mai (ĐHQG Tp.HCM): “Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Xu thế này sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu và thanh niên toàn cầu. [6] Vì vậy, để sinh viên tự tin hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nhà trường cần trang bị những kỹ năng mềm như ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật lao động giúp sinh viên, người lao động có thể làm việc ở môi trường đa quốc gia. Bên cạnh đó trong chương trình đào tạo cần phải lồng ghép giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật của các quốc gia trong khu vực, các cam kết pháp lý trong cộng đồng ASEAN.

2.2. Những thách thức

Thứ nhất, Chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng trong và ngoài nước

Trên thực tế, hiện trong khu vực đã thông qua thỏa thuận công nhận lẫn nhau cho 8 ngành nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển, xuất khẩu lao động: nhân viên du lịch, kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên. Lúc này lao động Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các thị trường phát triển như Singapore, Thái Lan, Indonesia,... nhưng đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận nhiều lao động chất lượng cao từ các nước trong khu vực đến làm việc. Thực tế này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Lao động nước ta phải cạnh tranh với lao động các nước Đông Nam Á ngay trên sân nhà. Nếu như chúng ta đào tạo ra những lao động thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ tay nghề thì tất yếu sẽ bị đào thải. Người học sẽ quay lưng lại với chúng ta, các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng sẽ quay lưng lại với chúng ta.

Thứ hai,Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn nghề Du lịch quốc gia

Hiện nay, ngành du lịch ASEAN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề chung cho 6 nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề, không bao gồm nghề hướng dẫn viên du lịch. Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được xây dựng. Một số nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đã có cơ quan quốc gia cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho người lao động. Tuy nhiên ở Việt Nam, hệ thống đào tạo nghề du lịch phức tạp và chưa nhất quán, tồn tại khoảng cách lớn giữa các cơ sở đào tạo nghề ở trung tâm lớn và các địa phương vùng sâu xa. Mặt khác, ở nước ta tồn tại một số bộ tiêu chuẩn nghề khác nhau (bộ tiêu chuẩn nghề do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) do Liên minh châu Âu tài trợ) mà chưa có một bộ tiêu chuẩn thống nhất. Chúng ta cũng chưa có một bộ giáo trình chung cho đào tạo du lịch. Hiện nay, mỗi cơ sở đào tạo sử dụng một giáo trình riêng do chính cơ sở mình biên soạn, điều này dẫn đến chất lượng đào tạo không đồng nhất, không theo một tiêu chuẩn nhất định.

Thứ ba, chất lượng giảng viên của các cơ sở đào tạo trong nước còn thấp

Đội ngũ giảng viên, giáo viên và đào tạo viên du lịch còn hạn chế về số lượng, chất lượng, đặc biệt thiếu giáo viên, giảng viên tay nghề cao, lý luận giỏi. Phần lớn các giáo viên, giảng viên yếu kém về ngoại ngữ và phương pháp sư phạm hiện đại, trong khi du lịch yêu cao về kiến thức, kỹ năng hội nhập.

3. Một vài khuyến nghị đối với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch ở Việt Nam

            Để nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề của lao động trong lĩnh vực du lịch lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, biến nhân lực thành lợi thế quốc gia và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, các cơ sở đào tạo du lịch trong nước cần thực hiện các giải pháp:

            - Các cơ sở đào tạo du lịch cần chủ động hội nhập quốc tế, tích cực trao đổi giáo viên, sinh viên, giáo trình, tài liệu giảng dạy. Hàng năm gửi các giảng viên và sinh viên sang thực tập tại các nước có nền du lịch phát triển trong khu vực.

            - Tăng cường liên kết trong đào tạo du lịch. Liên kết giữa cơ quan quản lý với các cơ sở đào tạo, cơ sở sử dụng nhân lực du lịch; liên kết giữa các cơ sở trong mạng lưới đào tạo về du lịch cả nước. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần tăng cường tìm kiếm các đối tác quốc tế, tích cực tham gia mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch ASEAN và các mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch quốc tế khác.

            - Đa dạng hóa cũng như đổi mới các chương trình đào tạo theo kịp với tiêu chuẩn chung của các nước trong khu vực. Đào tạo theo các lĩnh vực chuyên sâu để người học sau khi tốt nghiệp có được năng lực chuyên môn cao, giỏi tay nghề đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng trong từng vị trí việc làm. Hiện nay, mười tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam được xây dựng bằng tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt và được đệ trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo thứ tự: Lễ tân, Buồng, Nhà hàng, Quản lý du lịch, Hướng dẫn viên du lịch, Nấu ăn chuyên nghiệp, Quản lý khách sạn, Thuyết minh viên du lịch, Phục vụ trên tàu du lịch, Vận hành doanh nghiệp vừa và nhỏ. [8] Đây sẽ là tiền đề để các cơ sở đào tạo du lịch nghiên cứu, thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với từng bậc nghề và tiêu chuẩn nghề cụ thể. Mặt khác, các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng phải đảm bảo rằng, các chương trình do mình xây dựng phải phù hợp với hoặc liên kết với Chương trình đào tạo du lịch chung ASEAN nhằm cấp ra những văn bằng thích đáng cho sinh viên hoặc người thực tập. Bên cạnh đó, cần xem xét xem các văn bằng hoặc các chương trình đào tạo hiện tại phải điều chỉnh hoặc thay đổi như thế nào nhằm đáp ứng các yêu cầu của ASEAN về thừa nhận văn bằng du lịch lẫn nhau.

- Đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo liên thông từ thấp đến cao, từ lao động giản đơn đến giám sát, quản lý các cấp. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên vào thực tập, làm part - time (làm bán thời gian), như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thiếu lao động của doanh nghiệp mà sinh viên thì được trực tiếp với công việc thực tế. Thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu công việc. Tăng cường liên kết đào tạo du lịch giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho đào tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch lập cơ sở dịch vụ phù hợp ngành nghề đào tạo để học sinh, sinh viên thực hành và hoạt động tạo thêm kinh phí cho đào tạo. Tiếp tục đa dạng hóa sở hữu các loại hình trường, lớp và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

- Các cơ sở đào tạo cần giảm số giờ dạy lý thuyết, tăng cường dạy thực hành để người học có điều kiện năng cao kỹ năng nghiệp vụ, rèn luyện tay nghề ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

- Thay đổi phương pháp giảng dạy của giảng viên/giáo viên, học tập của học sinh/sinh viên theo hướng tích cực, chủ động. Nội dung bài giảng của giảng viên/giáo viên phải được thiết kế mang tính trực quan, sinh động và cụ thể với các mẫu, phiếu, biểu, hình ảnh, phim… gắn với thực tế nghề nghiệp, gắn với doanh nghiệp.

- Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên giỏi cả về lý thuyết và kỹ năng thực hành. Hàng năm, các cơ sở đào tạo cần bắt buộc giảng viên đến các doanh nghiệp du lịch, khách sạn thực tập với mục đích nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức và nắm bắt nhu cầu đào tạo của các cơ sở trực tiếp sử dụng lao động.

- Các cơ sở đào tạo cần chủ động đánh giá chất lượng đào tạo của mình thông qua việc đăng ký thẩm định tay nghề của sinh viên do Trường đào tạo theo hệ thống Chứng chỉ nghề du lịch quốc gia. Thông qua các trung tâm thẩm định chứng chỉ nghề du lịch quốc gia, các cơ sở đào tạo sẽ biết được sản phẩm do mình đào tạo còn hạn chế ở đâu để có giải pháp thay đổi kịp thời.

4. Kết luận

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế quốc gia nói riêng và kinh tế ASEAN nói chung. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, trong thế kỷ 21 du lịch trở thành hoạt động kinh tế quan trọng nhất trên phạm vi toàn cầu. Với vai trò ngày càng tăng của ngành du lịch, nhiều quốc gia đã coi du lịch là động lực chính để phát triển kinh tế-xã hội.

 Thực hiện việc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 đòi hỏi các cơ sở đào tạo du lịch Việt Nam không thể đứng ngoài nếu không muốn thất bại ngay trên sân nhà. Nếu lực lượng lao động trong ngành du lịch Việt Nam không có đủ các năng lực cần thiết đáp ứng nhu cầu hội nhập thì khó có thể cạnh tranh với lao động đến từ các nước ASEAN khác. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tùy theo sứ mạng và mục tiêu đào tạo của mình, mỗi cơ sở đào tạo cần vận dụng linh hoạt các giải pháp khác nhau trong quá trình đào tạo để cung cấp đội ngũ nhân lực du lịch có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập khu vực đang đến rất gần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tạp chí Tài chính (2015), Vị trí của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN

2. Bùi Thị Minh Tiệp (2015), Nguồn nhân lực của các nước ASEAN và những tham chiếu cho Việt Nam trước thềm hội nhập AEC.

3. Bùi Thanh Thủy (2014), Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trước bối cảnh hội nhập lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN, Hội thảo khoa học: Thanh Hóa và liên kết phát triển du lịch quốc gia, quốc tế.

4. Phát triển thị trường lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - Báo điện tử, Đảng cộng sản Việt Nam (ngày 29/08/2014). Gia nhập AEC: thách thức và cơ hội đối với thị trường lao động Việt Nam.

5. Tổ chức lao động quốc tế - ILO, (2010). Phát triển và thách thức trong ngành khách sạn và du lịch, Bài trình bày tại Diễn đàn đối thoại toàn cầu về Ngành khách sạn, ăn uống và du lịch, Giơ-ne-vơ 23-24.11.2010. 

6. Hội thảo “Giải pháp phát triển nghề nghiệp hướng đến ASEAN 2015”, tổ chức ngày 16.11.2013, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM).

7. “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020” và “Chiến lược phát triển giáo dục dạy nghề 2011 - 2020”. www.chinhphu.vn

8. Dự án Chương trình phát triển Năng lực du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội. www.vtcb.org.vn

9. Đặng Thanh Vũ (2014), Nhân lực Du lịch Việt Nam - cơ hội và thách thức trong cộng đồng Asean 2015.

 

Nguồn tin: Bài đăng tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Nghiên cứu đa ngành khi ASEAN nhất thể” do Đại học MinSCAT - Philippines tổ chức,   Tác giả: Vũ Văn Tuyến - Hoàng Thị Huệ
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 Nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2015 (02/03/16)
 Hội thảo khoa học “Bàn về thực trạng và giải pháp áp dụng các điểm, khu, tuyến du lịch tại khu vực Bắc Trung Bộ vào việc giảng dạy và học tập của sinh viên chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa”. (02/03/16)
Hôm nay 542
Hôm qua 786
Tuần này 542
Tháng này 26768
Tất cả 1921519
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA DU LỊCH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường