Tin tức sự kiện
LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯA MÔN MỸ THUẬT VÀO CHƯƠNG TRÌNH BẬC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Mỹ thuật là môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác, mục tiêu trọng tâm của giáo dục mỹ thuật là bồi dưỡng, hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh, đây là một thành tố góp phần đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ…”.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã để trống một khoảng giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động dạy - học mỹ thuật ở cấp THPT, điều này hạn chế tính liên thông giữa các cấp học trong bậc học, giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp ở bậc học cao hơn, cũng như hạn chế khả năng đáp ứng nguồn nhân lực lao động gắn với mỹ thuật trong thực tiễn đời sống.

Do vậy, đổi mới giáo dục lần này, đưa mỹ thuật vào dạy - học ở cấp THPT là góp phần làm kín khoảng trống về giáo dục thẩm mỹ, cũng như khắc phục những hạn chế nêu trên; đồng thời, đáp ứng mục tiêu giáo dục phân hóa, giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Học sinh trung học phổ thông là con người đang trong thời kỳ phát triển hoàn thiện về thể chất và chân cách, có nhu cầu tìm hiểu về lý tưởng và các giá trị xã hội; có ý thức định hình quan điểm, nhận thức về cái tôi của mình.Bởi vậy, giáo dục thẩm mỹ nói chung, giáo dục thẩm mỹ thông qua mỹ thuật trong giai đoạn này giúp các em định hướng nhận thức về quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực; hình thành thị hiếu thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại; cũng như đặt ra vấn đề tự khẳng định mình trong cuộc sống và nghề nghiệp; lựa chọn con đường tiếp theo phù hợp với sở thích, thiên hướng mỹ thuật, tham gia đời sống xã hội một cách thiết thực và hiệu quả.

Vậy, chương trình Mỹ thuật mới có những điểm gì khác với chương trình hiện hành?

Thứ nhất, chương trình được mở rộng về phạm vi đối tượng giáo dục, lần đầu tiên được thực hiện dạy - học ở cấp trung học phổ thông.

Thứ hai, chương trình chú trọng mục tiêu phát triển năng lực thẩm mỹ, cụ thể ở các năng lực thành phần đặc thù của môn học như: Quan sát và nhận thức thẩm mỹ, Sáng tạo và ứng dụng thẩm mỹ, Phân tích và đánh giá thẩm mỹ.

 Thứ ba, chương trình tiếp cận nội dung dựa trên kiến thức cốt lõi mỹ thuật; vừa đảm bảo dạy học tích hợp, vừa đảm bảo dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp; vừa là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa là môn học tự chọn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình xây dựng theo hướng mở, tạo điều kiện để tác giả sách giáo khoa và các cơ sở giáo dục cũng như giáo viên có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo và tránh quá tải.

Thứ tư, chương trình chú trọng đổi mới phương pháp, vận dụng đa dạng hình thức, không gian học tập, các chất liệu, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng trong thực hành, sáng tạo. Thông qua lồng ghép thảo luận nghệ thuật và thực hành nghệ thuật, học sinh đồng thời vừa là “người sáng tạo nghệ thuật” vừa là “người thưởng thức nghệ thuật”.

Thứ năm, chương trình đổi mới đánh giá trọng tâm là đánh giá năng lực thẩm mỹ. Phương pháp đánh giá chủ yếu là đánh giá quá trìnhkết hợp với đánh giá tổng kết thông qua sử dụng những công cụ đánh giá như quan sát, nhận xét sản phẩm, dự án nhỏ, hồ sơ học tập…; tạo cơ hội để học sinh tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng trong thảo luận nghệ thuật và thực hành nghệ thuật.

Do lần đầu tiên thực hiện nên nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi đưa môn Mỹ thuật vào cấp THPT sẽ có những khó khăn về cả đội ngũ giáo viên lẫn cơ sở vật chất trường lớp. Để khắc phục những khó khăn trên, một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Trước hết, các cơ sở đào tạo giáo viên mỹ thuật, cần xúc tiến xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo sau khi được tập huấn, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân, giáo viên thực hiện giảng dạy được chương trình.

Trong thời gian đầu, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường có thể căn cứ trên nhu cầu lựa chọn của học sinh, điều kiện thực tiễn của địa phương để tổ chức dạy học một cách linh hoạt, như mời giáo viên hoặc cho phép học sinh đăng ký học ở cơ sở đào tạo khác.

Các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật cần rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo, đảm bảo có chương trình đào tạo tương thích với chương trình mỹ thuật phổ thông và kịp thời tuyển sinh cho khóa đào tạo từ năm học 2018- 2019. Song song với đó, các địa phương, các nhà trường phổ thông cần quan tâm bố trí phòng học chuyên biệt và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất khác phù hợp với đặc thù hoạt động mỹ thuật.

Để khắc phục việc chưa có phòng học chuyên biệt (giải pháp trước mắt), nhà trường và giáo viên có thể tạo ra các không gian, hình thức học tập khác nhau dựa trên điều kiện thực tế; khai thác, vận dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học cần có: Vật mẫu, họa phẩm, sách báo, tranh ảnh…, đèn chiếu (overhead), máy chiếu (projector), máy tính kết nốiinternet…và các nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương để tổ chức dạy học hiệu quả.

Nguồn: Bộ GD-ĐT

In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯA MÔN ÂM NHẠC VÀO CHƯƠNG TRÌNH BẬC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (27/02/18)
 Triển lãm mỹ thuật khu vực IV Bắc miền Trung lần thứ XXI (17/08/16)
 Hội Mỹ thuật Việt Nam tôn vinh 5 tác phẩm xuất sắc năm 2015 (28/09/15)
Hôm nay 99
Hôm qua 363
Tuần này 1889
Tháng này 9065
Tất cả 1365344
Browser   (Today) Chi tiết >>
KHOA SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

 

 
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 
Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường