Tin mới
 Liên kết Website
 Hiển thị tin tức
Nghiên cứu khoa học
CHIA SẺ KINH NGHIỆM  NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Nội san số 03 - Khoa Luật & QLNN

Nhắc đến nghiên cứu khoa hoc (NCKH) chúng ta thường nghĩ đó là một công việc vất vả, đầy chông gai, lấy đi thời gian, công sức của mình. Nhưng tại sao sinh viên vẫn luôn được khuyên là nên tham gia NCKH? Vậy NCKH với sinh viên - cần hay không?

Có thể nói, khi tham gia vào một hoạt động NCKH, bản thân chúng ta luôn phải nỗ lực và tìm tòi kiến thức về vấn đề mà ta đang nghiên cứu. Nhiều bạn trẻ luôn cho rằng nó quá khó hay NCKH lấy đi quá nhiều thời gian của bản thân. Nhưng ít ai biết rằng để có một cuộc sống hiện tại, văn minh như ngày hôm nay là sự cống hiến thầm lặng, miệt mài của những con người mong muốn đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước.

Là thế hệ trẻ, sinh viên chúng ta cần hiểu rõ những cái hay, những mặt tích cực mà nghiên cứu khoa học đem lại từ khi còn trong môi trường đại học để sau này đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Chẳng nói gì xa xôi, nhưng những ngày tháng còn ngồi trên giảng đường đại học, chúng ta đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thể hiện chính bản thân mình qua những bài NCKH.

Một số sinh viên chưa thực sự hiểu điều đó nên họ quá đề cao nhiệm vụ của công việc nghiên cứu khoa học hoặc nghĩ rằng đó là một điều xa xôi, khó có thể nghĩ tới chứ chưa nói đến việc thực hiện được. Hầu hết các sinh viên năm một, năm hai thường có thái độ “kính nhi viễn chi” đối với việc tham gia làm một báo cáo khoa học cho riêng mình. Bên cạnh đó, còn do sinh viên lười, chưa chủ động, tự giác đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học chỉ vì sợ sẽ mất nhiều thời gian, sẽ vất vả. Và có một số sinh viên đến năm thứ 3, thứ 4, họ mới thực sự nghiệm thấy rằng đây là một hoạt động quan trọng mà đáng ra họ nên làm từ năm thứ nhất. Đó là một điều quá đáng buồn đối với đa số sinh viên hiện nay.

          Có rất nhiều lí do để thấy rằng việc NCKH quan trọng như thế nào đối với sinh viên. Không chỉ vì nó là một trong ba tiêu chí có tính bắt buộc để xét xem bạn có được làm khóa luận hay không mà theo tôi nó còn vừa là một “người thầy” lại vừa là một “người bạn” đối với bản thân mỗi sinh viên. Là “người thầy” vì NCKH sinh viên là một sự sàng lọc và đánh giá nghiêm khắc, giúp sinh viên biết mình đang ở vị trí nào trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Là “người bạn” vì trong quá trình tham gia thực hiện một báo cáo khoa học, sinh viên sẽ tự khám phá ra được rất nhiều điều lí thú và thực sự cần thiết, bổ trợ cho cả quá trình học đại học và thậm chí cả công việc sau này của mình. Bản thân việc NCKH không đơn giản là một việc quá nặng tính lý thuyết, sách vở mà quan trọng nhất là hình thành tư duy khoa học, logic và khách quan cho bạn, hình thành phản xạ trong nhận diện và giải quyết bất cứ công việc nào mà thực tiễn đặt ra.

Trong thời gian gắn bó với hoạt động sinh viên NCKH, bản thân tôi nhận thấy rằng: bên cạnh những điểm sáng đáng khen ngợi, hoạt động này còn nhiều hạn chế và cần có được sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường, các giảng viên với vai trò là người định hướng, hướng dẫn đề tài; và nhất là từ các bạn sinh viên. Trong phạm vi bài viết này, cũng là một người đã từng tham gia vào những hoạt động NCKH, bản thân tôi cũng có chút ít rút ra được những lợi ích và khó khăn mà NCKH đem lại, đó là:

Một số lợi ích của hoạt động nghiên cứu khoa học

-  Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên bổ sung những kiến thức không được học trong chương trình chính khóa, lấp đầy những kiến thức về đời sống xã hội để làm giàu vốn sống cho bản thân. Trong quá trình đi khảo sát hay thực tế, các bạn sẽ phải vận dụng những kỹ năng ít khi dùng đến, qua đó bạn hiểu sâu hơn về những điều còn bỏ ngỏ ở giảng đường hay những bài học trong sách.

 - Giúp sinh viên đào sâu hơn những kiến thức được học. Nghiên cứu khoa học sẽ phát huy khả năng phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới để giải quyết những vấn đề đang quan tâm, thắc mắc… từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như vốn sống cho mỗi sinh viên.

- Sinh viên có kinh nghiệm viết báo cáo, chuyên đề tốt nghiệp sau này. Những kinh nghiệm được rút ra thực sự bổ ích cho sinh viên năm cuối và khi rời ghế nhà trường đi làm. Cao hơn là những luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ…

- Đồng thời, hoạt động NCKH giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, khả năng phê phán, bác bỏ hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm nào đó, rèn kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, khả năng tư duy logic, xây dựng tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.

Một số khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay

+ Sinh viên thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản về các phương pháp NCKH.

+ Khó khăn trong việc xác định đề tài nghiên cứu.

+ Sinh viên chưa biết cách tìm kiếm tài liệu.

+ Cách xử lí số liệu còn thiếu sót.

+ Chưa mạnh dạn trình bày NCKH trước Hội đồng khoa học.

Ngoài những khó khăn kể trên thì còn có rất nhiều khó khăn mà sinh viên khi NCKH gặp phải, điều này cho thấy, hoạt động NCKH không phải là một hoạt động đơn giản, dễ dàng mà bất kì sinh viên nào cũng có thể làm được, nhưng cũng không vì vậy mà sinh viên né tránh. Muốn hoạt động NCKH của mình mang lại hiệu quả thì sinh viên cần cân nhắc trước khi đăng kí đề tài. Đây là hoạt động cần sự nghiêm túc, kiên trì và có sự nghiên cứu, bỏ công sức thực sự. Vậy nên, ngay từ bây giờ chúng ta hãy tìm cho mình một phương pháp học tập hiệu quả và tích cực học hỏi để nâng cao những kỹ năng nghiên cứu khoa học của mình.

Có thể thấy rằng, hoạt động NCKH mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển nền tảng kiến thức của sinh viên. Thực tế vẫn còn có nhiều rào cản từ nhiều phía đối với hoạt động này và điều đó cũng đã làm nản lòng không ít các sinh viên tham gia NCKH. Mặc dù vậy, theo quan điểm của tôi, sức mạnh và ý chí nội tại giữ vai trò quan trọng. Thông qua một ít chia sẻ này, tôi hy vọng các bạn sinh viên vẫn duy trì chút “lửa” cho việc NCKH giữa cuộc sống, công việc và việc học với rất nhiều lo toan. Hy vọng rằng NCKH trong sinh viên sẽ luôn  là một bức tranh rạng ngời trên con đường trau dồi kiến thức của chính mình.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hằng - Sinh viên lớp Quản lý nhà nước K1
In tin    Gửi email    Phản hồi


Các tin khác:
 KINH NGHIỆM ĐI THỰC TẾ, THỰC TẬP CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT - QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC (09/06/19)
 KINH NGHIỆM THI GIỮA KỲ, CUỐI KỲ (09/06/19)
 SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CẦN BIẾT (09/06/19)
 VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (09/06/19)
 CÔNG TÁC XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TẠI THÀNH PHỐ THANH HÓA (09/06/19)
 Khoa Luật&QLNN tham gia Hội nghị thẩm định thuyết mình Đề tài cơ sở năm 2019 (26/05/19)
 HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2018-2019 (26/05/19)
 BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN NĂM HỌC 2018 - 2019 (26/05/19)
 TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TĂNG MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐẾN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI (26/05/19)
 Ý NGHĨA CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU KHÁI NIỆM – ĐỊNH NGHĨA ĐỐI VỚI TƯ DUY NGÀNH LUẬT (26/05/19)
    Hôm nay 20774
    Hôm qua 16498
    Tuần này 116710
    Tháng này 400461
    Tất cả 6750781
    Browser   (Today) Chi tiết >>
    KHOA LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

     

     @2015 Bản quyền thuộc về Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
     
    Cơ sở: Số 561 Quang Trung 3, P. Đông Vệ, TP. Thanh Hóa  Điện thoại: (037) 3953 388 - (037) 3857 421
    Chịu trách nhiệm nội dung: TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường