Tìm kiếm
 Liên kết Website
Tin tức
KHƠI DẬY ĐỘNG LỰC VÀ SỨC MẠNH NỘI SINH CỦA VĂN HÓA THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

(ĐCSVN) – Tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, GS. TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá có ở mọi khía cạnh của cuộc sống, nếu biết khơi dậy đúng hướng tính nhân bản, tính tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Văn hoá hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống

     Theo GS. TS Lê Hồng Lý, văn hoá trong quá trình phát triển của đất nước được bàn luận trong nhiều năm qua, từ đề cương văn hoá năm 1943 đến bước chuyển quan trọng là Nghị quyết Trung ương V khoá 8, sau đó là nghị quyết 33 của Bộ chính trị và được khẳng định bởi Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XIII. Mới đây nhất, ngày 17/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", trong đó nhấn mạnh việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

     GS. TS Lê Hồng Lý khẳng định, cần nhận thức rõ sự hiện diện của văn hoá trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bởi văn hoá chính là con người. Văn hoá chính là con người, gắn chặt với con người từ lúc họ sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay và chi phối họ trong tất cả mọi hành vi, thái độ, ứng xử ở mọi nơi mọi lúc… Hiểu như vậy mới thấy rõ văn hoá là động lực, là sức mạnh nội sinh.

 GS. TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

     Trong thực tế, đôi khi vì những lý do này hay lý do khác chúng ta lại quên đi sự nhìn nhận rộng về văn hoá và sự có mặt của nó trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Có những giai đoạn, do ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần có lúc quá mức, nên trong các hoạt động chống mê tín dị đoan đã phá đi nhiều thiết chế văn hoá (đình, đền, chùa…), phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh, giá trị lễ nghĩa, trên dưới trong xã hội. Ở phương diện đào tạo văn hoá, chúng ta thấy Đại học văn hoá trước đây chỉ tập trung vào 4 mảng theo chức năng quản lý của bộ văn hoá đó là: Bảo tàng, Thư viện, Văn hoá nghệ thuật và Văn hoá quần chúng…Gần như toàn bộ phần văn hoá tín ngưỡng như tên gọi phổ biến hiện nay không được nhắc đến hay nhắc đến với tâm lý kỳ thị. Nhiều loại hình văn hoá tín ngưỡng một thời bị cấm đoán, xoá bỏ  đó ngày nay đã trở thành di sản văn hoá đại diện cho nhân loại như ta đã thấy, là minh chứng cho điều đó.

     GS. TS Lê Hồng Lý cho rằng, chúng ta rất đúng đắn coi văn hoá là một mặt trận trong chiến đấu và xây dựng. Trong thời gian chiến tranh tất cả mọi nguồn lực vật chất và tinh thần của con người được tận dụng để hướng tới mặt trận, vì chiến thắng cuối cùng. Điều này được thể hiện rất rõ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tuy nhiên trong xây dựng, nhất là đời sống cho toàn xã hội thì không phải lúc nào cũng nhìn được thật rõ động lực ấy của văn hoá. Trong khi đất nước còn nghèo, thì kinh tế được ưu tiên phát triển là điều đương nhiên, song do không có sự nhìn nhận về vai trò của văn hoá nên vì tăng trưởng kinh tế mà nhiều giá trị văn hoá bị mất mát. Chẳng hạn như các dự án kinh tế làm nhiều di sản văn hoá bị phá huỷ, đến khi kinh tế ổn định, có của ăn của để quay lại thì văn hoá đã mất (cả di sản vật thể lẫn phi vật thể), có nhiều cái không thể nào khôi phục được.

     Đối với xã hội, sự buông lỏng của văn hoá gia đình xuất phát từ sự phó mặc việc nuôi dạy con cái cho nhà trường, đoàn thể nên nhiều gia đình không quan tâm đến việc giáo dục con cái một cách sát sao. Nhiều khi, vì công việc mưu sinh nên cha mẹ không có điều kiện chăm sóc con cái hoặc ỷ vào tâm lý “trăng đến rằm, trăng tròn” nên khi biết được con cái hư hỏng thì đã muộn. Nói như các cụ ta xưa “dạy con từ thuở còn thơ”, đây lại chủ quan, phó mặc tất cả cho nhà trường, xã hội nên hậu quả là không thể lường hết được. Nhất là, bối cảnh xã hội hiện đại, bình đẳng giới và tác động của lối sống ích kỉ cá nhân nên nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn, ly dị, vợ chồng không thống nhất trong việc nuôi dạy con cái. Đứa trẻ mất đi tình cảm gia đình, mất đi lòng yêu thương của bố, mẹ, không khí đầm ấm của gia đình với những sinh hoạt bên mâm cơm, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của con cái với bố mẹ nên đứa trẻ bị cô đơn, trầm cảm dẫn đến tự kỉ, phá phách. Khi đó những thế lực thù địch muốn lợi dụng họ sẽ dễ dàng nhuộm đen họ một cách đơn giản.

     Ra ngoài xã hội lại gặp những tiêu cực khác trong lối sống, cách ứng xử, mất kỉ cương xã hội, gặp những bất công trong thực tế…., tạo nên những suy nghĩ rồi dẫn đến hành động tiêu cực. Đó chính là những động lực văn hoá trong mỗi con người tạo nên những tiêu cực cho xã hội.

     Bên cạnh đó, những giá trị gia đình, cộng đồng, dòng họ… không còn được như xưa nên sự thái quá của những hành động tiêu cực nhiều khi tăng lên do bị làm ngơ, vô cảm của xã hội.

     Vì vậy, GS. TS Lê Hồng Lý nhận định, động lực văn hoá ở mọi khía cạnh đó của cuộc sống nếu biết khơi dậy đúng hướng tính nhân bản, tính tích cực, hướng thiện sẽ là cái làm cho con người có một sức mạnh ghê gớm để vươn lên, vượt qua mọi thử thách, cam go, tạo ra sự sáng tạo vượt trội. Ngược lại nếu bị chệch hướng sang tiêu cực thì cũng dễ dàng dẫn con người ta đến những kết cục đau đớn, vùi dập cuộc đời họ xuống bùn đen, đẩy họ sa ngã, dẫn đến đầu hàng, phản bội lại tổ quốc, dân tộc, khi đó sẽ  gây ra tác hại không hề nhỏ cho toàn xã hội, cho đất nước.

Làm gì để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hoá?

     Theo GS. TS Lê Hồng Lý, trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hoá truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời nay bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hoá đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hoá nâng con người ta lên trước những thử thách, khó khăn.

     Tiếp đó, cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được, mà cái động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hàng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống trở thành gien di truyền văn hoá trong mỗi con người. Có như vậy cái động lực ấy mới không bị mai một, bị ảnh hưởng, lôi kéo trước bất cứ một cám dỗ vật chất hay tinh thần nào để nó bị vẩn đục, tha hoá thì sẽ dẫn đến dân tộc ấy bị tàn lụi, đúng như câu nói văn hoá mất là dân tộc mất.

     Văn hoá là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, với đúng những gì nó có ở trong mỗi cá nhân đó. Tạo cho con người sự bình đẳng trước mọi cơ hội để họ phát triển và từ thực lực khả năng của họ đặt họ đúng vị trí trong cuộc sống, họ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, có như vậy sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ cho họ. Và như thế sẽ không còn chuyện chạy theo bằng cấp, danh hiệu, chức danh hay những thành tích ảo, tạo nên những hàng giả, hàng nhái, thiếu chất lượng trong xã hội.

     Để làm tốt những điều đó thì vấn đề pháp luật, kỉ cương phải được đề cao, đặt lên hàng đầu, được tôn trọng và phải thật nghiêm minh. Những vụ án chống tham nhũng do Đảng tiến hành thời gian gần đây đã làm nức lòng người dân mọi tầng lớp trong cả nước, kể cả những người vốn không có thiện cảm với chế độ phải công nhận. Pháp luật, kỉ cương được tôn trọng, công minh và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật như một động lực khuyến khích người ta dám nghĩ, dám làm vì đã được pháp luật bảo vệ họ khi họ làm đúng những gì mà luật pháp cho phép. Không còn phải sợ bị bóp méo, bị những áp lực không trong sáng từ một số kẻ thực thi biến chất. Như thế động lực này sẽ khơi dậy sự sáng tạo cho con người. Và điều quan trọng hơn là tạo nên một xã hội lành mạnh, minh bạch, kỉ cương có một môi trường tốt cho tất cả các cơ hội phát triển. Một môi trường như vậy sẽ tạo được tính chính danh của mỗi con người ở vị trí của mình, ngăn chặn được những tham vọng về quyền lực, sự tham lam về đồng tiền, vật chất làm loá mắt con người đẩy họ đến những việc làm bất chính.

     Một vấn đề hết sức quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay đó là văn hoá làm gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Văn hoá làm gương của người đứng đầu được coi trọng thì không chỉ người lãnh đạo ấy được cấp dưới yêu mến, quý trọng, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho cấp dưới sẵn sàng đem hết trí tuệ ra để xây dựng và phát triển cơ quan, đất nước. Giống như trong thời gian chiến tranh, biết bao những tấm gương sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ sự tồn tại của tổ chức, đó chính là động lực văn hoá đã tạo nên sức mạnh bất chấp hiểm nguy của một con người trong những tình huống khốc liệt nhất. Sự hy sinh ấy không phải vì mục đích danh vọng, tiền tài, địa vị hay một danh hiệu nào, mà từ niềm tin được hun đúc của con người đó như một động lực văn hoá nội sinh của họ.

     Hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hoá ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá đề có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá, mà không chỉ thuần tuý ở trong một ngành nghề nào. Hiểu được như vậy, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ phát huy được tối đa những động lực văn hoá trong bối cảnh riêng của ngành mình. “Thiết nghĩ đến lúc này sự hiểu biết về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá ở chúng ta cũng cần phải được hiểu một cách thông suốt và nhuần nhuyễn như vậy không chỉ ở những người đứng đầu các bộ, ngành, mà phải lan toả sự hiểu biết ấy ra toàn xã hội. Có như vậy, mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh thực sự của văn hoá đối với sự phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp” - GS. TS Lê Hồng Lý chia sẻ./.

Nguồn tin: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 HỘI NGHỊ VĂN HÓA 2021: KỲ VỌNG VĂN HÓA GHI DẤU MỐC MỚI (29/11/21)
 KHAI MẠC HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII (25/11/21)
 NCS. NGUYỄN ĐÌNH NGHĨA BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC (23/11/21)
 LỄ BẢO VỆ LUẬN VĂN TIẾN SĨ CẤP HỌC VIỆN, CHUYÊN NGÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN CỦA NCS. TRỊNH VĂN ANH (22/11/21)
 BẾ MẠC ĐỢT KHẢO SÁT CHÍNH THỨC ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (21/11/21)
 LÃNH ĐẠO CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐẾN TẶNG HOA CHÚC MỪNG NHÀ TRƯỜNG NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 (19/11/21)
 TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11, KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2021 - 2022, CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN HỘI ĐỒNG TRƯỜNG, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG VÀ TRAO BẰNG THẠC SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA (19/11/21)
 KHAI MẠC ĐỢT KHẢO SÁT CHÍNH THỨC ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (16/11/21)
 KHẢO SÁT SƠ BỘ PHỤC VỤ ĐÁNH GIÁ NGOÀI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA (26/10/21)
 NCS. LÊ THỊ THANH BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MỸ THUẬT (23/10/21)
Hôm nay 10320
Hôm qua 38362
Tuần này 140807
Tháng này 661697
Tất cả 45944890
Browser   (Today) Chi tiết >>
@2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Chịu trách nhiệm nội dung: PGS.TS Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng 
Địa chỉ: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa         Điện thoại: +(84) 2373 953 388    +(84) 2373 857 421
Email: dvtdt@dvtdt.edu.vn - Website: http://www.dvtdt.edu.vn